Chuyển biến tích cực ở một đơn vị nghiên cứu khoa học

04:10, 03/10/2012

Viện Vắc xin cơ sở II Đà Lạt thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Việt Nam có đội ngũ cán bộ với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học, hoá lý, tin học…;

CÔNG TY TNHH MTV VẮC XIN PASTEUR ĐÀ LẠT (DAVAC) LÀ ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ, TIỀN THÂN LÀ PHÂN VIỆN VẮC XIN ĐÀ LẠT – NGUYÊN VIỆN PASTEUR VIỆT NAM, CHI NHÁNH ĐÀ LẠT HOẠT ĐỘNG TỪ NĂM 1936 DO NGƯỜI PHÁP XÂY DỰNG VÀ ĐIỀU HÀNH, CÓ NHIỆM VỤ CHUYÊN SẢN XUẤT CÁC LOẠI VẮC XIN CUNG CẤP CHO VIỆT NAM VÀ TOÀN ĐÔNG DƯƠNG. TỪ MỘT ĐƠN VỊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ QUA 30 NĂM HOẠT ĐỘNG THEO CƠ CHẾ SỰ NGHIỆP BAO CẤP, NĂM 2008 CHUYỂN SANG DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THEO CƠ CHẾ TỰ HẠCH TOÁN, TRẢI QUA NHIỀU CAM GO NHƯNG CÔNG TY TNHH MTV VẮC XIN PASTEUR ĐÀ LẠT TỪNG BƯỚC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, ĐỨNG VỮNG VÀ PHÁT TRIỂN.
 

Đột phá

Là cơ sở nghiên cứu khoa học, Viện Vắc xin cơ sở II Đà Lạt thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Việt Nam có đội ngũ cán bộ với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm sâu trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học, hoá lý, tin học…; nhiều cán bộ là giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng của các trường Đại học ở Đà Lạt cũng như khu vực . Năm 2003, Viện được Bộ Y tế cho chuyển sang cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu nhưng hoạt động vẫn bộc lộ nhiều bất cập: sản phẩm chính chỉ có một loại vắc xin duy nhất, sản xuất theo kế hoạch và không được quyền phân phối trực tiếp, thiếu tư cách pháp nhân với nhiều hoạt động SXKD, tổ chức, lao động tiền lương và nhất là trong đối ngoại. Có nhiều tiềm năng phát triển và nhất là tiềm năng chất xám, thiết bị nhà xưởng song hoạt động lại gò bó trong khuôn khổ bao cấp, hạch toán phụ thuộc nên hoạt động của Viện chỉ ở dạng “cầm chừng”. Khi chuyển sang loại hình doanh nghiệp vào năm 2008, Công ty DAVAC được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chính là SXKD các loại vắc xin, huyết thanh và chế phẩm sinh học dùng cho người. Thực hiện các dịch vụ y tế trong lĩnh vực tiêm chích vắc xin, tư vấn khám chữa bệnh. Quan hệ với các tổ chức quốc tế, các viện, các công ty trong và ngoài nước trên lĩnh vực kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ, phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ… Khi xây dựng phương án tách  khỏi Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế để trở thành đơn vị độc lập, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, chỉ có 60% cán bộ, công chức đồng ý. Số còn lại phân vân, nghi ngại vì không biết SXKD có đứng vững được không, vắc xin đơn độc có một loại chủ lực và chỉ bán cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Nhà nước, các sản phẩm còn lại cũng nghèo nàn, thị trường không ổn định, doanh thu thấp, đời sống sẽ ra sao…? Với quyết tâm thoát khỏi cơ chế bao cấp và phải tự nuôi sống mình, DAVAC là đơn vị đầu tiên của ngành y tế mạnh dạn chuyển mô hình hoạt động từ sự nghiệp sang doanh nghiệp; từ khoa học thực nghiệm chuyển sang hạch toán kinh doanh trong lĩnh vực khoa học.

