“Nên khuyến khích tinh thần tự học cho học sinh, sinh viên”

03:10, 18/10/2012

Là một nhà khoa học lớn của Pháp và thế giới trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử, Giáo sư Tiến sỹ (GS-TS) Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, là một người con tâm huyết với quê hương Việt Nam thông qua nhiều chương trình dự án lớn ông thực hiện trên đất Việt trong nhiều năm qua.

Là một nhà khoa học lớn của Pháp và thế giới trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử, Giáo sư Tiến sỹ (GS-TS) Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, là một người con tâm huyết với quê hương Việt Nam thông qua nhiều chương trình dự án lớn ông thực hiện trên đất Việt trong nhiều năm qua. Nhân dịp ông cùng Giáo sư Odon Vallet lên Đà Lạt để trao học bổng Odon Vallet cho học sinh các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Báo Lâm Đồng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi cùng ông.

Vợ chồng GS-TS Trần Thanh Vân (bên phải) cùng GS Odon Vallet (thứ ba bên phải sang) tại buổi Lễ trao học bổng Odon Vallet tại Đà Lạt tháng 8/2012.
Vợ chồng GS-TS Trần Thanh Vân (bên phải) cùng GS Odon Vallet (thứ ba bên phải sang) tại buổi Lễ trao học bổng Odon Vallet tại Đà Lạt tháng 8/2012.


PV: Thưa Giáo sư, tại buổi lễ phát học bổng Odon Vallet, ông có nói rằng Đà Lạt là nơi ông có rất nhiều kỷ niệm?

GS-TS Trần Thanh Vân: Vâng, tôi sinh ở Quảng Bình đi học ở Pháp năm 1953, lúc tôi 16 tuổi, nhưng như một “duyên nợ”, tôi lại có rất nhiều kỷ niệm với Đà Lạt. Năm 1970, cách đây hơn 42 năm, chúng tôi đã đề nghị với tổ chức quốc tế SOS để xây một ngôi làng trẻ em tại đây. Đó là những năm chiến tranh ác liệt ở miền Nam và số trẻ em mồ côi rất nhiều. Tại Pháp lúc đó, chúng tôi đã thành lập Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam và mong muốn của chúng tôi là xây dựng các ngôi làng cho trẻ mồ côi tại Việt Nam, bắt đầu từ ngôi làng SOS Đà Lạt này.

GS-TS Trần Thanh Vân người quê Quảng Bình, sang Pháp du học năm 16 tuổi và nổi tiếng vì thành tích học tập: ông đứng đầu môn Toán trong kỳ thi tú tài tại Pháp, đỗ cử nhân Đại học Sorbonne năm 22 tuổi, đỗ tiến sĩ quốc gia – học vị tiến sĩ cao nhất Pháp năm 27 tuổi. Ông đã thành lập Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp để xây dựng các làng SOS tại Việt Nam, thành lập tổ chức khoa học Gặp gỡ Việt Nam để đưa các nhà khoa học lớn trên thế giới đến trao đổi, giảng dạy tại Việt Nam; thành lập Quỹ Học bổng Odon Vallet dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam... Hiện nay, ông đang cho xây dựng Trung tâm Khoa học và Giáo dục quốc tế tại Quy Nhơn nhằm đưa các Hội nghị khoa học quốc tế lớn đến Việt Nam.

Để có tiền, chúng tôi vận động các anh chị sinh viên người Việt tại Pháp xuống đường đi bán các thiệp Noel để gây quỹ xây dựng Làng SOS Đà Lạt. Phải 4 năm hoạt động, chúng tôi mới có đủ ngân quỹ (khoảng 500 nghìn đô la Mỹ lúc đó, giá trị rất lớn) để xây dựng Làng SOS Đà Lạt. Ngày 8 tháng 4 năm 1974, ngôi làng đã được khánh thành trong sự hân hoan của mọi người, trong đó có tôi. Với tôi, đây là ngôi làng tượng trưng cho tinh thần “Người Việt Nam giúp cho người Việt Nam”, bằng công sức mồ hôi nước mắt của người Việt, của anh chị em sinh viên Việt bên Pháp và sinh viên Việt bên Mỹ đóng góp. Năm 1994 khi tôi về Việt Nam để tổ chức các lớp Vật Lý, tôi đã chọn Đà Lạt để quảng bá Đà Lạt như một thành phố của tri thức, từ đó đến nay lớp học này đã được tổ chức nhiều nơi tại Việt Nam, không chỉ cho các nghiên cứu sinh người Việt, mà có cả các nước Đông Nam Á chung quanh. Trong tái tim tôi, có lẽ không có thành phố nào chiếm nhiều suy nghĩ, cảm tình hơn là Đà Lạt và ngôi Làng SOS Đà Lạt này.   

