Một số giải pháp đào tạo nhân lực chất lượng cao

03:10, 17/10/2012

Nhân lực chất lượng cao được hiểu là những người giỏi về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; có thể đó là những công nhân kỹ thuật, kỹ sư, trưởng phòng, ban hoặc có thể là một người làm công việc phục vụ chuyên môn.

Mặc dù Lâm Đồng có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, đất đai… để phát triển kinh tế – xã hội, song tỉnh ta vẫn là một trong những tỉnh còn chậm phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế. Nói cách khác, chúng ta nắm trong tay nguồn tài nguyên phong phú mà chưa khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn vô cùng quý giá này, một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng ta chưa có bước đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa IX đã nêu rõ: "Đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của địa phương" là một trong 5 khâu đột phá để phát triển KT-XH Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015.

Đến trường - đường đến tương lai. Ảnh: Văn Báu
Đến trường - đường đến tương lai. Ảnh: Văn Báu


* Khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhân lực chất lượng cao được hiểu là những người giỏi về chuyên môn, có tính kỷ luật và ý thức chính trị cao trong từng công việc mà họ đảm nhiệm; có thể đó là những công nhân kỹ thuật, kỹ sư, trưởng phòng, ban hoặc có thể là một người làm công việc phục vụ chuyên môn. Nói cách khác, nguồn nhân lực chất lượng cao được hiểu là lực lượng lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đáp ứng với mục tiêu đã đặt ra về trình độ (kiến thức - kỹ năng), vị trí, lĩnh vực, kinh nghiệm công tác ở mức độ cao - phức tạp, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, nền kinh tế trong từng giai đoạn:

Đối với sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, chuyên nghiệp; chất lượng cao thể hiện ở hình thức đào tạo, trình độ đào tạo, kết quả tốt nghiệp, lĩnh vực chuyên môn được đào tạo, đánh giá của các chủ thể liên quan... đạt được ở mức độ cao.

Đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đang công tác, chất lượng cao thể hiện ở trình độ (kiến thức - kỹ năng), vị trí, lĩnh vực, kinh nghiệm - thâm niên công tác, kết quả làm việc được ở mức độ cao, chuyên sâu và phức tạp.

Đối với cán bộ quản lý, chất lượng cao thể hiện ở trình độ (kiến thức - kỹ năng), vị trí, lĩnh vực, kinh nghiệm - thâm niên công tác, uy tín cá nhân và sự chỉ đạo, điều hành, quy tụ đoàn kết tạo nên sức mạnh tập thể và chất lượng hiệu quả cao trong công việc.

* Những giải pháp đề ra

Từng bước nâng cao chất lượng nhân lực chất lượng cao và hiệu quả đào tạo nhân lực, cơ bản đáp ứng nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động của tỉnh… là thiết thực góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, bảo đảm cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của địa phương. Từ thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, theo tôi cần tiến hành những giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao như sau:

Giải pháp huy động vốn cho phát triển nhân lực

- Xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn 3-5 năm cho việc đầu tư mới, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời cân đối bố trí vốn ngân sách nhà nước đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch đề ra.

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên đầu tư trọng tâm cho 4 trường cao đẳng (Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Công nghệ Kinh tế Bảo Lộc) và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành nhằm trở thành trường trọng điểm vùng theo định hướng nghiên cứu.

- Đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành quỹ đất và vị trí cho xây dựng và phát triển đến năm 2020, có chính sách hỗ trợ về đất đai (miễn giảm tiền thuê đất), tài chính (cho vay hỗ trợ từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh). Trên cơ sở đó các trường mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt tiêu chuẩn và chất lượng đào tạo.

Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực chất lượng cao

- Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường sự chủ động, sáng tạo trong công tác phát triển nhân lực chất lượng cao của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tránh dựa hoàn toàn vào cơ quan quản lý nhà nước; cần xem phát triển nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm của người sử dụng lao động, của doanh nghiệp và của toàn xã hội.

- Thực hiện tốt công tác tư vấn về chính sách, pháp luật về lao động, dạy nghề, xuất khẩu lao động cho người lao động; tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho người lao động.

- Tiếp tục củng cố xây dựng các trường có chất lượng đào tạo khá trở thành trường chất lượng cao; nâng dần tỷ lệ các trường trung bình lên khá. Thẩm định chất lượng giáo dục của các trường từ trung cấp trở lên.

