Phát huy dân chủ, đổi mới, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Lâm Hà phát triển toàn diện và bền vững

04:10, 24/10/2012

Trải qua ¼ thế kỷ xây dựng và trưởng thành, bằng sức lao động và sáng tạo với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà đã vượt qua những khó khăn, thách thức, biến vùng kinh tế mới hoang sơ ngày nào trở thành một miền quê trù phú.

LTS: Trải qua ¼ thế kỷ xây dựng và trưởng thành, bằng sức lao động và sáng tạo với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lâm Hà đã vượt qua những khó khăn, thách thức, biến vùng kinh tế mới hoang sơ ngày nào trở thành một miền quê trù phú. Ghi nhận những thành tích đó, nhân dịp huyện Lâm Hà Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho địa phương. Dịp này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thanh Phương – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Hà về những đổi thay tích cực của vùng kinh tế mới này.

PV: Xin đồng chí cho biết một dấu ấn nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Hà đạt được trong 25 năm thành lập và phát triển?

Đ/c Trần Thanh Phương
Đ/c Trần Thanh Phương

Đ/c Trần Thanh Phương: Huyện Lâm Hà được thành lập vào ngày 28/10/1987, trên cơ sở lấy vùng kinh tế mới Hà Nội làm nòng cốt cùng với 5 xã của huyện Đức Trọng (cũ). Sự ra đời của Lâm Hà gắn liền với sự nghiệp xây dựng các vùng kinh tế mới của Hà Nội trên vùng đất Nam Tây Nguyên. 25 năm trôi qua - một khoảng thời gian chưa dài so với lịch sử xây dựng, phát triển một vùng đất, một đơn vị hành chính cấp huyện. Song, những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lâm Hà đạt được rất đáng khích lệ: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm (1987-2011) đạt từ 11,9-19,8%; nếu như năm 1990, tổng thu ngân sách của huyện chỉ có 805 triệu đồng, thì đến năm 2011, đạt gần 238 tỷ đồng, tăng gấp hơn 255 lần; tính đến ngày 15/10/2012, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2012 đạt trên 276 tỷ đồng, đạt 77,5% kế hoạch.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công tác xã hội hóa giáo dục, y tế được triển khai mạnh mẽ với mạng lưới trường học được phủ kín các xã, thị trấn, với tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trường lớp đạt 75%; mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo từ 63% (năm 1987), đến nay đã giảm xuống dưới 7%. Toàn huyện có có 4 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa… Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể được Huyện ủy Lâm Hà đặc biệt quan tâm, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ để tạo nguồn kế cận. Do chỉ đạo các biện pháp đồng bộ nên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các TCCS Đảng được nâng lên, công tác phát triển Đảng được quan tâm đúng mức (năm 1987, toàn Đảng bộ chỉ có 529 đảng viên sinh hoạt trong 52 TCCS Đảng, thì đến nay đã có trên 2.900 đảng viên sinh hoạt tại 55 TCCS Đảng); công tác kiểm tra của Đảng được tăng cường đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm, qua đó góp phần củng cố các TCCS Đảng, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, trong năm qua, số TCCS Đảng đạt trong sạch vững mạnh chiếm 75,47%, số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 77,6%.

Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn được xây dựng, củng cố, kiện toàn, thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở nên hàng năm có trên 80% số tổ chức đạt vững mạnh…

PV: Thưa đồng chí Bí thư, những dấu ấn trên được thể hiện như thế nào qua các phong trào thi đua yêu nước?

Đ/c Trần Thanh Phương: Tiếp tục phát huy kết quả những phong trào thi đua từ nhiều năm trước, bước vào năm 2012, thiết thực lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập huyện, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và đồng bào các dân tộc đã phát động các phong trào thi đua sôi nổi. Khắp nơi trên địa bàn huyện không khí lao động sản xuất khẩn trương, từ đó xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt”. Cả huyện là một đại công trường, mỗi xã, thị trấn, mỗi thôn, tổ dân phố đều có công trình; các cơ quan, đơn vị có điển hình thi đua để chào mừng kỷ niệm, tiêu biểu như: công trình Nhà thi đấu đa năng, Quảng trường trung tâm hành chính, Trường Mẫu giáo Gia Lâm, đường giao thông liên khu Ba Đình - Trưng Vương, đường Hoàn Kiếm - Nam Ban; Trạm Y tế Liên Hà, Tân Thanh… Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”… được đẩy mạnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ổn định và vững chắc cho Lâm Hà.

Một góc thị trấn Đinh Văn
Một góc thị trấn Đinh Văn


PV: Vậy, bài học kinh nghiệm nào được Huyện ủy Lâm Hà đúc rút ra trong quá trình lãnh, chỉ đạo của mình, thưa đồng chí?

Đ/c Trần Thanh Phương: Trong 25 năm qua, từ thực tiễn quá trình lãnh đạo và chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Hà đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là: Phải tập hợp và phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân. Thường xuyên chăm lo xây dựng TCCS Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảm bảo nâng cao chất lượng lãnh đạo toàn diện, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ. Vận dụng sáng tạo những chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn tại địa phương. Tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp và các địa phương trong và ngoài tỉnh. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực xây dựng Lâm Hà phát triển vững mạnh.

PV: Thưa đồng chí, để xây dựng Lâm Hà phát triển toàn diện và bền vững, thời gian tới huyện sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Đ/c Trần Thanh Phương: Với phương châm “Phát huy dân chủ, đổi mới, huy động mọi nguồn lực, xây dựng huyện Lâm Hà phát triển toàn diện và bền vững”, Lâm Hà đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VI; tạo mọi điều kiện thuận lợi, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng đồng bộ, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực xã hội. Nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ TNMT, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời, thực hiện các khâu đột phá quan trọng đó là: Cải cách hành chính và công tác cán bộ, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới...

PV: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy!

Hồng Hải (thực hiện)