Lâm Hà ngày ấy… bây giờ

03:10, 24/10/2012

Cuối tháng 3/2011, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức gặp mặt cựu thanh niên tiền trạm nhân kỷ niệm 35 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.

Cuối tháng 3/2011, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức gặp mặt cựu thanh niên tiền trạm nhân kỷ niệm 35 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà do đồng chí Phạm Văn Khả, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng đoàn, thành viên gồm có các đồng chí: Phan Hữu Giản, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà; Giáp Thị Thủy - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà; Phạm Thị Nguyệt, cựu thanh niên tiền trạm đang sinh sống tại Nam Ban và Nguyễn Đức Tài về dự buổi gặp mặt. Thật bất ngờ, tại Nhà văn hóa Thanh niên Thủ đô chật kín người với gần 1.000 đại biểu (dự kiến khoảng 500 đại biểu). Những cái bắt tay thật chặt, lẫn những cái ôm hôn thắm thiết, mừng mừng, tủi tủi, xúc động trào nước mắt. Những câu chuyện ngày xưa tôi được nghe, được kể, được nghiên cứu về lịch sử của huyện, nhưng đây là lần đầu tiên được gặp nhiều nhân chứng nhất, các anh, các chị đã kể về những ngày đầu của tuổi trẻ Thủ đô trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ…

Lãnh đạo, cán bộ và nhân dân huyện tham quan triển lãm 25 năm xây dựng  và phát triển Lâm Hà.
Lãnh đạo, cán bộ và nhân dân huyện tham quan triển lãm 25 năm xây dựng và phát triển Lâm Hà.


NGÀY ẤY….

Vùng đất Nam Ban, Bản Hoạt, Buôn Chuối ngày xưa là đất du canh, du cư của đồng bào K’Ho, trong kháng chiến giải phóng dân tộc là vùng căn cứ địa cách mạng, là bàn đạp tấn công của quân giải phóng vào Đà Lạt hồi tết Mậu Thân, mở rộng ra tới hết vùng La Pa Phú Sơn, Lán Tranh vẫn là căn cứ Khu VI, đồi 1.000 phía sau Thác Voi là điểm Mỹ đỗ quân bằng không quân, cũng là trận địa nơi xảy ra các trận đánh của bộ đội ta với địch, rải rác quanh vùng còn nhiều mộ liệt sỹ chưa kịp quy tập về nghĩa trang. Sau năm 1975, rừng xơ xác, núi đồi hoang vu mang trên mình thương tích chiến tranh do bom đạn Mỹ Ngụy tàn phá, lau lách ngập đầu, tới đâu cũng gặp cây xấu hổ, gai chống cộng, ruồi vàng, muỗi vằn, vắt xanh, thú dữ, cùng lẫn dấu giày của bọn Phun rô, có thể nói nguy hiểm, khó khăn vô cùng…

Thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động và dân cư khắp cả nước để thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Trung ương, ngày 10/10/1975, đoàn cán bộ đầu tiên của Hà Nội đã tìm đến xã DaMe của Đức Trọng, chuyến đi ấy là cơ sở để ngày 17/12/1975, Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra thông báo về xây dựng kinh tế mới Hà Nội tại tỉnh Tuyên Đức – Lâm Đồng. Ngày 6/2/1976 (mùng 6 tết Bính Thìn) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Duy Dương, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBNBD thành phố Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo đoàn cán bộ khoa học – kỹ thuật gồm: 106 người lên đường vào khảo sát ở Tuyên Đức – Lâm Đồng. Trong đoàn khảo sát đó, hình ảnh còn lưu giữ đến ngày hôm nay có các anh, các chị: Nguyễn Văn Tăng, Phạm Thị Cát, Hoàng Thị Hà, Ngô Văn Diên, Phạm Thị Liên, Nguyễn Nhật Cao… đoàn đóng quân tại trường Trung Sơn – Đức Trọng. Đoàn được các đồng chí Lê Thứ, Chế Đặng là Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức (khi đó 2 tỉnh chưa sáp nhập) trực tiếp đón tiếp, phối hợp cùng chỉ đạo khảo sát. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng – Tuyên Đức xác định đây là nhiệm vụ của lãnh đạo Hà Nội mà còn là trách nhiệm của địa phương, vùng kinh tế mới Hà Nội có trụ vững thành công thì mới có điều kiện ổn định xây dựng và bảo vệ thành phố Đà Lạt và Lâm Đồng – Tuyên Đức. Tình cảm và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Lâm Đồng – Tuyên Đức đã giúp cho đoàn khảo sát, thành phố Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 18/3/1976 Thành ủy Hà Nội thành lập Đảng bộ vùng kinh tế mới, ngày 13/4/1976 Tổng đội thanh niên Tiền trạm Gia Lâm đưa 125 lao động đầu tiên vào Nam Ban – Đức Trọng, giữa tháng 7/1976 Bí thư thành uỷ Hà Nội Nguyễn Lam vào kiểm tra thực địa, ngày 22/7/1976 hội nghị liên tịch Lâm Đồng – Hà Nội bàn quy hoạch xây dựng vùng kinh tế mới. Tháng 9/1976 huyện Từ Liêm đưa 7 hộ đầu tiên vào vùng kinh tế mới, tiếp đó là các Tổng đội Đông Anh, Thanh Trì, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… lần lượt có mặt trên các địa bàn khu vực Nam Ban. Ngày 4/10/1976, Thường vụ Thành uỷ Hà Nội nghe báo cáo dự thảo quy hoạch xây dựng vùng KTM, ngày 18/3/1977 UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng do đồng chí Nguyễn Xuân Bảy làm Bí thư Đảng bộ kiêm Trưởng ban. Hà Nội cũng thành lập Ban vận động đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô đi xây dựng vùng kinh tế mới do đồng chí Vương Tước làm Trưởng ban. Giữa hai đầu cầu Hà Nội – Lâm Đồng, với khoảng cách gần 1.700km, việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn do điều kiện phương tiện kỹ thuật, vận tải, liên lạc lúc đó còn nhiều hạn chế, nhưng với ý chí và sức lực đã từng bước hình thành một vùng quê mới. Ngày 2 tháng 8 năm 1977, Đại hội Đảng bộ vùng lần thứ I khai mạc, Đại hội đề ra nhiệm vụ là khắc phục mọi khó khăn, bám trụ tổ chức làm trại, làm đường giao thông thuỷ lợi, khai hoang và sản xuất, đấu tranh truy quét Phulrô chuẩn bị điều kiện để đón dân vào. Với bao thao thức, trăn trở, lặn lội, tìm kiếm, phát hiện, sáng tạo, tuy cũng có nhiều vấp váp lẫn thất bại, song người Hà Nội đã tìm được đường đi đúng hướng, vững chắc, con đường đi tới đã rộng mở.
    