PV: Và thành phố này có một vị trí quan trọng trong việc hình thành nên quỹ học bổng Odon Vallet danh tiếng hiện nay tại Việt Nam?

GS-TS Trần Thanh Vân: Vâng, cũng chính từ duyên nợ với Đà Lạt mà Học bổng Odon Vallet mới có như hiện nay. Năm 1989, chúng tôi đã vận động hỗ trợ tài chính để làng SOS Đà Lạt hoạt động trở lại. Việc vận động từ rất nhiều nguồn và chính gia đình GS Odon Vallet đã đóng góp rất nhiều. Thông qua hoạt động này chúng tôi xây dựng tình bạn với GS Odon Vallet. Năm 2000, chúng tôi đã mời GS Odon Vallet đến Việt Nam để thăm Làng SOS Đà Lạt. Lúc ở Hà Nội, vào lúc Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 4 diễn ra, có 2 GS đoạt giải thưởng Nobel là GS Friedman và GS Ramsey trao học bổng cho sinh viên hệ Cử nhân tài năng tại Đại học Quốc gia, GS Odon Vallet đã đến ngỏ ý muốn đóng góp cùng chúng tôi vào chương trình học bổng của Hội Gặp gỡ Việt Nam, thế là Học bổng Odon Vallet được hình thành.

Nhờ lòng hảo tâm của GS Odon Vallet, số học bổng theo chương trình này ngày càng nhiều, từ 450 học bổng năm 2001, tăng lên gấp đôi năm 2002  và đến nay năm 2012 đã tăng lên 2.250 học bổng với trị giá hơn 18 tỷ đồng Việt Nam. Bên cạnh học bổng cho học sinh, sinh viên các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Vinh, Thanh Hóa… chúng tôi còn có nhiều học bổng cho các học sinh giỏi vùng sâu, vùng xa ở Đồng bằng sông Cửu Long, các trường Dân tộc nội trú ở Tây Nguyên, Tây Bắc, từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến tận mũi Cà Mau.

PV: Từ kinh nghiệm thành công của bản thân mình, Giáo sư có nhắn nhủ gì với học sinh, sinh viên Việt trên con đường học tập hiện nay?

GS-TS Trần Thanh Vân: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Từ hằng nghìn năm trước chúng ta đã có Đại học đầu tiên là Quốc Tử Giám, hay Văn Miếu, thành lập trước nhiều Đại học các nước Âu Châu. Bản thân tôi rất hãnh diện và vinh dự được trao học bổng cho các học sinh, sinh viên với lòng mong mỏi rằng đây sẽ là một khích lệ lớn cho các cháu để bay cao hơn, xa hơn trên con đường học vấn, để ngày sau thành tài phụng sự Tổ quốc.

Với tôi, lời khuyên cho các cháu từ kinh nghiệm bản thân là nên cố gắng hơn nữa trong việc tự học. Về Việt Nam, hiện nay, tôi thấy các cháu đi học thêm nhiều quá và điều này theo tôi thật sự không tốt. Nên khuyến khích các cháu tự học, mua sách về đọc, tự mình học thêm, đào sâu kiến thức, chỗ nào không hiểu mới hỏi thầy cô, bạn bè. Tất nhiên tự học luôn có khó khăn, như bản thân tôi chẳng hạn thời đi học có những bài toán cả ngày giải không được, phải đi hỏi người khác, đến khi hiểu ra nó mới thấm vào trong đầu và nhớ rất lâu, mới biến kiến thức đó thành của mình.

PV: Cảm ơn Giáo sư. Chúc ông mạnh khỏe và có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp GD ở Việt Nam.

VIẾT TRỌNG (thực hiện)