Định hướng trong sử dụng lao động mùa thu hoạch cà phê

03:10, 28/10/2012

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hoá trong vấn đề tư vấn giới thiệu việc làm theo Nghị định 19 của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Trong những năm gần đây, chủ trương xã hội hoá trong vấn đề tư vấn giới thiệu việc làm theo Nghị định 19 của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tại Lâm Đồng, trong vụ mùa thu hoạch cà phê, ước tính số lao động làm việc thu hái cà phê, trà, cây công nghiệp khác từ 60 – 70 ngàn người, trong đó ước khoảng 20 – 30 ngàn lao động là lao động phổ thông từ nơi khác đến Lâm Đồng để tìm kiếm việc làm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo một số chuyên viên làm việc trong lĩnh vực an toàn việc làm thì trong sự phát triển tự phát như vậy, dòng lao động sẽ di chuyển từ nơi thiếu việc làm đến nơi có việc làm, khi đó sẽ xảy ra một số tồn tại như sau: hầu hết họ là những lao động phổ thông, không có trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về văn hoá, về pháp luật còn hạn chế. Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, do hạn chế hiểu biết về pháp luật nên họ không tự bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, đa số chủ sử dụng lao động là những chủ vườn cà phê, trà khi sử dụng lao động đều đối xử tốt với lao động, chi trả lương như thoả thuận (bình quân từ 200 – 300.000đ/người/ngày), thậm chí còn chi thưởng thêm, bồi dưỡng chế độ giữa ca đầy đủ, nuôi ăn, ở trong nhà trong suốt thời gian thu hoạch cà phê. Qua tìm hiểu, nhiều chủ vườn cho biết “coi họ như người thân của mình!”. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận có một số chủ sử dụng lao động vì phải bỏ tiền ra thuê nhân công nên đã sử dụng tối đa sức lao động, thời giờ làm việc của họ, bắt ép người lao động làm việc quá sức không phải là không có.

Về phía người lao động, có thể nhìn nhận một cách khách quan, do trình độ hạn chế nên không ít lao động bản chất chây lười, muốn có tiền nhưng lại không muốn làm việc. Lợi dụng sự sơ hở của chủ sử dụng lao động để trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí có thể giết người để cướp của… Vấn đề đặt ra khá bức thiết hiện nay, đó là làm thế nào để quản lý tốt lao động, đảm bảo hài hoà môi trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, giúp các hộ nông dân đạt hiệu quả trong sản xuất. Câu trả lời được tính đến chính là luật pháp phải quản lý tốt vấn đề này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2011 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hoá trong tư vấn giới thiệu việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lâm Đồng đã thẩm định và cấp phép cho 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đó là Công ty TNHH Tiến Quang (nay đổi thành Công ty TNHH Giới thiệu việc làm Tâm Đức Lộc tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà); Công ty TNHH GTVL Đức Hoàng, trụ sở đóng tại N’thôn Hạ, huyện Đức Trọng; Công ty TNHH GTVL Tân Hoàng Phát, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà; Công ty TNHH GTVL Tuấn Sơn tại N’thôn Hạ, huyện Đức Trọng. Theo cơ quan chức năng, những đơn vị trên phải hội đủ các điều kiện cần về lĩnh vực giới thiệu việc làm theo quy định mới được cấp phép hoạt động.

Với số lượng doanh nghiệp quá ít như trên đã không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội, dẫn đến xảy ra hiện tượng tự phát, có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công việc môi giới việc làm nhưng không đăng ký cấp phép, tập trung chủ yếu ở huyện Đức Trọng và Lâm Hà. Theo ông Nguyễn Khánh Long – Trưởng phòng An toàn việc làm, Sở LĐ – TB & XH: Năm 2010 – 2011, Sở đã tiến hành kiểm tra một số nơi và có kiến nghị bằng văn bản đề nghị UBND các huyện chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, phòng LĐTBXH, công an tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới việc làm nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Trong năm 2010, Công an Lâm Hà cũng đã đề nghị khởi tố một vụ về giới thiệu việc làm không phép.

Trước yêu cầu của xã hội về vấn đề việc làm, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cả vùng rộng lớn cây công nghiệp, cà phê, trà…, Sở LĐ - TB & XH cũng đã ban hành văn bản về giao thêm chức năng giới thiệu việc làm cho Trung tâm Dạy nghề Lâm Hà và đã phát huy tương đối hiệu quả trong thời gian qua. Hiện, Sở cũng đang có chủ trương giao thêm chức năng này cho một số TT dạy nghề ở các huyện, nhằm hạn chế bớt tình trạng “cò mồi”, môi giới lao động bất hợp pháp xảy ra. Trước dư luận về vấn đề này, yêu cầu đặt ra là phải tiến hành xác minh ngay để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm có kết luận và làm sáng tỏ thông tin và báo cáo UBND tỉnh. Đối với những đối tượng vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo niềm tin trong nhân dân, bảo đảm hài hoà môi trường lao động, tạo sức hút lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc trong vùng cà phê trọng điểm, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Khuyến cáo đưa ra cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, đó là đối với người lao động khi đến tìm việc nên đăng ký trực tiếp tại doanh nghiệp, tránh không qua “cò mồi”, hoặc đến tại trụ sở UBND các xã, huyện, các đơn vị tư vấn GTVL, không nên tin vào những thông tin “hấp dẫn” mà những người môi giới đưa ra mà trao cả tương lai, thậm chí tính mạng cho họ.

Nguyệt Thu