Những năm tiếp theo đồng bào các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Đan Phượng, Phúc Thọ tiếp tục vào vùng Lán Tranh để sinh cơ lập nghiệp. Trải qua 11 năm hình thành vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, Đảng bộ vùng kinh tế mới tổ chức 3 kỳ Đại hội (1977, 1980, 1983), Chính phủ ra Quyết định thành lập thị trấn Nông trường Nam Ban vào ngày 19/9/1981, tên đất quê hương Hà Nội được mang theo để thanh niên vùng quê mới như Ba Đình, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn... làm ấm lòng những người con xa xứ.

Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp là huyện Đức Trọng, thành quả mà người Hà Nội đạt được sau 11 năm phấn đấu đó là: khai hoang được 5.060 ha, phục hoá được 1978 ha ruộng lúa, làm mới 76 km giao thông trục chính, 285 km đường nội bộ, 35 cầu cống, xây dựng 16 vạn m² nhà ở, 24 nông trường, trạm, trại, HTX, xưởng máy, xí nghiệp, 12 công trình thuỷ lợi, 1.283 giếng nước, 9 trạm biến thế với 104 km đường dây, 11 trường học, 1 bệnh viện, 1 phân viện đa khoa, 4 đài truyền thanh... đón 4.368 hộ với gần 3 vạn dân, các hộ dân đã bám trụ, ổn định, xây dựng cuộc sống lâu dài với tỷ lệ 94,5%.

VÀ BÂY GIỜ…

Ngày 24/10/1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 157/QĐ – HĐBT thành lập huyện Lâm Hà trên cơ sở sáp nhập vùng kinh tế mới Hà Nội với 5 xã của huyện Đức Trọng. Ngày 28/10/1987, lễ ra mắt huyện Lâm Hà long trọng được tổ chức tại thị trấn Đinh Văn, thấm thoát đã 25 năm trôi qua, sau khi chia tách để thành lập huyện Đam Rông năm 2005, đến nay huyện Lâm Hà có 14 xã, 2 thị trấn với trên 143 ngàn dân. Được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, sự giúp đỡ tận tình trách nhiệm của Đảng bộ và đồng bào Thủ đô, huyện Lâm Hà đã trở thành một trong những địa phương phát triển của tỉnh Lâm Đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng – thương mại – dịch vụ, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp chủ lực như: Cà phê, dâu tằm, chè, vùng nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện được đầu tư và đi vào sản xuất có hiệu quả. Đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đường điện phủ kín hầu hết khu dân cư và vùng sản xuất. Tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 15%, GDP bình quân đầu người năm 2012 dự kiến khoảng 30,6 triệu đồng, hộ khá giàu tăng thêm, hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 5%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 13%.

Người dân Lâm Hà hôm nay bên cạnh đồng bào Thủ đô và người dân Tây Nguyên, còn có đồng bào khắp cả nước từ Hà Giang, Cao Bằng đến tận Bến Tre, Trà Vinh… với 30 dân tộc anh em, đất lành chim đậu, bà con mang theo tên làng, tên quê về đây đoàn kết chung tay xây dựng quê mới, tạo nên bản sắc đậm đà của văn hóa đa dạng vùng miền. Người Lâm Hà cần cù, chịu khó, ham học góp phần thúc đẩy Lâm Hà ngày càng phát triển.

Ghi nhận thành tích mà nhân dân và cán bộ huyện Lâm Hà đạt được trong suốt 25 năm qua, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1997), Huân chương Lao động hạng Hai (2007), Huân chương Lao động hạng Nhất (2012), Thủ tướng Chính Phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen…

Nhân kỷ 25 năm ngày thành lập huyện (28/10/1987-28/10/2012), tôi viết bài này là để chúng ta mãi biết ơn công lao của các vị lãnh đạo TW, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội. Sự sẻ chia, đùm bọc trong khó khăn gian khổ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, và để tri ân người mở đất, cổ vũ động viên thế hệ hôm nay tiếp bước cha anh để xây dựng quê mới trên cao nguyên xanh.

Lâm Hà tháng 10/2012

Nguyễn Đức Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà