Điểm giao dịch xã - ngân hàng lưu động của người nghèo và gia đình chính sách

03:10, 23/10/2012

Sau hơn 4 năm triển khai đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Lâm Đồng đã mở rộng mạng lưới giao dịch ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây được xem như những ngân hàng lưu động của các hộ  nghèo, gia đình chính sách tại các điểm giao dịch xã.

Sau hơn 4 năm triển khai đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Lâm Đồng đã mở rộng mạng lưới giao dịch ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đây được xem như những ngân hàng lưu động của các hộ  nghèo, gia đình chính sách tại các điểm giao dịch xã.

Tín dụng chính sách về xã Xuân Trường (Đà Lạt)
Tín dụng chính sách về xã Xuân Trường (Đà Lạt)


Những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng từ biển hiệu chỉ dẫn, bảng nội quy giao dịch đến thông báo các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất… đều được công khai tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng tại UBND các xã. Các nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua sự ủy thác các tổ chức đoàn thể, hội tại địa phương và hoạt động giao dịch diễn ra tại điểm giao dịch xã đã góp phần tiết kiệm chi phí – nhất là các hộ nghèo, đối tượng chính sách ở các xã vùng sâu, vùng xa không mất thời gian, công sức đi lại giữa nơi cư trú và trụ sở ngân hàng nhưng vẫn được vay vốn, trả nợ, trả lãi suất… “Một điểm giao dịch xã được đánh giá có hoạt động kiểu mẫu qua công tác thực hiện tốt các quy trình, quy định và việc ủy thác của ngân hàng, đồng thời quản lý tốt về chất lượng tín dụng trong các khâu thu nợ, đáo hạn, nợ quá hạn và thu lãi suất, thu tiết kiệm... Dựa trên các tiêu chí này, Lâm Hà có hai xã được đánh giá là điểm giao dịch lưu động toàn diện, kiểu mẫu, đó là xã Đông Thanh và Nam Hà” - ông Thái Duy Tám, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Hà cho hay. Lướt qua báo cáo vay vốn ngân hàng chính sách xã hội của Hội Phụ nữ xã Đông Thanh cho thấy, nguồn vốn vay được chi tiết, cụ thể hóa từng chương trình vay đến các hoạt động cho vay mới, dư nợ, thu lãi và huy động tiết kiệm. Công tác kiểm tra, giám sát vốn vay cũng chi tiết tới từng hộ để sớm phát hiện số nợ xấu và có biện pháp thu hồi bảo toàn vốn. Bà Phạm Thị Tuyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ Đông Thanh cho biết, để quản lý, giám sát tốt vốn vay từ những chương trình, ngay từ đầu năm Hội Phụ nữ xã đã triển khai công tác quản lý vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội xuống các thôn và tổ vay vốn. Thường xuyên họp bình xét đối tượng vay mới, đáo nợ nguồn vốn đến hạn cho các thành viên còn khó khăn trong tổ vay vốn và luôn đôn đốc thu vốn gốc, lãi suất đến hạn đạt 100%.

Theo thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Lâm Đồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của điểm giao dịch xã, đến nay chi nhánh đã thành lập được 148 điểm giao dịch xã tại 148 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, doanh số hoạt động ngày càng được nâng cao. Cụ thể, nếu như doanh số hoạt động tại điểm giao dịch xã năm 2010 đạt 571.876 món/816.740 món, chiếm trên 70% doanh số hoạt động của các xã đặt điểm giao dịch thì năm 2011 doanh số hoạt động đạt 91,51%, tăng 21,49% so với năm 2010. Riêng 9 tháng đầu năm 2012 này doanh số hoạt động tại điểm giao dịch xã là 814.423 món/851.168 món, đạt tỷ lệ 95,68%, tăng 4,17% so với năm 2011. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, hỗ trợ tổ giao dịch lưu động trong hạch toán nghiệp vụ cũng như đưa tổ giao dịch lưu động các xã hoạt động ngày càng mang tính chuyên nghiệp, từ năm 2010 đến nay chi nhánh đã thực hiện việc theo dõi nhật ký ký quỹ của các tổ bằng phần mềm tin học và ban hành các tiêu chí xây dựng điểm giao dịch xã kiểu mẫu để các phòng giao dịch đăng ký phấn đấu. Tới thời điểm này toàn tỉnh đã xây dựng được 12 điểm giao dịch xã kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 8,1% trên tổng số điểm giao dịch xã. Qua đánh giá của Ngân hàng Chính sách chi nhánh Lâm Đồng, sau 4 năm triển khai thực hiện, các điểm giao dịch xã như những “ngân hàng lưu động”, thực sự trở thành nơi hội tụ giữa ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân, thúc đẩy thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ từ các chương trình vay vốn tại địa phương. Việc công khai các chế độ, chính sách, lãi suất cho vay từng chương trình và danh sách hộ gia đình được giải ngân vay vốn, dư nợ không chỉ dừng lại mức độ công khai minh bạch các chương trình cho vay ưu đãi mà còn là một hình thức tuyên truyền hiệu quả giúp người dân nắm rõ các quy định, nâng cao hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của từng chương trình cho vay giúp người dân ý thức, có trách nhiệm hơn trong sử dụng đồng vốn. Do đó, hoạt động của điểm giao dịch xã được xem như một sự đột phá trong phương thức quản lý và phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Lâm Đồng được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ.

KHẢI NHIÊN