Cán bộ, công chức phải thật sự là “công bộc của dân”

03:10, 14/10/2012

Khái niệm “dân vận” được bắt đầu từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng xây dựng đất nước…

Khái niệm “dân vận” được bắt đầu từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác vận động quần chúng xây dựng đất nước, trong bài báo của Người viết dưới bút danh “X,Y,Z”, nhan đề là “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949. Đề cập đến trách nhiệm thực hiện công tác dân vận, Bác chỉ rõ “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Bác nói đến cán bộ chính quyền trước, vì chính quyền nhà nước là chủ thể duy nhất trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay có chức năng quản lý toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua công tác quản lý điều hành, các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, giải quyết những yêu cầu hàng ngày của nhân dân. Vì vậy, tác phong, thái độ làm việc, ứng xử của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức đối với nhân dân có quan hệ trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định “Xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân…”.

Đ/c Hồ Thị Nga - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trường khối thi đua tặng hoa đại diện các đơn vị tại lễ khai mạc
Đ/c Hồ Thị Nga - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng khối thi đua tặng hoa đại diện các đơn vị tại lễ khai mạc


Chúng ta đều biết, Đảng lãnh đạo công tác dân vận chủ yếu bằng chủ trương, đường lối, nhưng có chủ trương, đường lối đúng về dân vận chưa đủ mà còn phải có chính quyền có đủ năng lực và biết cách làm dân vận mới có thể biến chủ trương, đường lối đó thành hiện thực. Với hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ, quản lý các nguồn lực to lớn về tài chính, nắm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội… chính quyền nhà nước đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ có tác động nhiều mặt đến đời sống đại bộ phận nhân dân. Việc tăng cường công tác dân vận trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước và hội nhập là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu do Đại hội Đảng đề ra. Công tác dân vận muốn thành công phải được thực hiện đồng bộ và phối hợp giữa các tổ chức chính quyền và đoàn thể. Chỉ thị 69/CT-TW của Ban Bí thư, ngày 20 – 6 – 1996 nhấn mạnh: “Mỗi công chức, viên chức đều phải làm tốt công tác dân vận; cần xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận trong công tác vận động quần chúng”.

Trong những năm qua, công tác dân vận của chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã có sự chuyển biến đáng kể, nhất là về nhận thức: Từ chỗ không biết hoặc biết không rõ về công tác dân vận của chính quyền, đến nay, về cơ bản các cơ quan, ban, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, đã xác định được trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục hơn là dùng biện pháp hành chính. Điều đó đã góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bước đầu đã cho kết quả chuyển biến rõ rệt, đời sống mọi mặt của đại bộ phận nhân dân đã được nâng lên. Hoạt động của chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến mạnh, cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ. Đặc biệt, đã xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần giữ vững và ổn định an ninh, trật tự của địa phương trong tình hình diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là thành quả lớn, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng của việc thực hiện công tác dân vận của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.
      
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền nhanh chóng đi vào nề nếp, hạn chế những mặt còn tồn tại, hạn chế nhất định, trong thời gian tới Lâm Đồng cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt một cách sâu rộng và thường xuyên các quan điểm đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tất cả các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần chú trọng vào 4 nội dung trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  “4 việc cần làm ngay” mà đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nêu trong bài báo “Nhớ ngày 15/10”, các nội dung nêu trong Chỉ thị số 18/CT - TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác dân vận” và Quyết định số 174 - QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng.

Có thể khẳng định, công tác dân vận là trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và của toàn thể cán bộ, công chức. Đây là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh. Do vậy, trong thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo địa phương. Tiếp tục nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận một cách đồng bộ, thường xuyên đảm bảo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phải được tiến hành đồng bộ, có hiệu quả trên cả 3 phương diện “Nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ”, xây dựng chính quyền các cấp thực sự là “của dân, do dân, vì dân”, cán bộ, công chức các cấp thực sự là “công bộc của dân”, tiến tới xây dựng Lâm Đồng trở thành địa phương ngày càng ổn định và phát triển vững mạnh.

Nguyệt Thu (thực hiện)