Những năm 80 của thế kỷ trước, Đạ Huoai vẫn còn heo hút giữa đại ngàn mênh mông nhưng cũng chính nơi này đã bừng sáng lên bởi những giáo viên thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân miệt mài gieo chữ…
Những năm 80 của thế kỷ trước, Đạ Huoai vẫn còn heo hút giữa đại ngàn mênh mông, rừng thiêng nước độc, dân cư thưa thớt, đi hết một ngày đường xuyên qua 3 huyện mới có một ngôi trường. Nhưng cũng chính nơi này đã bừng sáng lên bởi những giáo viên thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình miệt mài gieo chữ…
Dấu chân những người gieo mầm chữ
“Nghèo khổ, dân cư thưa thớt, đường sá, điện thắp sáng đều rất hạn chế… là thực trạng của Đạ Huoai những năm 80. Đối với những vùng xa xôi hẻo lánh việc đưa các em đến trường đã khó, giữ lại các em học hết niên khóa, hết cấp lại là điều khó hơn, nhiều khi phải cố gắng và hy sinh nhiều thứ của bản thân mình để bám trường, bám lớp. Nhưng ngày ấy, tất cả chúng tôi đều không nghĩ mình sẽ được gì mất gì mà cố gắng cống hiến tri thức của mình bằng tình yêu thương không toan tính, chỉ mong sao học sinh có tương lai xa hơn đoạn đường rừng các em đi, cao hơn ngọn đồi các em làm nương rẫy…” - cô Lê Thị Thu Hương (giáo viên Trường THPT Đạ Huoai) bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đầu tiên mang chữ về non cao.
Học sinh Đạ Huoai đi học. |
Tuổi hai mươi tràn căng sức sống, rất nhiều người muốn tìm cơ hội thay đổi cuộc đời nhưng thế hệ giáo viên trẻ, có trình độ đại học chính quy với nhiệt huyết, lý tưởng và khát vọng sống đẹp như cô Đinh Thị Cúc, thầy Văn Thành Sở, thầy Thái Quang Tuân, cô Lê Thị Thu Hương, cô Nguyễn Thị Hà…đến vùng cao nguyên nghèo khó, sẵn sàng chấp nhận cuộc sống với bao nhọc nhằn ở lại Trường PTTH Đạ Huoai (đây là ngôi trường chung cho cả 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên những năm 1981- 1985) công tác. Trường làm bằng tranh tre nứa, bảng đen làm bằng cót tre đan bọc nhựa si-mi-li. Mặt bàn của thầy lẫn trò làm bằng cây mum đập dập lát đều, ghế ngồi cũng được đóng bằng những cây tre già, vách ngăn giữa các lớp cũng là những lớp liếp mum. Khu tập thể giáo viên toàn bộ cũng được dựng bằng chất liệu cỏ tranh và cây mum. Lương thấp, phải khéo thu vén, tằn tiện lắm mới đủ sống. Cuộc sống của bà con ở đây nhiều khó khăn. Vì thế mà cái chữ cũng nặng trĩu trên vai những người thầy đi gieo chữ. Thế nhưng, khó khăn không dập tắt nhiệt huyết của thầy cô giáo trẻ ở khắp các vùng quê trên cả nước xung phong vào vùng kinh tế mới Đạ Huoai truyền thụ kiến thức, mở mang văn hóa.
“Hoa chữ” đã nở
Trường THPT Đạ Huoai vừa tròn 31 tuổi (1981 - 2012), cũng chừng ấy năm những giáo viên phơi phới tuổi đôi mươi gắn bó gần nửa đời người với ngôi trường bên vách núi. Khi những làn mây trắng xóa còn quấn quanh những ngọn núi cao cũng là lúc bóng áo trắng học trò sáng lên từ phía những con dốc đến trường.
“Mầm chữ” những giáo viên trẻ gieo năm xưa, 31 năm sau đã “nở hoa” giữa đại ngàn. Họ thực sự là những "nhà giáo của nhân dân" bởi họ vẫn từng ngày thầm lặng hy sinh cuộc sống riêng của bản thân để "vì lợi ích trăm năm trồng người". 31 năm thời gian nhuộm sương mái tóc, khắc vết chân chim trên khuôn mặt mỗi người nhưng điều đó có gì là quan trọng khi khát vọng sống đẹp của những năm tháng tuổi trẻ đã trở thành hiện thực khi chắp cánh ước mơ cho học sinh ở xứ sở heo hút này bay qua đỉnh núi quê hương đến muôn phương đất nước mình.
Học sinh Trường THPT Đạ Huoai giờ tan trường. |
Tuy cuộc sống ở vùng cao vẫn còn đó những khó khăn, gian khổ, đời sống giáo viên vẫn "thừa sự thiếu thốn, thiếu sự đủ đầy" nhưng quy mô và chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biển rõ nét. Đến nay, toàn huyện có 10 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 7 trường THCS, 2 trường THPT, 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, 1 trung tâm dạy nghề. Ở bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 100%, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm trên 99%, hoàn thành chương trình THCS trên 97%.
Đặc biệt, ngôi trường 31 năm tuổi – THPT Đạ Huoai – đã vươn mình mạnh mẽ khi trở thành cánh chim đầu đàn cho ngành giáo dục ở huyện Đạ Huoai với những thành quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt: Nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc, Chi bộ nhà trường luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tỉ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn đạt trên 95%. Trường THPT Đạ Huoai còn là một trong những chiếc nôi ươm mầm học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Lâm Đồng.
Những kết quả đạt được của Giáo dục Đạ Huoai là cả hành trình nỗ lực, vượt khó của những giáo viên trên vùng đất cao nguyên này. Có thể, phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng với tình yêu nghề, sự nỗ lực bám trường, bám lớp của mỗi thầy cô giáo, hàng ngàn học sinh ở vùng đất khó đã biết thêm cái chữ, tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật… Và hạnh phúc nhất đối với các thầy cô giáo ở Đạ Huoai là cái chữ sẽ “bám rễ” sâu vào mỗi gia đình để ám ảnh về một vùng đất nghèo có tới 60% thanh niên trong độ tuổi lao động làm việc ở các khu vực kinh tế nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo sẽ được xóa tan đi bởi ngày càng nhiều những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… sẽ trở về địa phương công tác.
Nguyễn Thị Việt Hà