“Bê tông” vào ngõ

03:10, 28/10/2012

Với phương thức “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”, nhằm nâng cao vai trò tự chủ của cộng đồng dân cư, mạng lưới giao thông nông thôn của huyện Cát Tiên đang có sự phát triển và thay đổi một cách ấn tượng.

Với phương thức “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư”, nhằm nâng cao vai trò tự chủ của cộng đồng dân cư, mạng lưới giao thông nông thôn của huyện Cát Tiên đang có sự phát triển và thay đổi một cách ấn tượng.

Đường bê tông vào tận ngõ đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân vùng sâu
Đường bê tông vào tận ngõ đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân vùng sâu


Theo lộ trình, đến năm 2015, đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Cát Tiên sẽ đạt được mốc 125 km, tương ứng với vốn đầu tư là 125 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 87.5 tỷ đồng; số còn lại, do nhân dân đóng góp.

Để sớm “bê tông hoá” những đường làng lầy lội, ngay từ khi triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT, huyện Cát Tiên đã chia vùng để phân loại, tạo thuận lợi trong việc thực hiện. Đối với đường GTNT thuộc thị trấn Đồng Nai, Nhà nước sẽ hỗ trợ các loại vật liệu chính để làm mặt đường (đá, cát, xi măng, nhựa đường...), với mức hỗ trợ tối đa không quá 60% giá trị công trình. Nhân dân tự hiến đất, tự giải toả cây cối, hoa màu; đồng thời, đóng góp ngày công lao động, vật tư và tự tổ chức thi công công trình. Các xã tương đối phát triển, như: Phù Mỹ, Phước Cát 1, Đức Phổ, Quảng Ngãi... sẽ được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị công trình. Riêng với Tư Nghĩa, Tiên Hoàng, Nam Ninh, Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, những xã đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu sẽ được Nhà nước hỗ trợ vật liệu chính, xe, máy móc để làm mặt đường với mức hỗ trợ tối đa 100% giá trị công trình.

Tuy nhiên, không giống với những địa phương khác, việc huy động nguồn vốn đóng góp từ nhân dân ở huyện Cát Tiên lại có sự khác biệt. Đó là, sự linh động trong việc triển khai cũng như sự đồng thuận của người dân. Không chỉ các hộ dân trong khu vực làm đường mới phải đóng góp mà người dân và doanh nghiệp, đơn vị trong khu vực hưởng lợi cũng phải tham gia hỗ trợ, đóng góp. Bên cạnh tiền hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, chính quyền cơ sở sẽ tổ chức huy động nhân dân trong toàn xã đóng góp 10% tiền mặt và huy động nhân dân khu vực được hưởng lợi tham gia ngày công trực tiếp, qui thành giá trị 10%. Các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đóng góp 10% (tổng cộng 30% so với tổng giá trị công trình được phê duyệt). Chính bằng cách làm này, chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, đã có trên 23 km đường bê tông được xây dựng trên địa bàn toàn huyện.

Việc xây dựng đường GTNT với phương châm “nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ đầu tư”, nhằm nâng cao vai trò tự chủ của cộng đồng dân cư ở Cát Tiên, có thể được thấy rõ qua những mét đường bê tông ở xã Phước Cát 1. Tuyến đường Bàu Sấu (thôn Cát An 2, xã Phước Cát 1) có tổng chiều dài là 710 mét, nền đường rộng 6,6 mét, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5 mét, dày 18 cm, có mương đan bê tông cốt thép thoát nước… có tổng vốn đầu tư gần 877 triệu đồng, thì số tiền nhân dân đóng góp đã là 165 triệu đồng cùng với 111 triệu đồng bằng ngày công.

Trong tổng số trên 23 km đường GTNT được xây dựng trong năm 2012 ở Cát Tiên, số tuyến đường ở các xã vùng sâu chiếm phần trăm không nhỏ. Chính điều này, từng bước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương (nhất là vào mùa mưa), làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn cũng như đời sống của người dân vùng sâu nơi rốn lũ.

TUẤN LINH