Bài 2: Khi nào luật đến tai dân

03:10, 18/10/2012

Không gian rộng lớn của Vườn quốc gia Cát Tiên giờ đây không còn là “điểm tựa” an toàn cho các loài thú quý hiếm.

[links()]Không gian rộng lớn của Vườn quốc gia Cát Tiên giờ đây không còn là “điểm tựa” an toàn cho các loài thú quý hiếm. Bởi sự tác động đến một cách tàn bạo của những người "lãnh cảm" với thiên nhiên. Sau tê giác, thì đến loài động vật hoang dã nào nằm trong sách đỏ của Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị “xóa sổ” khỏi danh mục? Câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng, khi việc quản lý, bảo vệ của ngành chức năng vẫn còn hời hợt, thiếu chiều sâu; công tác tuyên truyền vẫn chưa khiến nhiều người dân thay đổi được ý thức.

Người dân thôn Phước Sơn đang kể lại sự việc với phóng viên
Người dân thôn Phước Sơn đang kể lại sự việc với phóng viên


Hẳn không khó, để cho bất kỳ ai có thể nhận ra diện mạo của một con bò tót, nhất là với những người dân sống ở gần rừng. Nhưng cuối cùng, thì con vật nằm trong danh sách cần được bảo vệ kia vẫn cứ bị giết, vẫn cứ bị ăn thịt. Khi chúng tôi tiếp xúc với những người tham gia sát hại bò tót, họ đều trả lời, vẫn biết đó là thú rừng cần được bảo vệ, dù không phân biệt được đâu là bò tót, đâu là trâu rừng. Và, việc xâm phạm đến tài sản của rừng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, vì không nghĩ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cũng dễ hiểu, bởi gần như luật quản lý, bảo vệ rừng chưa đến được tai người dân một cách rõ ràng nhất.

Khi con bò tót của Vườn quốc gia Cát Tiên theo đàn bò nhà xuống nương rẫy của người dân để tìm thức ăn và bị 17 người dân ở thôn Phước Sơn giết bằng nhiều nhát chém vào đầu (và trước đó là hàng loạt những cuộc săn bắn thú quý hiếm khác). Chúng tôi đã có mặt ở xã Phước Cát 2 để tìm câu trả lời. Xã vùng sâu này có 7 thôn, thì có đến 2 thôn nằm gọn trong phạm vi của Vườn quốc gia Cát Tiên, các thôn còn lại đều nằm giáp ranh. Nhưng công tác quản lý, bảo vệ, tuyên truyền đến tai người dân vẫn còn nhiều thiếu sót, như chính lời ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, thừa nhận: "Tại đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương có tổ chức tuyên truyền cho người dân không được phá rừng hay giết hại động vật hoang dã. Tuy nhiên, danh mục động vật nguy cấp cần được bảo vệ, ngăn cấm sử dụng theo Nghị định 32 của Chính phủ năm 2006 lại không được tuyên truyền. Chính vì điều đó, nên bà con không nhận thức được rõ vấn đề, không xác định được mức độ nghiêm trọng khi giết thú. Bởi những năm trước đây, khi thú rừng về thì bà con đuổi bắt, làm thịt ăn là chuyện bình thường!".

Theo Khoản 1, Điều 190 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung đã quy định: "Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó thì bị phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Còn theo ông Phạm Hồng Thái - Trưởng Trạm Kiểm lâm Phước Sơn (Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên) thì: "Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền theo định kỳ 2 năm một lần; ngoài ra, còn kết hợp thông tin cho bà con trên loa phát thanh và trong các cuộc họp thôn". Bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã đang cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trách nhiệm và nỗ lực lớn của ngành chức năng. Vậy, chừng ấy số lượng, chừng ấy thời gian tuyên truyền việc bảo vệ động vật hoang dã là cấp thiết tới cho người dân nghèo, có trình độ dân trí thấp như ở xã Phước Cát 2, liệu có đủ?

Đã có rất nhiều vụ săn bắn động vật hoang dã quý hiếm xảy ra ở khu vực xã Phước Cát 2. Tuy nhiên, các mức xử phạt đều không đủ “mạnh” để răn đe người vi phạm. Ông Đặng Văn Sang - Trưởng Công an xã Phước Cát 2, cho biết: "Đã có rất nhiều trường hợp săn bắt thú rừng tại địa phương bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, họ đều là dân nghèo đến nỗi cái ăn cũng chẳng có, thì tiền đâu mà nộp phạt; chẳng lẽ lại cưỡng chế vật dụng, nhà cửa. Còn mức xử phạt tù thì chưa đủ mạnh (phần lớn là án treo) để khiến người dân phải sợ!".

Việc con bò tót của Vườn quốc gia Cát Tiên bị giết hại có phần “lỗi” không nhỏ của người dân. Tuy nhiên, khác với thú vui săn bắn "bệnh hoạn" của những kẻ lắm tiền, thì gần như người dân nghèo ở Phước Sơn (Phước Cát 2) làm điều đó một cách vô thức, chỉ hành động theo bản năng của những người dân sống gần rừng. Để tạo ra "nếp nghĩ" khác, trước hết công tác tuyên truyền cần phải được thường xuyên đẩy mạnh; đồng thời, phải cải thiện sinh kế cho người dân. Hết nghèo đói, tự nhiên sẽ chẳng ai "ăn bám" vào rừng nữa!

TUẤN LINH – HỮU SANG