Lâm Đồng cần quan tâm nghiên cứu lĩnh vực khoa học lâm nghiệp

03:10, 10/10/2012

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh (TTNCTNLS) Lâm Đồng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tư vấn và sản xuất kinh doanh về các lĩnh vực giống cây lâm nghiệp, lâm sinh, công nghiệp rừng và kinh tế lâm nghiệp ở vùng Nam Tây Nguyên.

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh (TTNCTNLS) Lâm Đồng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tư vấn và sản xuất kinh doanh về các lĩnh vực giống cây lâm nghiệp, lâm sinh, công nghiệp rừng và kinh tế lâm nghiệp ở vùng Nam Tây Nguyên. Tổ chức tiền thân của Trung tâm là Trạm Thực nghiệm Lâm học Lang Hanh (Di Linh) thành lập năm 1932 và Trạm Thực nghiệm Lâm học Măng Lin (1947) tại Đà Lạt. Trung tâm trước là cơ sở trực thuộc Viện Khảo cứu Đông Dương của Pháp (IRAFI). Hiện Trung tâm quản lý trên 3.370 ha rừng và đất rừng phục vụ nghiên cứu khoa học, trong đó diện tích ở Lâm Đồng 454 ha.

Một góc cảnh quan, môi trường rừng Đan Kia – Suối Vàng Lâm Đồng. Ảnh: Minh Ngọc
Một góc cảnh quan, môi trường rừng Đan Kia – Suối Vàng Lâm Đồng. Ảnh: Minh Ngọc


Quá trình triển khai nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ, chức năng được giao, Trung tâm đã thành công nhiều đề tài quan trọng. Trên lĩnh vực lâm sinh, đơn vị đã và đang triển khai các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ. Đó là nghiên cứu tuyển chọn tập đoàn cây trồng phù hợp, biện pháp kỹ thuật gây trồng góp phần phục hoàn môi trường sau khai thác bauxite ở Tây Nguyên; Trồng hỗn giao thông 3 lá với một số loài cây bản địa; Kỹ thuật gây trồng thông đỏ, loài cây có giá trị dược liệu cao; Đánh giá hiện trạng sử dụng một số dạng LSNG tỉnh Lâm Đồng, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững; Kỹ thuật trồng một số cây mọc nhanh phục vụ cho một số vùng khó khăn ở Tây Nguyên… Đối với rừng tự nhiên, Trung tâm đã xác định một số đặc điểm lâm học chủ yếu của các kiểu rừng lá rộng thường xanh, rừng lá kim, rừng rụng lá… làm cơ sở khoa học cho các giải pháp lâm sinh. Xây dựng giải pháp phục hồi rừng tự nhiên bằng biện pháp xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng, khai thác đảm bảo tái sinh… Trên lĩnh vực giống, Trung tâm tổ chức nhiều mô hình nghiên cứu như: Khảo nghiệm giống keo vùng cao, khảo nghiệm hậu thế lai bạch đàn, thông Caribê, thông Ocarpa… Từ đó, bước đầu xác định một số loài năng suất cao như bạch đàn microcorys trồng khảo nghiệm ở Lang Hang, Đà Lạt cho năng suất 16,3 m3/ha/năm với chu kỳ kinh doanh 10 - 15 năm; Bạch đàn saligna cho năng suất 17,4 m3/ha/năm; Thông ocarpa khảo nghiệm ở Lang Hang cho năng suất 19,8 m3/ha/năm, Thông caribê năng suất 24,8 m3/ha/năm với chu kỳ kinh doanh 25 - 30 năm. Một số loài keo vùng cao qua khảo nghiệm được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật như Acacia meansii, A.irrorata, A.melanoxylon cho năng suất từ 23,1 - 55,2 m3/ha sau khi trồng 48 tháng. Các giống mới có năng suất cao được công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật gồm: dòng keo lá tràm Clt 16, Clt 1 E, Clt 25, Cltlc… Đối với công tác bảo tồn gen và đa dạng sinh học, Trung tâm nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; đề xuất các giải pháp và thực hiện bảo tồn nguồn gen cho một số loài đặc hữu, quý hiếm, giá trị kinh tế cao có nguy cơ bị đe doạ và tuyệt chủng cho khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên… Ngoài ra, từ năm 2007-2011, Trung tâm tham gia, phối hợp thực hiện các đề mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cùng đơn vị khác trong và ngoài Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với 18 đề tài.

Nghiên cứu cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm lâm sinh
Nghiên cứu cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm lâm sinh


Theo TS. Nguyễn Thành Mến: Lâm Đồng là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về lâm nghiệp nhưng cần có thêm tác động về mặt quản lý nhằm khuyến khích cho hoạt động lâm nghiệp nói chung và nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp nói riêng ngày càng phát triển để có các đóng góp tương xứng vào sự phát triển KT-XH. Theo ông: Mặc dù đã có một số nghiên cứu liên quan được tiến hành trước 1945 nhưng đến nay nhìn chung tài nguyên rừng của tỉnh vẫn chưa được đánh giá đầy đủ về chất lượng, thực trạng các hệ sinh thái để làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách quản lý, sử dụng rừng bền vững. Rừng Lâm Đồng có giá trị rất cao về đa dạng sinh học song còn nhiều loài thực vật quý hiếm chưa được nghiên cứu triệt để kể cả về mặt bảo tồn, khai thác giá trị sử dụng. Thông đỏ, pơ mu, bách xanh, hoàng đàn giả, thông 2 lá dẹt, đinh tùng… là các loài cây bản địa quý hiếm cần được nghiên cứu bảo tồn và kỹ thuật gây trồng để bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế. Đến nay, có nhiều nghiên cứu liên quan về rừng thông 3 lá cũng như hệ sinh thái rừng khác, do đó cần có các đánh giá tổng quan về mặt ý nghĩa thực tiễn đối với sản xuất và quản lý từ các nghiên cứu này. Qua đó có các khuyến cáo về phạm vi áp dụng cũng như xác định các khoảng trống cần nghiên cứu bổ sung. Rừng trồng ở Lâm Đồng chỉ tập trung vào các loại cây phổ biến như thông 2 lá, thông 3 lá, keo lai nhưng chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu chọn giống có năng suất cao, giống có khả năng kháng bệnh, phù hợp cho các vùng sinh thái khác nhau. Phương thức trồng rừng thuần loại là phổ biến, thiếu các nghiên cứu về kỹ thuật trồng rừng hỗn giao, chưa chú trọng đúng mức phát triển các loại cây bản địa… Ngoài ra, các nghiên cứu liên quan về định giá rừng, giá trị cảnh quan môi trường rừng thông 3 lá, diễn thế tự nhiên và phục hồi rừng thông 3 lá, các chính sách liên quan về phát triển lâm nghiệp cộng đồng, phát triển nông thôn miền núi… cần được tỉnh chú trọng.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp của Lâm Đồng, theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm Đồng: UBND tỉnh cần tăng cường nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học lĩnh vực lâm nghiệp. Các cơ quan chuyên môn lâm nghiệp trong tỉnh sớm có cơ chế phối hợp trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật về lâm nghiệp để nhanh chóng áp dụng vào sản xuất, quản lý lâm nghiệp.    

BÌNH NGUYÊN