Làm chuyển biến rõ nét trong nhận thức tiêu dùng

03:10, 11/10/2012

Sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Lâm Đồng đã có chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người tiêu dùng, hành vi lựa chọn sử dụng hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế hơn.

Sau 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Lâm Đồng đã có chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người tiêu dùng, hành vi lựa chọn sử dụng hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế hơn. Đó cũng chính là thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước, hình thành nét đẹp văn hoá của người tiêu dùng Việt Nam.

Sản phẩm hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trong nhận thức người tiêu dùng.
Sản phẩm hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trong nhận thức người tiêu dùng.


Ngay sau khi có Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị, ngày 25/9/2009 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 59 – KH/TU về việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND tỉnh có Văn bản số 1048/UBND - TC ngày 26/2/2010 về việc ưu tiên mua sắm hàng hoá trong nước tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. UBND các cấp đã triển khai khá tốt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động “đưa hàng Việt về nông thôn”, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước tham gia tổ chức hội chợ thương mại tại địa phương, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm nội địa, trong đó có lồng ghép các nội dung tuyên truyền nâng cao công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu biểu như huyện Di Linh đã tổ chức thành công hội chợ “Kích cầu hàng tiêu dùng”, “Tuần lễ mua sắm cuối năm”, thu hút 251 doanh nghiệp tham gia với trên 450 gian hàng, trong đó có 5 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Di Linh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Huyện Đức Trọng đã tổ chức thành công 3 hội chợ, phiên chợ với sự tham gia của 60 doanh nghiệp, thu hút trên 5.000 lượt người tham quan, mua sắm. Thành phố Bảo Lộc đã tổ chức chương trình “Tuần bán hàng vì quyền lợi người tiêu dùng” với sự tham gia của Siêu thị Coop Mart, hầu hết các doanh nghiệp tham dự đều cam kết về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng hàng hoá bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Sở Công Thương đã tăng cường công tác chống gian lận thương mại, điển hình như tại huyện Đạ Huoai đã tiến hành kiểm tra 233 cơ sở kinh doanh, phát hiện 30 cơ sở vi phạm kinh doanh hàng hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc, tiến hành xử lý tiêu huỷ nghiêm ngặt. Các hoạt động thương mại được tổ  chức đã thu hút gần 50 doanh nghiệp tham gia, 71.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Các mặt hàng được giới thiệu chủ yếu là các ngành hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, hàng may mặc, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật… Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - thương mại - du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại rất hiệu quả ở trong nước và nước ngoài, góp phần quảng bá các thương hiệu Việt, các sản phẩm của Lâm Đồng như trà, rượu, cà phê, rau, hoa, củ, quả… tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.  

Thông qua cuộc vận động, các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, địa phương thực hiện việc đưa hàng Việt về nông thôn, về khu đông dân cư, góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng Việt trong đông đảo nhân dân. Người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, trong tỉnh có uy tín sản xuất hàng hoá chất lượng, giá cả phù hợp. Thông qua cuộc vận động đã giúp các doanh nghiệp, doanh nhân  nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước và địa phương trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp khi tham gia cuộc vận động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Xuân Đêu – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau 3 năm triển khai cuộc vận động đã có tác động tích cực đến toàn xã hội, người mua sắm hàng hoá Việt đã tăng lên đáng kể, người tiêu dùng khi sử dụng hàng Việt vừa tiết kiệm chi phí, sản xuất hàng hoá ngày càng an toàn, chất lượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá thương hiệu Việt, phát triển mạnh thị trường nội địa. Mặt khác, thông qua việc đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng vùng nông thôn phân biệt được hàng nội, hàng ngoại, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc mua sắm.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai cuộc vận động cần khắc phục trong những năm tiếp theo như: một số cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động. Nhận thức về cuộc vận động còn hạn chế, chưa hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và tác dụng của cuộc vận động trong xu thế cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay Công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban chỉ đạo tỉnh chưa kịp thời, sát sao, việc phát hiện nhân rộng các điển hình thực hiện tốt cuộc vận động còn hạn chế. Việc triển khai “đưa hàng Việt về nông thôn” chưa được tổ chức trên diện rộng trong toàn tỉnh, hình thức tổ chức chưa phong phú, hấp dẫn người tiêu dùng. Vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái có mặt trên thị trường với giá cả thấp, kém chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang. Một số mặt hàng nội địa có giá cả chưa phù hợp, đôi lúc chất lượng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm làm giảm uy tín trong người tiêu dùng Việt Nam.

Nguyệt Thu