Vượt qua sóng gió, đa dạng hoá hoạt động

DAVAC ra đời vào năm 2008 là năm kinh tế cả nước gặp khó khăn, giá cả leo thang, lãi suất ngân hàng tăng; trong khi đơn vị không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn như trước. Nguồn thu nhập quan trọng nhất là vắc xin Thương hàn Vi Polysaccharide không được Chương trình Tiêm chủng quốc gia đặt hàng, trong khi lượng tồn kho còn nhiều. Đi vay vốn phát triển sản xuất thì các ngân hàng đều từ chối. Tình hình đó khiến CB.CNV lo lắng và dao động, ngay cả Bộ Y tế rất quan tâm giúp đỡ nhưng cũng không tránh khỏi sự quan ngại về sự chuyển đổi sang doanh nghiệp e chưa phù hợp. Trong hoàn cảnh đó, tập thể lãnh đạo Công ty vẫn quyết tâm tìm “lối thoát” để ổn định tư tưởng, việc làm và thu nhập cho người lao động. Quyết tâm  không chậm trả lương và giữ ổn định thu nhập cá nhân như trước khi chuyển đổi, việc làm đầu tiên của Công ty là củng cố lại các đơn vị sản xuất và bộ phận kinh doanh, thay đổi một số cơ chế cho phù hợp với cơ chế doanh nghiệp tự hạch toán, theo hướng khoán sản phẩm và doanh thu. Đồng thời khuyến khích nghiên cứu các sản phẩm mới, tìm kiếm khách hàng, củng cố mối quan hệ với khách hàng truyền thống, mở rộng phạm vi phân phối và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã hàng hoá, tăng cường maketing. Công ty xác định phương châm hoạt động là kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất; giữa phát huy nội lực và hợp tác chặt chẽ với các đối tác tập thể, cá nhân các nhà khoa học để có nguồn ngoại lực phong phú, đa dạng. Đặc biệt, trong cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền, đảng viên và các tổ chức đoàn thể từng bước có sự thống nhất cao nên đã động viên, khích lệ CB.CNV nỗ lực thực hiện phương châm từng năm như “Tồn tại để Phát triển”, “Kỷ cương và Phát triển”, “Chất lượng, Kỷ cương và Phát triển”… Phát huy lợi thế của mặt hàng truyền thống, Công ty duy trì sản xuất vắc xin Thương hàn thế hệ mới Vi polysaccharide để phân phối và sử dụng trong nước, đồng thời quảng bá và được nhiều đối tác đặt mua như Pakistan, Bangdalesh, Nigieria. Đặc biệt, Nigieria đã cử nhiều đoàn sang thương lượng đánh giá kỹ thuật, chất lượng và hợp đồng mua với số lượng lớn để độc quyền phân phối cho khu vực Trung Phi. Mở rộng mặt hàng, DAVAC nghiên cứu và tiến hành sản xuất các loại thuốc bột, thực phẩm chức năng có nguồn gốc vi sinh: Biosubtyl. Merica, Goldbee, BioQueen, Floris, Calcikua, CalciTomhums, Tadiffe –B9Maaxx Eye – Pasteur, Smileteen – Pasteur… Cùng các sản phẩm phục vụ sức khoẻ con người, Công ty còn sản xuất các loại chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, thú y, thuỷ sản như EBS, BF2, Enzyn Biosub… Công ty hợp tác với một số đơn vị nghiên cứu thuộc quân đội sản xuất thành công một số loại vắc xin phục vụ mục đích quân sự. Hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công Vắc xin dịch hạch, kháng huyết thanh dịch hạch, Vắc xin trực khuẩn mủ xanh (giai đoạn 2 thử nghiệm thành công trên người tình nguyện); hợp tác với Viện Vệ sinh Phòng dịch Quân đội sản xuất vác xin phòng bệnh Than dạng toàn tế bào (giai đoạn thử nghiệm thành công trên động vật thí nghiệm)…

