60 năm một ngôi trường

02:10, 30/10/2012

Trong tháng 11/2012 này, Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, tiền thân là trường Nữ Trung học đầu tiên của vùng đất Tây Nguyên (Cao nguyên Trung phần như tên gọi cũ) cũng là ngôi trường có bề dày truyền thống bậc nhất thành phố hoa này sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Trong tháng 11/2012 này, Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt, tiền thân là trường Nữ Trung học đầu tiên của vùng đất Tây Nguyên (Cao nguyên Trung phần như tên gọi cũ) cũng là ngôi trường có bề dày truyền thống bậc nhất thành phố hoa này sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Lãnh đạo tỉnh và thành phố Đà Lạt trồng cây tại trường nhân dịp khai giảng năm học mới 2012- 2013
Lãnh đạo tỉnh và thành phố Đà Lạt trồng cây tại trường nhân dịp khai giảng năm học mới 2012- 2013


Như mới ngày đầu

Với nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tp Đà Lạt nay đã về hưu, một học sinh của Nữ Trung học Bùi Thị Xuân và sau đó lại trở thành giáo viên của trường, kỷ niệm về ngôi trường Nữ Trung học đầu tiên này tuy cách đây đã vài mươi năm, nhưng trong lòng vẫn còn tươi nguyên “như mới ngày đầu”.
 
Thành lập năm 1952, ngôi trường ban đầu có tên là Phương Mai - tên của con gái vua Bảo Đại. Những ngày đầu, trong khi chờ đợi xây dựng cơ sở vật chất tại vị trí hiện nay, trường đã phải mượn các lớp học của trường Đoàn Thị Điểm, một ngôi trường tiểu học nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt để dạy học. Lúc đó cũng chỉ mới mở được một lớp 6 (ngày trước gọi là Đệ Thất), năm học sau đó mới có thêm lớp 7 (Đệ Lục). Năm 1954, khi xây cất xong các dãy phòng học ở đây, 2 lớp học này được chuyển về và bắt đầu có thêm các lớp cao hơn. Năm 1955, trường đổi tên thành Quang Trung và mở thêm các lớp đệ nhị cấp (tức là khối THPT - cấp 3 hiện nay). Năm 1957, trường một lần nữa đổi tên mới và lần này lấy tên Bùi Thị Xuân, một nữ danh tướng Việt Nam, dưới triều vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cùng với quyết định của Bộ Quốc gia Giáo dục chính quyền Miền Nam lúc ấy, các học sinh nam được chuyển sang trường Trung học nam Trần Hưng Đạo, còn Bùi Thị Xuân trở thành nữ trung học công lập đầu tiên của Đà Lạt và cả của Cao nguyên Trung phần, nay là Tây Nguyên.

“Phải đến năm 1959, 7 năm sau khi thành lập trường tôi mới lên lớp 6, dự thi tuyển, đậu vào học nơi đây” – cô Hạnh kể. Theo cô nhớ lại, lúc đó trường có các khối lớp từ 6 đến lớp 12, mỗi khối từ 3 đến 4 lớp. Trang phục của các nữ học sinh lúc đó là áo dài, mùa nắng áo dài trắng, mùa mưa thêm áo dài màu xanh thẫm, khoác thường ngày có áo len màu xanh đậm. “Trường có nội quy rất nghiêm, có bác cai trường (nay là giám thị) canh giờ, đúng giờ là đóng cổng, học xong trưa mới mở cổng ra về. Còn thầy cô trong trường thương học trò, nhưng rất có khoảng cách”. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là những ngày lễ lớn trường có voi, voi thật của chính quyền lúc đó cử về, trường có nhiệm vụ chọn ra 2 nữ sinh để đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị, hoặc một nữ sinh đóng vai nữ tướng Bùi Thị Xuân. Người được chọn phải là học sinh đứng đầu khối, xinh đẹp, tiêu biểu cho trường, được vinh dự ngồi trên lưng voi diễu hành quanh phố Đà Lạt.

