Giải pháp cho an toàn thực phẩm

03:10, 31/10/2012

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên địa bàn đến năm 2015 phải phấn đấu đạt tỷ lệ từ 75 - 90% người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý thực hành đúng…  

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên địa bàn đến năm 2015 phải phấn đấu đạt tỷ lệ từ 75 - 90% người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý thực hành đúng; 60% chợ được quy hoạch và kiểm soát (không bao gồm chợ tự phát) nhằm giảm 25% số vụ ngộ độc cấp tính so với giai đoạn 2006 - 2010…

Đi vào thực hiện đầy đủ những chỉ tiêu vừa nêu, các cấp, các ngành trong tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, nhân rộng các quy trình thực hành sản xuất, chăn nuôi tốt, cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap với cây trồng và tiêu chuẩn VietGap với chăn nuôi. Trước khi đưa sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản ra thị trường, phải qua các khâu kiểm soát chặt chẽ về tồn dư hoá chất độc hại, kiểm tra giết mổ gia súc, vệ sinh thú y, vệ sinh thuỷ sản, kiểm tra việc bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất; kịp thời ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hoá, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm tra nghiêm ngặt điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…

Trước một khối lượng công việc lớn như trên, yêu cầu phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan hữu quan; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm... Đặc biệt vai trò, trách nhiệm phải hoàn thành trên từng chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đối với các cơ quan chuyên trách trong tỉnh Lâm Đồng là hết sức cấp bách và nặng nề, trong khi đội ngũ cán bộ vẫn đang còn thiếu nhiều. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Lục - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Lâm Đồng, Chi cục hiện chỉ có 6 biên chế, cộng với cấp huyện với một vài cán bộ ở các Phòng NN-PTNT và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện cùng “kiêm nhiệm” tham gia, vẫn còn quá thiếu so với yêu cầu trên từng phần việc bảo đảm an toàn thực phẩm được giao.

Thiết nghĩ để thực hiện tốt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trên địa bàn Lâm Đồng đến năm 2015 rồi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong tất cả những giải pháp phải nỗ lực triển khai thì giải pháp về tăng cường nguồn lực cán bộ chuyên trách là trọng tâm, mang tính quyết định, cần phải đặt lên hàng đầu.

Vũ Văn