Ngành nghề nông thôn Lâm Đồng đang phát triển với tốc độ còn chậm, phát triển không đồng đều giữa các khu vực và các địa phương, sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình nên sản phẩm bán ra chưa tạo được lợi thế cạnh tranh từ thị trường trong nước ra đến thị trường xuất khẩu...
Ngành nghề nông thôn Lâm Đồng đang phát triển với tốc độ còn chậm, phát triển không đồng đều giữa các khu vực và các địa phương, sản xuất chủ yếu với quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình nên sản phẩm bán ra chưa tạo được lợi thế cạnh tranh từ thị trường trong nước ra đến thị trường xuất khẩu. Để khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn Lâm Đồng với những bước đi ổn định, vững chắc, các cấp, ngành từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh cần sớm tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm trên từng khu vực dân cư.
Ngành nghề nông thôn Lâm Đồng đang phát triển chủ yếu ở phạm vi hộ gia đình |
Theo số liệu của cơ quan hữu quan ở Lâm Đồng, đến nay Lâm Đồng có trên 8.000 cơ sở ngành nghề ở khắp vùng nông thôn trên 12 huyện, thành trong tỉnh, với hơn 27.200 hộ gia đình và gần 65.300 lao động trực tiếp tham gia sản xuất các mặt hàng đan may, đan lát, dệt thổ cẩm, trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa công nghệ cao, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… Trong đó có 22 làng nghề sản xuất tập trung gồm khoảng 4.000 hộ gia đình với hơn 7.000 lao động thường xuyên với trình độ tay nghề chưa được tạo điều kiện để đào tạo chuyên sâu, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Thống kê trong tỉnh Lâm Đồng còn cho biết, có khoảng 32% cơ sở ngành nghề nông thôn đã chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất như trồng dâu nuôi tằm, khai thác mây, tre từ rừng sản xuất về chế biến thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tỷ lệ không nhỏ những cơ sở ngành nghề nông thôn còn lại phải mua nguyên liệu từ các nước ngoài về, chẳng hạn như mua các giống hoa sản xuất từ Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp… Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở ngành nghề khác ở nông thôn đang sản xuất các mặt hàng dệt thổ cẩm, dệt len; các mặt hàng bàn ghế, giường, tủ bằng sợi dây lục bình… đều phải mua trôi nổi từ các khu chợ lớn, nhỏ ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả khảo sát thị trường của cơ quan chức năng trong tỉnh Lâm Đồng cho thấy: Đối với các cơ sở ngành nghề phi nông nghiệp như đan lát, dệt thổ cẩm, đan len… với sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ tiêu thụ thị trường trong nước với giá cả ở mức trung bình. Trong đó, ước đạt tỷ lệ 59% sản phẩm bán ra trong phạm vi từ làng, xã đến huyện và tỉnh; 36,5% sản phẩm bán ra ngoài tỉnh, nhưng không đủ năng lực bán trực tiếp mà phải thông qua hệ thống thương lái từ trong và ngoài tỉnh nên giá cả vẫn ở mức thấp. Còn lại 4,5% sản phẩm bán cho các quầy bán hàng lưu niệm tại các khu du lịch trong tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là các quầy hàng ở các khu du lịch nổi tiếng của thành phố Đà Lạt để hàng ngày giới thiệu bán cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Riêng với làng nghề sản xuất sản phẩm hoa công nghệ cao, thị trường tiêu thụ đến các đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh chiếm 80%; thị trường miền Trung và Tây Nguyên nói chung và thị trường trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng chiếm 10%; thị trường tiêu thụ đến các đầu mối ở Hà Nội chiếm 5%, còn lại xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực châu Á chiếm tỷ lệ 5%. Từ việc phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước của từng ngành nghề nông thôn khác nhau, đã đưa đến những kết quả chênh lệch nhau khá khác biệt về thu nhập của người lao động. Như lao động của nghề trồng hoa cao cấp ở Đà Lạt đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng thì lao động của nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chỉ đạt từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng. Còn các ngành nghề thủ công còn lại ở nông thôn Lâm Đồng cũng chỉ ở mức thu nhập trên dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế việc phát triển ngành nghề nông thôn Lâm Đồng chậm như trên là do phần lớn chỉ dừng lại sản xuất ở quy mô hộ gia đình, hàng năm nguồn vốn huy động đầu tư kinh doanh còn thấp, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu bức thiết cho sản xuất những sản phẩm có khả năng cạnh tranh để từng bước mở rộng thị trường. Theo các cơ quan chuyên ngành phát triển nông thôn Lâm Đồng, để kích cầu sản xuất của ngành nghề nông thôn Lâm Đồng, cần phải triển khai đồng bộ gồm 6 giải pháp hữu hiệu nhất. Thứ nhất, khẩn trương quy hoạch mới ngành nghề nông thôn gắn với việc phát triển du lịch. Thứ hai, áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn. Thứ ba, hỗ trợ 100% kinh phí dạy nghề cho người lao động. Thứ tư, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới để phát triển các ngành nghề bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thứ năm, Nhà nước hỗ trợ từ 75 - 100% kinh phí xây dựng và nâng cấp mới cơ sở hạ tầng của các làng nghề truyền thống, đặc biệt là làng nghề ở vùng sâu, vùng xa, tạo thuận tiện cho việc giao thương với thị trường. Và cuối cùng Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho các sản phẩm của các ngành nghề nông thôn Lâm Đồng khi tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước.
VĂN VIỆT