Mẹ anh hùng - con hiếu thảo

03:10, 18/10/2012

Trong ngôi nhà tình nghĩa đơn sơ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt), treo nhiều bằng Tổ quốc ghi công 3 liệt sĩ (chồng và 2 con), mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất lặng lẽ sống cùng người con gái, chị Trần Thị Minh Sơn (52 tuổi), hai mẹ con đều “toả sáng” theo cách sống riêng của mỗi người!

Trong ngôi nhà tình nghĩa đơn sơ ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Đà Lạt), treo nhiều bằng Tổ quốc ghi công 3 liệt sĩ (chồng và 2 con), mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất lặng lẽ sống cùng người con gái, chị Trần Thị Minh Sơn (52 tuổi), hai mẹ con đều “toả sáng” theo cách sống riêng của mỗi người!

Người mẹ kiên trung

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tất và con gái Trần Thị Minh Sơn
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tất và con gái Trần Thị Minh Sơn

Mẹ Nguyễn Thị Tất, 85 tuổi, bây giờ chỉ “đặt đâu ở đó”, hết nằm lại ngồi, chị Sơn bồng mẹ từ giường ra ghế salon trò chuyện với chúng tôi. Mẹ kể năm 1962 mẹ cùng chồng, con vào thôn Xuân Sơn ở đến bây giờ người còn, người đã mất. Trước đó, người mẹ của quê hương cách mạng Điện Bàn - Quảng Nam đã hoạt động làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, vừa tiếp tế vừa làm giao liên. Vào thôn Xuân Sơn, vợ chồng bà tiếp tục hoạt động cách mạng. Bà có 8 người con (4 trai, 4 gái), cả gia đình đều tham gia hoạt động cách mạng. Chồng bà, ông Trần Cương, ngày đi làm vườn, làm thợ mộc (chủ thầu công trình), nên kiếm được cũng khá nhiều tiền đưa cho bà dùng hết để mua gạo về chứa trong nhà, mua thức ăn để nuôi giấu cán bộ. Ông ban ngày lao động, ban đêm đi hoạt động cách mạng. Mẹ nói rằng: Bao nhiêu lương thực mẹ để dành cho cách mạng. Con cái thì ăn su su, khoai lang, nhưng cả hàng tấn gạo, cá tươi đều dành hết cho cách mạng”. Với tình yêu thương cách mạng trong sáng ấy, mẹ Tất đã vượt qua nỗi đau thương mất mát để tiếp tục hoạt động, mẹ lại đào hầm, tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Giọng mẹ Tất nghẹn ngào: “Đêm 7/7/1968, chồng (51 tuổi) và con gái tôi là Trần Thị Minh Rê (13 tuổi) đi tiếp tế cho bộ đội thì gặp địch càn quét, chúng phát hiện ra hai cha con và bắn chết tại rừng Xuân Sơn. Sáng sớm hôm sau, bà con khiêng xác hai cha con về thôn, tôi như điên dại”. Nỗi đau dồn dập, trước đó 2 tháng, mẹ mất đứa con út (5 tuổi) do bị bệnh không qua khỏi, “tội nghiệp, nó mới 5 tuổi đã biết nấu cơm cho bộ đội!”, mẹ ray rứt đau thương. Vết thương chưa lành, 3 năm sau (1971) mẹ lại hay tin người con trai đầu Trần Quang Vinh (19 tuổi) đi bộ đội (trung sĩ) hy sinh trong vùng rừng đoạn sông La Bá.

Người con tiếp theo của mẹ, anh Trần Minh Quang trở thành thương binh, con gái Trần Thị Minh Xuân (biệt danh X5) theo mẹ đi rải truyền đơn, con gái út Trần Thị Minh Sơn (9 tuổi) giúp mẹ nấu cơm tiếp tế, làm giao liên cho cách mạng. Rồi mẹ bị địch bắt giam ở Đà Lạt 3 năm (sau này mẹ được công nhận là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), mẹ bị tra tấn bằng điện, cột tay chân rút ngược xà nhà, quay điện, mẹ chết đi sống lại nhưng mẹ một mực cương quyết không khai ra tổ chức, cơ sở của cách mạng. Bởi vì mẹ nghĩ: “Có chết thì một mình mẹ chết, không để người thứ hai phải chết!”. Quân giặc đưa mẹ xuống giam ở Nha Trang, cho đeo băng để chuẩn bị đày mẹ ra Côn Đảo. Có nhiều biến cố đầu năm 1975, giặc đưa mẹ trở lên giam ở nhà lao Đà Lạt. Ngày 30/4 giải phóng đất nước, mẹ Tất cùng các chiến sĩ bị địch giam cầm đã phá nhà lao Đà Lạt, mẹ trở về lại thôn Xuân Sơn.

