Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt không chỉ về vật chất mà cả tinh thần cho các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý. Hằng năm, cứ vào dịp Trung thu, Bác thường đi thăm hoặc gửi quà cho thiếu nhi.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt không chỉ về vật chất mà cả tinh thần cho các cháu thiếu niên và nhi đồng yêu quý. Hằng năm, cứ vào dịp Trung thu, Bác thường đi thăm hoặc gửi quà cho thiếu nhi. Có một số năm vào dịp Trung thu, Bác còn gửi thư khen hoặc làm thơ tặng thiếu nhi với tất cả tấm lòng trìu mến và một tình thương bao la, nồng ấm.
Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao Việt Bắc. Ảnh: TL |
Ngày 17/9/1945, chưa đầy 2 tuần lễ sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã viết một bài báo: "Tết Trung thu với nền độc lập” in trên báo Cứu Quốc số 45 dành trọn tình cảm cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước. Trong thư Bác viết: "Các cháu yêu quý! Hôm nay là Tết Trung thu! Ba má các cháu đã sắm cho các cháu nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa và nhiều đồ chơi khác, các cháu vui vẻ nhỉ! Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng, trời xanh của trung thu lại làm cho các cháu vui cười hớn hở. Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu, hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ trẻ con, Trung thu năm nay nước ta đã được tự do, các cháu đã trở thành tiểu chủ nhân của một nước độc lập”(1)... và Bác Hồ không quên nhắc các cháu nhiều điều thiết thực: "Hôm nay các cháu tha hồ vui chơi cho thỏa chí; ngày mai mong các cháu hết sức học tập. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy nở nang. Và ra sức giúp việc cho Hội Nhi đồng cứu quốc”.(2)
Không lâu sau Tết Trung thu độc lập đầu tiên đó, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ; rồi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc.
Nhân dịp Tết Trung thu 1948, Bác đã viết gửi các cháu thiếu niên - nhi đồng: “Mặc dầu giặc tây độc ác, chúng quyết không thể ngăn trở trăng thu vừa đẹp, vừa tròn. Mặc dầu giặc tây hung tàn, chúng quyết không thể ngăn trở các cháu vui tươi và hăng hái. Mặc dầu giặc tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngăn trở chúng ta kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công” (3). Tết Trung thu năm 1949, lúc này, Chiến dịch Thu đông biên giới đang trên đà thắng lợi, Bác lại có thư gửi. Bác khen ngợi: “Các cháu tiến bộ hơn năm ngoái” cả “về mặt thi đua học hành” và “về mặt tham gia kháng chiến”. (4)
Cuộc kháng chiến chống Pháp có nhiều gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Trong thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng ngày 13 tháng 9 năm 1951, Bác mở đầu bằng mấy vần thơ lục bát thật xúc động với bao nỗi niềm yêu thương, ân cần:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. (5)
Rồi Bác nhắc nhở thiếu nhi phải yêu nước, ghét giặc, biết giúp đỡ thương binh, biết đoàn kết và thi đua làm nhiều việc có ích cho kháng chiến: “Bác thường nhận được thư nhi đồng ở vùng bị tạm chiếm, mách với Bác oanh liệt thế nào. Những thư ấy làm cho Bác đau đớn, vì các cháu ấy bị đầy đọa; làm cho Bác vui lòng vì các cháu ấy dũng cảm; làm cho Bác và tất cả đồng bào càng căm ghét bọn thực dân và bù nhìn. Bác cũng thường nhận được thư nhi đồng các nơi báo cáo thành tích thi đua. Những thư ấy làm cho Bác rất vui vẻ”.(6)
Thư Trung thu năm 1952, sau thắng lợi chiến dịch Hòa Bình, Bác tỏ lời động viên các cháu, Bác kết thúc bức thư bằng những vần thơ rất đỗi tình cảm, nặng tình nghĩa với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Đây là những câu thơ nổi tiếng của Bác Hồ gửi cho “bầy con cưng của dân tộc” (chữ Bác dùng). Chính những vần thơ ấy mà sau này trở thành lời bài hát truyền thống Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh:
“Ai yêu nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn, mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng, thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến, để gìn giữ hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng, cháu Bác Hồ Chí Minh”. (7)
Năm 1953, kháng chiến thu được nhiều thắng lợi, Bác phấn khởi làm “Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng”: “9 Tết Trung thu/8 năm kháng chiến/Các cháu khôn lớn/Bác rất vui lòng! Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/Thu này hơn những thu qua/Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần/Khắp nơi nam bắc - tây đông/Đưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay/Các cháu vui thay/Bác cũng vui thay/Thu sau so với thu này vui hơn”. (8)
Quả đúng như vậy. Trung thu năm 1954 là “Trung thu hòa bình đầu tiên sau 9 năm kháng chiến của nhân dân ta”. Trong thư Bác khen ngợi sự đóng góp của thiếu nhi cho cuộc kháng chiến. Bác viết: “Trăng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc cũng như miền Nam”. Cuối thư Bác thể hiện lòng mong đợi thiết tha: “Đến ngày Nam Bắc một nhà. Các cháu xúm xít thì ta vui lòng”.(9)
Tết Trung thu 1956 và 1957, Bác đều viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước và bao giờ Bác cũng dành tình cảm thân thương, trìu mến mà rất mộc mạc chân tình:
“Thân ái chúc các cháu
Vui vẻ mạnh khỏe/Đoàn kết chặt chẽ
Thi đua học hành/Tiến bộ mau lẹ”. (10)
Và trong thư “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng” năm 1960 bằng lời văn dí dỏm Bác kể: “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú cuội chăn trâu: Chú cuội ngồi ở trong trăng. Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười...”. Cuối bài Bác viết: “Nhờ cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đây là lá thư cuối cùng của Bác, vì sau này do chiến tranh và bận rộn với nhiều công việc Bác không có nhiều thời gian viết thư cho thiếu niên, nhi đồng. Nhưng sau này trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng ta là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Mặc dù, đã 43 năm Bác đi xa, nhưng những vần thơ và bức thư của Bác vẫn sống mãi với thời gian, thấm đẫm tình yêu thương bao la của Bác Hồ đối với các thế hệ mầm non đất nước. Cứ mỗi dịp Tết Trung thu về, đọc lại những vần thơ và bức thư của Bác, càng hiểu thêm tấm lòng nhân ái bao la và tầm nhìn xa trông rộng của Bác đối với sự nghiệp chăm sóc bồi dưỡng giáo dục cho các thế hệ tương lai của đất nước.
(1,2,3,4,5,6,7,8,9,10) Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng, NXB Thanh Niên.
Nguyễn Văn Thanh