Trong mắt những học sinh thế hệ như cô Hạnh, niềm mơ ước lớn nhất là được trở thành thầy cô giáo như những thầy cô đang dạy trong trường, lúc đó gọi là “giáo sư”. Phải là những người tốt nghiệp sư phạm và phải vượt qua được kỳ thi kiểm tra nghiêm ngặt của ngành chức năng mới được mang danh hiệu “giáo sư”. Chỉ có giáo sư mới được dạy ở những trường công lập có tiếng như Bùi Thị Xuân hoặc Trần Hưng Đạo.

Nối tiếp truyền thống

Trong suốt 60 năm hiện diện của mình, Nữ Trung học Bùi Thị Xuân trước kia và THPT Bùi Thị Xuân sau này luôn là lá cờ đầu của Giáo dục Đà Lạt và của tỉnh Lâm Đồng. Truyền thống “yêu thầy, mến bạn, chăm học”, nói như cách hiện nay “dạy tốt, học tốt” của trường qua bao thế hệ luôn được gìn giữ như một tài sản quý giá, một giá trị tinh thần không dễ có được. Học sinh trường luôn nề nếp, tỷ lệ khá giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp của trường từ trước đến nay luôn dẫn đầu Đà Lạt và của Lâm Đồng, nhiều học sinh của trường đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, là thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm. Tỷ lệ học sinh đậu vào đại học hàng năm rất cao. Từ cánh cổng trường này đã có bao thế hệ trưởng thành, đạt được thành công trong cuộc sống và trong nhiều lĩnh vực công tác.

Trong suốt nhiều thế hệ, Bùi Thị Xuân luôn quy tụ được rất nhiều những người thầy có tiếng, có tâm huyết với nghề tại Đà Lạt và Lâm Đồng đến với trường và nhà trường cũng góp phần tạo ra những người thầy giỏi. Có thể kể đến những khuôn mặt tiêu biểu từng dạy tại đây như thầy Tạ Tất Thắng, một trong những người thầy giáo đầu tiên khi thành lập trường và là cây đại thụ về Anh văn của Lâm Đồng hiện nay; thầy Nguyễn Hữu Hiền, giáo viên Vật lý, sau chuyển công tác về TP HCM và hiện đã nghỉ hưu; thầy Lương Mậu Dũng, giáo viên dạy giỏi hiện đang công tác tại Trường Lê Quý Đôn, TP HCM. Thế hệ gần đây có thể kể đến những người thầy rất giỏi đang công tác như thầy Lê Bình, giáo viên Vật lý; thầy Nguyễn Văn Hạnh, giáo viên Sinh vật; cô Đồng Thị Yến Trang, giáo viên Anh văn (nay đã nghỉ hưu)…

“Chúng tôi coi việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của trường là một trách nhiệm” – thầy Nguyễn Hữu Hoá, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Với sự đầu tư thích đáng, hiện cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng khá bài bản. Năm học này trường có gần 1.400 học sinh đang học tại 40 lớp của ba khối lớp, từ lớp 10 đến lớp 12. Trong tổng diện tích gần 5 ha của mình, bên cạnh các dãy phòng học khang trang, trường còn có một sân vận động, một hội trường, có thư viện rất rộng và nhiều sách, có hệ thống phòng bộ môn, phòng thí nghiệm trang bị khá đầy đủ. Từ qui mô cả cấp Trung học cơ sở (cấp 2) và cấp Trung học phổ thông (cấp 3) với khoảng 3.500 học sinh hàng năm, cách đây 2 năm, cấp Trung học cơ sở đã được tách ra khỏi trường (hình thành nên THCS Nguyễn Du – Đà Lạt) và hiện nay trường chỉ còn khối THPT”. Qui mô lớp học giảm xuống, là điều kiện cơ bản để trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm nay” - thầy Hoá cho biết.

Bùi Thị Xuân hôm nay vẫn giữ được những giá trị mình có, là một trong những ngôi trường mà nhiều bậc phụ huynh ở thành phố sương mù này không khỏi tự hào khi có con em mình theo học tại đây.

VIẾT TRỌNG