Người con hiếu thảo

Cả cuộc đời của mẹ Tất là sự hy sinh mất mát và bù đắp lại, sưởi ấm lòng mẹ những năm tháng tuổi già là người con gái út luôn gắn bó bên mẹ. Chị Trần Thị Minh Sơn, nói vui rằng: “Bây giờ chị đã 52 tuổi, trừ 3 năm mẹ đi tù, còn lại là quãng thời gian chị ở bên mẹ và sẽ suốt đời bên mẹ. Chị Sơn nhắc lại những ngày còn bé, mẹ hay giao cho chị chiên cá thu, mẹ nhắc chị cho dầu vào thật nhiều để chiên những lát cá to vàng ươm dành hết cho các anh bộ đội ăn. Khi mẹ bị địch bắt giam 3 năm trời, chị gái Trần Thị Minh Xuân đã thay mẹ đi làm mướn, vừa hoạt động cách mạng để nuôi mẹ (đem cơm cho mẹ) và nuôi em. Chị Sơn lên nhà tù thăm mẹ, thấy mẹ không đứng dậy nổi, mẹ gượng bò từ nhà lao ra chấn song sắt, nhìn mẹ cháy đen vì những đòn tra tấn dã man, hai mẹ con chỉ chạm được những ngón tay vào nhau. Nếu ngày 30/4/1975 không giải phóng đất nước thì chị đã mất mẹ rồi!

Mẹ Tất đau nặng 6 năm qua và bị liệt do tai biến, té ngã, 3 năm nay mẹ không đi lại được, mọi sinh hoạt đều tại chỗ có chị Sơn đỡ đần, chăm sóc sớm hôm. Thời gian đầu, mẹ không chịu ở yên, cố gắng đi lại nên 3 tháng 3 lần té ngã gãy tay, gãy chân, chị Sơn thương mẹ, lo thuốc men, kể cả đi chùa, xuống tóc cầu mong cho mẹ hồi phục đi lại được. Mẹ Tất cảm động: “Mẹ còn sống ngày nào mẹ thấy vui, nhớ lại thời kỳ trước mình đi lại nhanh nhẹn, bây giờ mẹ tức là không còn đi được. Ba năm nằm một chỗ, đi cầu, đi tiểu có con lo hết. Mẹ thấy mình hạnh phúc, đại phước vì ngày xưa lo nuôi cách mạng (mẹ không chết được trong đêm chồng con hy sinh), bây giờ có con gái trông nom, sửa soạn từ miếng ăn, tấm áo, mẹ thích ăn cái gì có con chăm, không đợi phải nhắc”.

Chị Sơn là một phụ nữ kỳ lạ, không lập gia đình để làm tròn chữ hiếu với mẹ và rất thích ca hát, vui chơi văn nghệ. Chị hát rất hay, nhiều đám cưới trong thôn bà con đều mời chị đến hát góp vui. Nhưng một thế giới nội tâm khác trong chị là sự hy sinh cho mẹ không kêu than, kể khổ.

Bà con trong thôn nhắc đến chị Sơn không chỉ là người đàn bà hiếu thảo với mẹ, vui vẻ chan hoà với mọi người, mà còn là người phụ nữ hào hiệp, rộng rãi, chị tình nguyện hiến đất để mở đường xây dựng nông thôn mới. Vườn cà phê có tuổi 19 năm của chị rộng 1,2 ha chị đã hiến 625m2 đất cà phê để mở đường cho thẳng, trong lúc cà phê đang có trái, đất ở ngay mặt đường rất có giá. Chị Sơn không toan tính thiệt hơn, có lúc chị làm từ thiện cả trăm triệu đồng, bởi lẽ với chị: “Tài sản lớn nhất là mẹ, còn lại là phù du hết thảy!”.

DIỆU HIỀN