Mãi mãi xứng danh “bộ đội Cụ Hồ”

03:10, 25/10/2012

Sau những năm tháng trong quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh luôn năng động, sáng tạo trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền…

Sau những năm tháng trong quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh luôn năng động, sáng tạo trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, gương mẫu thực hiện các phong trào ở địa phương, mãi mãi xứng danh “bộ đội Cụ Hồ”.

Ghi nhận những đóng góp của hội viên CCB, Đảng và Nhà nước luôn kịp thời động viên, khen thưởng
Ghi nhận những đóng góp của hội viên CCB, Đảng và Nhà nước luôn kịp thời động viên, khen thưởng


VŨ VĂN LUẬT - CCB “3 ĐƯỢC”

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng - xã Tiên Lãng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Năm 1976, anh Vũ Văn Luật trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều động sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Hơn 10 năm chiến đấu, công tác trong quân đội, anh xuất ngũ trở về quê. Với số tiền trợ cấp bệnh binh 2/3, cộng với đồng lương ít ỏi của vợ là một nhà giáo, không đủ để trang trải cho gia đình với 5 miệng ăn. Khó khăn trăm bề đè nặng lên tâm tư người cựu chiến binh một thời chinh chiến, một lần nữa anh quyết định lên tàu vào Nam mang theo khát vọng làm giàu trên vùng quê mới.

Đến Bảo Lộc năm 1991. Nắng, gió cao nguyên không làm anh nản chí. Sau khi được cấp hai sào đất, anh vào rừng chặt cây, cắt tranh dựng nhà và bắt tay vào sản xuất. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng với vốn nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm mang theo, cuộc sống của gia đình anh dần đi vào ổn định nhờ vào con tằm ăn dâu nhả kén. Năm 1994, anh bàn với vợ mua thêm 4 ha đất để trồng chè, cà phê… Cựu chiến binh Vũ Văn Luật bồi hồi nhớ lại thời gian đó: “Phần đầu tư mở rộng sản xuất, phần nuôi 4 đứa con ăn học, có những lúc tưởng như không thể vượt qua, không thể đi tiếp…”. Nhưng rồi, trời không phụ lòng người, mô hình sản xuất của ông thành công ngoài mức tưởng tượng. Nay từ vườn chè, cà phê gia đình ông thu nhập không dưới 500 triệu đồng/năm. Ông còn mở thêm dịch vụ kinh doanh thiết bị văn phòng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Kinh tế phát triển, vợ chồng ông có điều kiện để nuôi các con ăn học thành tài, 3 trong số 4 người con của ông Luật đã tốt nghiệp đại học.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Vũ Văn Luật còn tích cực tham gia công tác xã hội, hơn 10 năm làm bí thư chi bộ, trưởng khu phố và nay là chi hội phó chi hội cựu chiến binh. Với những thành quả đạt được trong cuộc sống, bà con dân phố đã mến phục tặng anh danh hiệu Cựu chiến binh “3 được” - làm kinh tế được, nuôi con được và tham gia công tác xã hội được.

PHẠM VĂN CƯỜNG - CCB GIỎI LÀM KINH TẾ

Cựu chiến binh Phạm Văn Cường sinh ra và lớn lên tại thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Năm 1985, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 800 (Sư đoàn 322, Quân khu I). Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, năm 1988 anh được xuất ngũ trở về địa phương.

Ở quê đất chật người đông, cuộc sống còn vô vàn khó khăn, túng thiếu. Không cam chịu, năm 1989, anh Phạm Văn Cường đã hạ quyết tâm rời quê hương, tạm biệt người thân và bạn bè vào thôn 1 (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) lập nghiệp. Sau gần hai năm bươn chải trên vùng đất mới, anh đã quen, yêu và tiến tới hôn nhân với cô công nhân làm việc ở Nông trường bò sữa Lâm Đồng, và cũng chính mối duyên này đã “xe” anh với nghề chăn nuôi bò sữa. Sau khi đã tích lũy được ít vốn, cũng như kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi bò sữa, năm 2003, gia đình anh Cường đã mạnh dạn đầu tư vốn mua 2 con bò cái. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Cường tăng đàn bò sữa lên 18 con, trong đó có 15 con đang cho khai thác sữa. Bình quân mỗi ngày anh cung cấp ra thị trường 150 kg sữa tươi, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi hơn 1 triệu đồng. Để bảo đảm nguồn thức ăn cung cấp cho đàn bò sữa, anh Cường đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua đất trồng cỏ. Nhờ được đầu tư bài bản, trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Cường đã trở thành mô hình cho bà con địa phương tham quan, học tập.

NGUYỄN VĂN THỊNH - CCB CÓ “TẤM LÒNG VÀNG”

Năm 1982, chàng trai nghèo Nguyễn Văn Thịnh ở vùng chiêm trũng Lý Chính (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lên đường nhập ngũ và vào học tại Trường Sỹ quan Pháo binh Sơn Tây. Ra trường, anh lên Vị Xuyên (Hà Giang) nhận nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến biên giới phía Bắc. Năm 1992, Nguyễn Văn Thịnh phục viên về quê và sau đó đưa gia đình vào xã Phước Cát 1 (Cát Tiên, Lâm Đồng) lập nghiệp.

Thời gian đầu, để có tiền nuôi sống gia đình anh đã xoay đủ thứ nghề, từ trồng tỉa, ấp vịt nở, mở tiệm may… nhưng khó vẫn hoàn khó. Đến năm 1995, anh quyết định “đột phá” bằng việc vay vốn của người thân, bạn bè được khoảng 20 triệu đồng đầu tư cơ sở xay xát nhỏ. Làm ăn dần khá lên anh lại đầu tư mở rộng, đến nay cơ sở xay xát của anh Thịnh đã đạt tới công suất 10.000 tấn/năm. Đi đôi với nghề xay xát, anh đầu tư nuôi heo, từ chưa đến chục con ban đầu đến nay đã hình thành trang trại chăn nuôi với 130 con heo nái và gần 1.000 heo thịt. Quy mô sản xuất - kinh doanh của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thịnh ngày càng mở rộng với hồ cá sấu hàng trăm con và làm đại lý phân phối cám 5 sao của Thái Lan với lượng bán ra đạt hơn 2.000 tấn/năm. Trong những năm qua, gia đình anh Thịnh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng và khoảng 40 lao động theo thời vụ.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thịnh luôn tâm niệm: “Mình là người may mắn, làm ăn thuận lợi, không giúp được nhiều thì cũng góp phần sẻ chia với người ít may mắn hơn…”. Trong 5 năm trở lại đây, gia đình anh Thịnh đã tặng 1.408 suất quà cho các đối tượng chính sách, giúp các cháu người dân tộc thiểu số mua sách vở, các gia đình hoạn nạn trị giá hơn 100 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà đồng đội cho các CCB khó khăn về nhà ở và 3 căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo trong xã; hỗ trợ xây cổng trường, tặng đồ dùng dạy học, làm đường giao thông và hỗ trợ các hoạt động của Hội CCB, Hội Nông dân và các đoàn thể khác với tổng số tiền khoảng 400 triệu đồng. Riêng trong 2 năm 2009-2010, thông qua Hội Chữ thập đỏ, gia đình anh Thịnh đã nhận giúp đỡ cho 15 trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống với số tiền 100.000 đồng/tháng/người… Ngoài ra, gia đình anh còn dành khoản tài chính gần 5 tỷ đồng cho bà con địa phương vay (không tính lãi) đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

LÊ HỮU TÚC