Chông chênh ước mơ của cậu tân sinh viên nghèo hiếu học

03:10, 03/10/2012

Từ ngày Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh gửi giấy báo nhập học với số điểm trúng tuyển khá cao về xã, Nguyễn Huy Đức Nam trở nên nổi tiếng ở thôn nghèo Lạc Nghiệp của xã Tu Tra.

Từ ngày Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh gửi giấy báo nhập học với số điểm trúng tuyển khá cao về xã, Nguyễn Huy Đức Nam trở nên nổi tiếng ở thôn nghèo Lạc Nghiệp của xã Tu Tra. Nhiều người dân tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi luồn lách mãi trên những lối xóm nhão nhoẹt bùn đất đi tìm nhà Nam. Cái được gọi là “căn nhà” ở số 157 của ông Nguyễn Huy Đoài – bố Nam - nằm lọt thỏm sau một khóm cây hoang dại ở bờ rào trông lặng lẽ, cám cảnh đến tội nghiệp.

Đón chúng tôi là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi ngơ ngác như không hiểu chuyện gì xảy ra khi có khách lạ. Người dẫn đường rỉ tai “ông Đoài không còn minh mẫn sau mấy lần bệnh viện trả về từ năm 2004…”. Trong “căn nhà” chỉ rộng chừng 30 mét vuông, bốn vách che tạm ván và tôn cũ, mái lợp bìa các-tông và trùm kín bạt chống nước nhưng cũng không tránh khỏi những giọt mưa long tong nhỏ xuống… Ông chủ nhà lúng túng đi tìm mấy cái chậu và nồi cũ hứng nước.

Người bố nhớ bập bõm và không biết bắt đầu từ đâu. Giọng nói trong hơi thở khò khè của người bị suyễn nặng cùng với thần kinh không bình thường sau nhiều lần bị bệnh viện trả về càng khiến khách xa ngán ngẩm. Sau một lúc khá lâu ngồi chịu mưa trong nhà, chúng tôi được hàng xóm của Nam gọi giúp bà Nguyễn Thị Lan, người mẹ tảo tần của tân sinh viên, đang đi nhổ cỏ thuê về tiếp. Mới 44 tuổi nhưng mẹ của Nam khắc khổ và lưng còng trĩu xuống như bà lão. Đưa tay vuốt vội nước mưa trên mặt, bà Lan nói trong tiếng thở dài: “Tôi đã bàn với Nam hay cháu nghỉ học ở lớp 12 để làm thuê phụ mẹ chăm bố và em nhưng cháu vẫn năn nỉ xin đi thi đại học, ai ngờ cháu đậu. Tôi đành phải chịu khổ thêm cho con…”.

Tìm hiểu từ bà con trong xã, chúng tôi được cho biết, những ngày không mưa bà Lan đi làm thuê, làm bất cứ việc gì cũng chỉ được trả từ 80 – 100 nghìn đồng tiền công. Số tiền ít ỏi này được chia đôi vừa để lo bữa ăn cho cả gia đình vừa mua thuốc cho chồng. Ngay cả "tài sản" là mảnh vườn rộng hơn 400 mét vuông của gia đình được vợ chồng bà Lan mua thiếu bằng hai chỉ vàng nhưng hơn mười năm qua vẫn chưa trả nổi. Ngày Đức Nam nhập học hai tuần trước, bà con cô bác hỗ trợ kẻ ít người nhiều và Báo Tuổi Trẻ ủng hộ 5 triệu đồng nên cậu tân sinh viên này có thể trải qua được vài tháng giảng đường. Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch tài chính nuôi con học hơn bốn năm ở TP. Hồ Chí Minh, người mẹ nghèo của Đức Nam nước mắt lưng tròng: “Tôi mong trời ít mưa gió, nhiều người thuê làm công thường xuyên thì may ra giúp cháu chèo chống qua ngày. Nếu trường không giải quyết cho ở ký túc xá thì con tôi chưa biết phải làm sao”. Tiếng thở dài đã cố nén vẫn ấm ức trong lồng ngực của người mẹ nghèo.

Ước mơ đơn sơ là được đi hết chặng đường đại học của chàng trai con nhà nông nghèo Nguyễn Huy Đức Nam sao mà chông chênh quá! Nơi được gọi là “căn nhà” của Nam cũng không biết đến bao giờ mới hết dột nát khi mà xã Tu Tra đã nhiều lần muốn chuyển số vật liệu trị giá khoảng 18 triệu đồng làm nhà tình nghĩa nhưng gia đình không tìm đâu ra nguồn tiền đối ứng để thi công. Vậy là cảnh sống nghèo khó vẫn cứ bám mãi lấy gia đình cậu sinh viên nghèo đang cố gắng nuôi ước mơ của mình từng ngày, từng ngày.

Sơn Tùng