Còn lại gì ở Vườn quốc gia Cát Tiên?

02:10, 16/10/2012

Khu vườn ấy vẫn là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú. Nhưng trước đó không lâu, con tê giác java một sừng cuối cùng đã không còn và vừa mới đây cá thể bò tót trong số 120 con ít ỏi còn lại tại nơi này cũng vừa bị sát hại...

Khu vườn ấy vẫn là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú. Nhưng trước đó không lâu, con tê giác java một sừng cuối cùng đã không còn và vừa mới đây cá thể bò tót trong số 120 con ít ỏi còn lại tại nơi này cũng vừa bị sát hại. Người ta tự đặt ra một câu hỏi cũ? Số phận của vườn "quốc gia" Cát Tiên sẽ ra sao trước sự "xâm thực" ngày một mạnh bạo của con người. Phải chăng thời gian tồn tại của khu vườn ấy đang còn được tính bằng ngày?

Bài 1: Sau tê giác, bò tót rồi đến ...

Trước khi cá thể bò tót bị 17 người dân ở thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2 - huyện Cát Tiên) giết hại và xẻ thịt mang đi bán công khai giữa chợ với giá rẻ hơn một kg thịt heo, cũng ngay tại xã vùng sâu nằm trong địa giới của Vườn quốc gia Cát Tiên, một con voọc chà vá và một con cu li cũng đã bị các đối tượng đi săn hạ chết. 9 tháng tù treo là cái giá mà những đối tượng săn bắn trái phép động vật hoang dã nằm trong danh sách đỏ phải gánh chịu. Khi con bò tót bị giết hại, những người tâm huyết với việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên lại tự vấn, liệu những mức án đưa ra, khung hình phạt đã đủ “nặng” để răn đe, cảnh tỉnh!


Câu trả lời có thể được hiểu là chưa! Khu vực bò tót bị sát hại chỉ cách rừng cấm 500m và nằm ngay trong rẫy trồng bắp, mỳ của người dân. Chính những người tham gia vào việc bao vây, rồi dồn bò tót xuống suối để giết cũng đã thừa nhận. Đó là một con thú rừng, dù không phân biệt được là bò tót hay trâu rừng. Tuy nhiên, họ chỉ xem đó là một "miếng ngon" cho người thân, bà con chòm xóm ai cũng được hưởng một chút "lộc" của rừng nên đã mạnh dạn ra tay!
 

Cá thể bò tót bị sát hại ở thôn Phước Sơn, xã Phước Cát 2 vừa qua là một trong số 120 con còn lại đang sinh sống tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Bò tót, tê giác, voọc chà vá... là một trong số động vật quý hiếm của Vườn quốc gia này nằm trong nhóm 1b, danh mục động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao, ngăn cấm và sử dụng. Ở Vườn quốc gia Cát Tiên, vào mùa khô bò tót sống thành từng đàn từ 8-10 cá thể để kiếm nước và thức ăn. Vào mùa mưa, chúng tách đàn sống riêng rẽ. Bò tót thích ăn lá non, mầm tre non, cỏ non mới mọc ở nương rẫy. Nơi bò tót của Vườn quốc gia Cát Tiên bị sát hại là khu vực rẫy chưa xuống giống của người dân, gần suối có rất nhiều cỏ, tre, lau lách non mọc um tùm.

19.000.000 đồng là số tiền những người tham gia giết bò tót thu được từ việc bán đầu, 4 chiếc đùi, mật của con thú nằm trong nhóm 1b (nhóm động vật nằm trong danh mục ngăn cấm săn bắn và sử dụng). Sẽ thật xót xa khi đem số tiền ấy lên bàn cân so sánh với những giá trị tồn tại của cá thể bò tót đang sinh sống tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Nhiều người đã bàng hoàng khi nghe thông tin con tê giác cuối cùng của Vườn quốc gia Cát Tiên đã không còn, và càng nặng lòng hơn khi con bò tót trong số ít còn lại đang sinh sống tại Vườn bị giết, xẻ thịt đem bán. Sau tê giác, bò tót, voọc... rồi sẽ đến loài vật nào bị xâm hại, khi chính chúng cùng với hệ thống rừng ngập nước là chủ thể làm nên sự phong phú của Vườn và là nhân tố chủ đạo để UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chỉ khi bị cơ quan điều tra triệu tập vì việc đã giết hại bò tót, loài vật nằm trong danh sách cấm, những người dân nghèo nơi xóm núi Phước Sơn mới vỡ lẽ và thấm thía "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt!". Ông Nguyễn Ngọc Phóng - thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2), một trong những người tham gia giết hại bò tót và được "cử" đi bán thịt, trần tình: "Biết bị truy cứu thế này, ai mà dám giết bò rừng để ăn thịt nữa! Cũng hiểu là phạm luật, nhưng không nghĩ sự việc lại nặng nề và nghiêm trọng đến vậy!". "Khi bị người dân phát hiện, bò chạy xuống suối, nên mấy anh em đi làm vườn gọi nhau giết lấy thịt để ăn; chỗ còn lại, đem đi bán, chia nhau chút đỉnh. Gần như cả thôn ai cũng được ăn, được phần, nào có phải giấu giếm, chia chác riêng tư đâu!" - Ông Bùi Thành Hiếu, cũng là người tham gia giết hại bò tót ở thôn Phước Sơn, rầu rĩ kể rất thật.

Con bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên bị sát hại ngày 5/10 vừa qua bởi một chút "tham", một chút ích kỷ của những người dân nghèo khi thấy "miếng ngon" của rừng, là điều có thể hiểu và cảm thông. Nhưng công tác quản lý và bảo vệ của giới chức, ngành chức năng ở đâu khi "sự đã rồi" và tài sản quý báu của rừng ngày càng bị "ăn mòn" bởi tác động của con người, lại vẫn là bài toán không có lời giải. Và trên hết, những người đang ngày đêm dồn công sức, tâm huyết để gìn giữ thiên nhiên sẽ nghĩ gì về thông tin bò tót bị 17 người sát hại chỉ đơn giản để ăn nhậu!

(Còn nữa)

 TUẤN LINH - HỮU SANG