Công tác hợp tác với đối tác nước ngoài được Công ty quan tâm. Thời gian qua, DAVAC hợp tác với Viện Nghiên cứu Y học Hải quân Mỹ trong lĩnh vực sinh học phân tử, với Trường Đại học Campera (Úc) nghiên cứu vắc xin lỵ. Gần đây hợp tác với Trung tâm Công nghệ Sinh học và Công nghệ gen CIGB (Habana Cu Ba) và AMV Group triển khai thành công sản xuất (giai đoạn I) trên dây chuyền GMP của Công ty với 2 loại vắc xin Heberbiovac HB II (phòng viêm gan B), vắc xin Quimi Hib (phòng viên màng não mủ H.influenzae) công suất trên 1 triệu liều/năm. Hợp tác với Công ty Miễn dịch Ấn Độ và AMV Group sản xuất (giai đoạn I) vắc xin dại tế bào Abhayrab, công suất trên 350.000 liều/năm và đáp ứng nhu cầu trong nước về các loại vắc xin này.  
 

Đứng vững và phát triển

Qua 5 năm hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, đơn vị khoa học DAVAC đã khẳng định vị thế ngày càng phát triển. Điều đó được thể hiện: Hợp tác với nhiều đối tác chiến lược, nghiên cứu thành công nhiều loại sản phẩm mới. Vắc xin từ sản xuất một loại duy nhất đã  tăng thêm 3 loại, sinh phẩm từ 5 loại tăng thêm 9 loại. Thực hiện thành công 1 đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu vắc xin mới. Ngoài 1 nhà máy sản xuất vắc xin đạt GMP theo tiêu chuẩn WHO đưa vào hoạt động năm 2007, năm 2012 đã đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc bột có nguồn gốc vi sinh đạt GMP, phục vụ cho việc mở rộng SXKD các mặt hàng mới. Năm 2012, Công ty đầu tư nâng cấp Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt theo hướng mở rộng các chuyên khoa, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ, trở thành một địa chỉ chẩn đoán y khoa, tiêm phòng các loại vắc xin, khám chữa bệnh có uy tín. Trong năm 2011, Trung tâm tiến hành gần 35.000 mẫu xét nghiệm, tiêm chích hàng ngàn mũi của hàng chục loại vắc xin, khám chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người, qua đó thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Năm đầu tiên (2008) mặc dù mất đi 30% doanh thu do không bán được vắc xin nhưng doanh thu vẫn đạt mức như năm 2007, bình quân thu nhập tăng 114,5% và thực hiện được mục tiêu “Tồn tại để Phát triển”. Năm 2009 doanh thu tăng 147,5%, thu nhập bình quân tăng 156% so với năm 2008. Năm 2010 doanh thu tăng 120,3% và bình quân thu nhập tăng 111%. Năm 2011, doanh thu tăng 143,1%, bình quân thu nhập tăng 123% so với năm 2010. Nếu so sánh năm đầu tiên thành lập doanh nghiệp, đến hết năm thứ 4, doanh thu của Công ty tăng 255,1% và bình quân thu nhập tăng 215%. Điều ghi nhận là trong quá trình hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tư duy của cán bộ quản lý khoa học và người lao động đã chuyển biến mạnh mẽ từ bao cấp sang tự hạch toán. Tác phong làm việc chuyển đổi, trình độ quản lý được nâng lên và thay đổi về chất.

Phòng lên men - vắc xin
Phòng lên men - vắc xin

Chuyển sang cơ chế mới nhưng sớm tìm ra phương thức đổi mới, thích ứng để hoạt động ổn định, bảo toàn vốn, SXKD hiệu quả với tốc độ tăng trưởng cao, có chiều hướng phát triển tốt, bảo đảm việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người thuộc loại khá trong khu vực… Với những thành tích ấy, năm 2010 Công ty được Bộ Y tế trao cờ đơn vị xuất sắc toàn ngành y tế, nhiều tập thể và cá nhân được Bộ Y tế, UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen. Nhân kỷ niệm 5 năm thành lập, Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt vinh dự được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

BÌNH NGUYÊN