Đã có cầu treo mới qua suối Đá Bàn

04:10, 10/10/2012

“Nối” phường Lộc Sơn và phường B’Lao qua suối Đá Bàn bằng chiếc cầu treo khẳng khiu, rỉ sét như chiếc võng lắc lư giữa trời, đã bao năm ngả màu sương gió và đã từng in đậm những “chứng tích” hàng trăm lượt xe máy chở chè, cà phê xuôi ngược ra phố đã bị trượt bánh, ngã kềnh và không ít những giọt nước mắt của người thân vừa chạy xe vừa réo gọi tên con em mình trong tuyệt vọng...

“Nối” phường Lộc Sơn và phường B’Lao qua suối Đá Bàn bằng chiếc cầu treo khẳng khiu, rỉ sét như chiếc võng lắc lư giữa trời, đã bao năm ngả màu sương gió và đã từng in đậm những “chứng tích” hàng trăm lượt xe máy chở chè, cà phê xuôi ngược ra phố đã bị trượt bánh, ngã kềnh và không ít những giọt nước mắt của người thân vừa chạy xe vừa réo gọi tên con em mình trong tuyệt vọng. Và, cũng trên con đường đất đến chiếc cầu treo này từ năm 1975 đến nay đã có gần cả trăm các em học sinh dẫn nhau đến suối Đá Bàn mãi mãi không về.

Kéo cáp làm cầu treo
Kéo cáp làm cầu treo


Bác sĩ Đinh Huy Phượng (nhà ở xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc), là người trong nhóm làm từ thiện của thành phố, dẫn tôi vào chiếc cầu treo, không giấu được nỗi buồn. Trong đời tham gia làm từ thiện của mình, anh đã vào suối Đá Bàn hàng chục lần. Nhưng đến hôm nay, xe máy vẫn bị sạt bánh, hất tung anh và tôi văng vào vườn cà phê bê bết bùn đất. Bác sĩ Phượng cho biết, chị Kim Liên - Trưởng nhóm từ thiện thành phố, có đứa cháu bị chết đuối tại đây, lúc vào tìm thi thể cháu, chị tận mắt nhìn thấy con đường và chiếc cầu treo quá nguy hiểm, nên về vận động tài chính để đóng góp từ các nhà hảo tâm. Sau đó, chị xin ý kiến Đảng uỷ và UBND phường Lộc Sơn tu sửa lại con đường và làm mới chiếc cầu treo qua suối Đá Bàn.

Khi chúng tôi đến, tại hiện trường có 30 người đang hì hục đổ bê tông và 30 người khác đang kéo cáp nối liền qua suối. Tất cả bà con tham gia đều có đất vườn qua lại khu vực này. Anh Tiến, người đang kéo cáp, dẫn chúng tôi ra giữa chiếc cầu treo cũ, dùng sức lung lay chiếc cầu rồi nhăn mặt: “Chiếc cầu dài 52 m này đã xuống cấp đến mức thê thảm. Nếu đi không cẩn thận sẽ bị rơi xuống suối. Năm ngoái, vợ chồng anh L chở chè tươi, do không quen tay lái, nên khi thân cầu chòng chành, chị L rơi xuống suối đã bị chết đuối trong lúc đang mang thai! Nếu nhóm từ thiện của chị Kim Liên không ủng hộ 100 triệu đồng để làm cầu mới, chắc sẽ còn nhiều người rơi xuống suối nữa! Đây anh xem, chao đảo thế này, mình đi tay không đã thấy sợ rồi, huống chi cả người và xe máy! Nhiều lúc thấy các cháu học sinh kéo nhau vào từng đoàn vui vẻ, nô đùa trên cầu mà lo, chưa nói là chúng “mò” đến suối. Đã có cả trăm đứa bỏ mạng tại khu Đá Bàn này, chứ ít đâu!”. Anh Tiến còn chắt lưỡi: “Trước mặt, là dòng suối chảy xiết, nhiều tảng đá nằm chênh vênh, chiều cao từ trên cầu xuống mặt nước đến cả 10 mét. Chiếc cầu cũ này rất có thể đứt dây, rơi xuống suối bất kỳ lúc nào!”.

Chị Ngô Thị Quán, Phó Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP Bảo Lộc, cũng là thành viên của nhóm từ thiện của chị Kim Liên cùng đi với chúng tôi, cho biết thêm: “Nhóm đã vận động tài chính từ các nhà hảo tâm để đổ móng làm chân cầu được 21 ngày rồi. Nay, bà con tiếp tục kéo cáp qua suối”. Tất cả chi phí hơn 100 triệu đồng, chưa tính tiền công do bà con trực tiếp làm. Phần làm đường là 14 triệu đồng, chỉ đổ bê tông ở giữa cho xe máy đi, bề ngang 0,6m, dày 0,10m và dài 400m. Còn cây cầu mới làm bằng đà gỗ kiền, rộng 1,4m, đóng ván dày 3 phân. Chị Quán cũng cho biết: “Con đường và chiếc cầu này dẫn trực tiếp vào suối Đá Bàn. Do đó, chúng tôi còn phải đặt thêm bảng cảnh báo nguy hiểm xây bằng bê tông ngay tại con suối!”.

Trần Đại