Xung quanh chiếc bánh Trung thu

07:09, 25/09/2012

Trong không khí náo nức đón chờ Trung thu rước đèn, phá cỗ của trẻ thơ, cũng là lúc vào mùa tất bật của các lò sản xuất, cơ sở kinh doanh, phân phối bánh Trung thu và hoạt động tăng cường thanh kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cấp từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn.

Trong không khí náo nức đón chờ Trung thu rước đèn, phá cỗ của trẻ thơ, cũng là lúc vào mùa tất bật của các lò sản xuất, cơ sở kinh doanh, phân phối bánh Trung thu và hoạt động tăng cường thanh kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cấp từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn. PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh xung quanh các hoạt động để đảm bảo bánh Trung thu an toàn cho sức khỏe.

Bánh Trung thu mới ra lò
Bánh Trung thu mới ra lò

PV: Thưa BS, được biết tỉnh Lâm Đồng thành lập 2 đoàn cấp tỉnh kiểm tra bánh Trung thu kéo dài hơn nửa tháng, đến nay ghi nhận tình hình như thế nào?

BS Bùi Văn Độ: Đợt kiểm tra liên ngành về VSATTP dịp Tết Trung thu năm 2012 của tỉnh tập trung vào 2 loại hình: Cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh Trung thu và nhà phân phối bánh Trung thu. Toàn tỉnh có 20 lò sản xuất bánh Trung thu và 10 nhà phân phối lớn. Đoàn đã kiểm tra 14 cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại địa phương, thì có 7 cơ sở chưa đảm bảo điều kiện VSATTP, kiểm tra 10 cơ sở phân phối, có 6 cơ sở không đạt. Các cơ sở sản xuất bánh trung thu vi phạm chủ yếu là không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, con người (khám sức khỏe, xét nghiệm người lành mang trùng, tập huấn kiến thức). Đoàn lập biên bản và quyết định tạm dừng sản xuất, giao cho Phòng Y tế các huyện, thành phố giám sát việc ngưng hoạt động, khi nào cơ sở khắc phục xong, Phòng Y tế mời Chi cục ATVSTP đến thẩm định đủ điều kiện mới cho tiếp tục sản xuất. Đối với các cơ sở kinh doanh, phân phối bánh Trung thu chưa đạt do chưa có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, bánh chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, thiếu hóa đơn chứng từ, đoàn cũng yêu cầu cơ sở tạm ngưng kinh doanh để bổ sung các hồ sơ giấy tờ liên quan.

PV: Nhiều đoàn kiểm tra ATVSTP của tỉnh, của huyện, của các xã - phường - thị trấn đều tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Theo phản ánh có khi 1 cơ sở tiếp 6 đoàn kiểm tra liên tục trong thời gian ngắn, ông có ý kiến gì về việc này?

BS Bùi Văn Độ: Theo quy định phân cấp của nhà nước thì tần suất kiểm tra cơ sở thực phẩm ở cấp tỉnh 1 năm 2 lần, cấp huyện không quá 2 lần và cấp xã không quá 4 lần đối với các cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Chúng tôi thống nhất kiểm tra không gây phiền hà, mà chủ yếu là giám sát mối nguy. Thực tế, chúng tôi có thể kiểm tra, hậu kiểm nhiều lần hơn nữa nếu cơ sở không đảm bảo điều kiện VSATTP. Vì vậy, 3 nhiệm vụ của kiểm tra thực phẩm là: Hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các điều kiện VSATTP, yêu cầu bắt buộc cơ sở thực hiện để đảm bảo các điều kiện, trường hợp cơ sở vi phạm thì ngưng kinh doanh. Đối với cơ sở vi phạm lần đầu thì đoàn nhắc nhở, lần 2 xử phạt và lần 3 cưỡng chế ngừng hoạt động.

PV: Như vậy, làm thế nào để có sự hài hòa giữa hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSTP và hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm?

BS Bùi Văn Độ: Chúng tôi tiếp tục tham mưu với Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh tăng cường giám sát của các đoàn cấp huyện, xã, tránh sự chồng chéo; hướng dẫn nhắc nhở các cơ sở tuân thủ các quy định, thông tin các cơ sở đạt và không đạt về VSATTP trên báo, đài. Trong luật đã quy định về giám sát cảnh báo, truyền thông mối nguy, cơ sở thực phẩm không đạt phải đưa lên truyền thông đại chúng và tuyên dương các cơ sở tốt. Cho nên mục đích kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm là giúp cơ sở xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín thương hiệu, chứ không phải trù dập, làm cơ sở mất uy tín.

PV: Thưa BS, làm thế nào để có bánh Trung thu an toàn?

BS Bùi Văn Độ: Không chỉ bánh Trung thu, mà thực phẩm nói chung phải đảm bảo 3 khâu, đó là: tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm để cơ sở sản xuất đảm bảo các điều kiện VSATTP; cơ sở sản xuất chế biến ra sản phẩm chất lượng an toàn, nhà sản xuất có kiến thức về thực phẩm và đạo đức kinh doanh; người dân phải là “người tiêu dùng thông thái” biết: lựa chọn sản phẩm để mua, biết chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn, là tuyên truyền viên và là thanh tra viên đối với thực phẩm. Khi mua cần chú ý xem xuất xứ, nguồn gốc, ngày sử dụng, hàm lượng, cảnh báo mối nguy trên bao bì thực phẩm.

Cũng nói thêm rằng, đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất với nhiều nội dung, trong đó kiểm tra nguyên liệu làm nhân bánh có xuất xứ, hóa đơn nhập hàng, truy rõ nguồn gốc nguyên liệu, chưa phát hiện trường hợp có sử dụng nhân bánh Trung thu Trung Quốc không đạt chất lượng. Đó là mặt tốt của các nhà sản xuất bánh Trung thu tại địa phương. Các nhà phân phối bánh Trung thu những hãng lớn có thương hiệu, thì đều có hồ sơ công bố chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.  

PV: Cám ơn BS!   

DIỆU HIỀN (Thực hiện)