- Ban hành các quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về nhân lực chất lượng cao với các cơ sở dạy nghề, hệ thống các trường trong tỉnh. Xem các trường đào tạo là đơn vị trực tiếp giúp tỉnh trong việc lập kế hoạch đào tạo, cung cấp dịch vụ đào tạo theo yêu cầu phát triển.

- Thường xuyên thống kê, dự báo nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, kịp thời đưa ra những khuyến cáo cho các cơ sở đào tạo cũng như người lao động để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.

- Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao để thống nhất giữa cung và cầu lao động trong từng giai đoạn, hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí nhân lực chất lượng cao của cá nhân, tổ chức và xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp xanh sạch, đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông lâm sản; thu hút đầu tư lấp đầy các  khu công nghiệp; có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển làng nghề truyền thống, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư...

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, thực hiện chính sách tuyển dụng theo đơn đặt hàng đào tạo nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

- Xây dựng các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh; đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng và quy hoạch cán bộ.

- Hàng năm cân đối bố trí khoảng 1-1,5% trong tổng chi thường xuyên ngân sách của tỉnh, kết hợp với huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để thực hiện đào tạo và phát triển nhân lực. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, tín dụng thương mại ưu đãi phục vụ lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ. Thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích xã hội hóa trong công tác phát triển nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới chính sách tuyển dụng, gắn đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

- Xác định cơ cấu nghề nghiệp, tỷ trọng các lĩnh vực, nhu cầu lao động cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề đáp ứng các nhu cầu của tỉnh. Ưu tiên đào tạo cho các công trình trọng điểm, lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh như: du lịch, thương mại dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng.

- Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân có khả năng và điều kiện đưa lao động hoặc con em mình đi đào tạo, học tập ở nước ngoài, sau đó về làm việc ở địa phương. Thiết lập cơ chế liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực chất lượng cao có hiệu quả nhất.

- Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học giỏi, công nhân lành nghề từ các nơi khác đến làm việc cho tỉnh Lâm Đồng, đổi mới cơ chế, sử dụng và phát triển tài năng của thế hệ trẻ một cách hợp lý; chống các quan điểm tiêu cực, cục bộ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các cán bộ khoa học công nghệ ở trong nước và các chuyên gia là Việt kiều ở nước ngoài trong các ngành mũi nhọn, lĩnh vực quan trọng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của tỉnh nhằm phục vụ chính sách thu hút các nhà khoa học trình độ cao tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học công nghệ.

- Đầu tư phát triển nhân tài bằng cách cử đi học tập đào tạo ở trong và ngoài nước. Chú trọng vào lao động có chất lượng cao, cán bộ quản lý đầu ngành, hỗ trợ kinh phí học tập gắn với một số chế tài đảm bảo đối tượng tham gia đào tạo trở về phục vụ cho địa phương nhất là đội ngũ đào tạo ở nước ngoài.
 
Đổi mới đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển mạng lưới trường đại học và cao đẳng trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch giai đoạn 2011-2020; ưu tiên thu hút đầu tư thành lập các trường đại học, cao đẳng tư thục; từng bước đầu tư nâng cấp các trường đại học, cao đẳng của tỉnh ngang tầm với các trường tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo nhân lực; đổi mới nội dung và phương hướng giáo dục theo hướng hiện đại phù hợp với tình hình thực tế.

Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực

- Tăng cường sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức Trung ương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ nhau trong vấn đề đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực chất lượng cao có hiệu quả nhất.

- Thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác giữa đơn vị đào tạo và dạy nghề của tỉnh Lâm Đồng với cơ sở đào tạo, dạy nghề của thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai,... thông qua các hợp đồng đào tạo theo nhu cầu.

- Tăng cường hợp tác và liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với các trường đại học, cao đẳng ngoài nước có năng lực và uy tín để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

- Tạo điều kiện tham quan, học tập, giao lưu với nước ngoài để kịp thời nắm bắt các thông tin về thị trường, công nghệ... đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh.

Phát triển nhân lực chất lượng cao tỉnh Lâm Đồng là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020 và là chiến lược quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. Quy hoạch, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các thành phần kinh tế và toàn xã hội. Đây là một trong 5 khâu đột phá để phát triển KT-XH đã được xác định tại Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX. Vì vậy, cần thiết phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Lâm Đồng từ nay đến hết năm 2015 và những năm tiếp theo.

TS. Nguyễn Đức Thịnh
UVBTV, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy