Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số

03:09, 30/09/2012

Để phát triển KT-XH, giảm bớt ranh giới giàu nghèo giữa các vùng, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh từ rất sớm đã có những quan tâm thực sự tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn (các xã vùng II và vùng III) cũng như cán bộ từ các vùng khác về nhận công tác tại đây.

Lâm Đồng hiện có 286.240 nhân khẩu - chiếm tỷ lệ 24,1% dân số toàn tỉnh - là người dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sinh sống tại 62 xã vùng II và 43 xã vùng III, và trong khi tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 9,36% thì tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn tới 23,88%. Để phát triển KT-XH, giảm bớt ranh giới giàu nghèo giữa các vùng, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh từ rất sớm đã có những quan tâm thực sự tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn (các xã vùng II và vùng III) cũng như cán bộ từ các vùng khác về nhận công tác tại đây.

Xây dựng văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Lâm Hà. Ảnh: Minh Ngọc
Xây dựng văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Lâm Hà. Ảnh: Minh Ngọc


Để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS và thực hiện Quyết định số 253/Q Đ-TTg ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010”, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã tập trung lãnh chỉ đạo công tác xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và tăng cường công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại các xã vùng II và vùng III của tỉnh. Kết quả là hiện nay trong tổng số 1.633 cán bộ chuyên trách cấp xã của tỉnh có 360 cán bộ là người DTTS, 244/ 1.432 công chức cấp xã hiện tại là người DTTS; như vậy trong tổng số 3.065 cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã của toàn tỉnh hiện có 604 người thuộc các cộng đồng DTTS (Trong 604 cán bộ công chức cấp xã là người DTTS, có 25 người là bí thư đảng uỷ xã, 47 người là phó bí thư đảng uỷ xã, 23 người là chủ tịch UBND xã, 61 người là phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND xã…). Hiện tại, 3.065 cán bộ cấp xã của toàn tỉnh có 816 người có trình độ đại học, 76 người có trình độ cao đẳng về chuyên môn nghiệp vụ; tuy nhiên rất ít người trong số họ đang công tác tại các xã vùng khó khăn. Do vậy, hiện nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên, bác sỹ, khoa học công nghệ, tài chính… có trình độ cao tại các xã này phần lớn đều là cán bộ tăng cường.

Ông Huỳnh Mỹ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, tuy đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã được tăng cường nhưng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở tại các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn vẫn thiếu về số lượng, yếu về trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị; phần lớn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ cấp trên nên còn lúng túng và thiếu sáng tạo khi xử lý công tác tại địa phương. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này - theo Ban Dân tộc tỉnh, cùng với cản trở là phong tục tập quán trong vùng còn lạc hậu đã ảnh hưởng tới sự phấn đấu vươn lên về mặt năng lực của đội ngũ cán bộ người DTTS, còn do công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS còn thiếu quy hoạch, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế. Các giải pháp để khắc phục tình trạng này - cũng theo Ban Dân tộc tỉnh - là: Trước hết cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo cán bộ DTTS có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp bằng đẩy nhanh việc cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo cán bộ chính trị của tỉnh và Trung ương; gắn việc đào tạo cán bộ DTTS với chiến lược phát triển của từng địa phương, từng dân tộc theo nhu cầu và kế hoạch cụ thể. Cấp uỷ và chính quyền các xã cần nắm vững nhu cầu cán bộ, năng lực và nguyện vọng của cán bộ… để có kế hoạch bố trí, sử dụng hợp lý nhằm phát huy đúng sở trường của từng người; khuyến khích cán bộ phát huy chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo, đồng thời “định hướng cho học sinh DTTS tại địa phương những ngành nghề có thể phục vụ thiết thực cho chính quê hương mình”. Mặt khác, để thu hút và tạo điều kiện cho cán bộ người DTTS an tâm và tận tuỵ với công việc, Nhà nước cần quan tâm hơn tới các chính sách đãi ngộ họ như tiền lương, khen thưởng, học tập, điều kiện làm việc… và ổn định đời sống của gia đình họ theo hướng “tiếp tục nghiên cứu để ban hành các quy định về cấp đất, giao ruộng, giao rừng, cho vay tín dụng… cho cán bộ DTTS ở cơ sở để họ ổn định cuộc sống gia đình”. Giải pháp về điều động và tăng cường cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn sẽ cần được tiếp tục trong giai đoạn hiện tại, song “ cần chú ý điều động cán bộ là người DTTS ở những xã còn thiếu, bao gồm cán bộ là người DTTS tại chỗ và cán bộ một số dân tộc khác”.

Xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ cơ sở  là người DTTS đã và đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, vì đó chính là động lực có tính quyết định cho sự phát triển bền vững KT-XH ở những địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Đức Hưng