Nghĩa tình của giáo viên, học sinh vùng sâu

02:10, 04/10/2012

Nhiều hoàn cảnh khó khăn, cá biệt của học sinh vùng sâu, xa đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các giáo viên, cùng các bạn cùng học trong trường, trong lớp.

Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước, với trên 73% dân số là đồng bào DTTS, nên việc duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng học tập gặp nhiều khó khăn, do điều kiện kinh tế không cho phép, nên nhiều bậc phụ huynh không những không quan tâm đến việc học hành của con em, mà còn “khuyến khích” con em bỏ học để lên nương, lên rẫy phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế.

Trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu Đam Rông nay đã siêng năng đến lớp hơn. Trong ảnh là cảnh các em học sinh ở vùng sâu Đam Rông vui chơi trước sân trường. Ảnh Nguyên Thi
Trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu Đam Rông nay đã siêng năng đến lớp hơn. Trong ảnh là cảnh các em học sinh ở vùng sâu Đam Rông vui chơi trước sân trường. Ảnh Nguyên Thi


Trước thực tế đó, đầu năm 2011 - 2012, Phòng Giáo dục huyện có chủ trương phát động phong trào: Học sinh giúp học sinh, giáo viên giúp học sinh để duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng học tập và lấy hiệu quả của việc giúp đỡ học sinh làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, giáo viên, từng trường học. Thực hiện chủ trương này, 34 trường học trên địa bàn huyện (trong đó có 8 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 7 trường THCS, 2 trường THPT) đã xây dựng kế hoạch và tiến hành phân loại học sinh, làm cơ sở phân công phân nhiệm học sinh và mỗi giáo viên giúp đỡ từ 1 đến 2 học sinh. Trên cơ sở sự phân công của trường, của lớp, các học sinh, giáo viên được phân công đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư, tình cảm của từng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cá biệt, để có biện pháp giúp đỡ mang lại hiệu quả cao.

Chẳng hạn như trường hợp em Rơ Ông K'Thắm, học sinh lớp 8A3, Trường THCS Liêng S'Rônh, gia đình có đến 9 người, chỉ trông mong vào 5 sào cà phê cho năng suất thấp, bấp bênh, không ổn định, nên để có thêm thu nhập bố mẹ K’Thắm phải đi làm thuê, cuốc mướn, không đoái hoài gì đến việc học hành của con cái, đã thế cũng đồng ý cho K’Thắm bỏ học để đi làm thuê cùng bố mẹ. Biết được hoàn cảnh gia đình, các bạn học trong lớp, cùng cô giáo được phân công giúp đỡ đã phối hợp với ban thôn đến tận nhà động viên giúp đỡ tinh thần, lẫn vật chất tận tình, chu đáo.

Cảm động trước sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa đó, bố mẹ K’Thắm đã đồng ý để em trở lại lớp học và bản thân K' Thắm cũng lấy đó làm động lực vươn lên trong học tập. Kết quả, từ một học sinh hay cúp học, bỏ học, thuộc diện học lực yếu, K'Thắm đã vươn lên học khá, được lên lớp 8 trong năm học mới 2012 - 2013.

Hoặc như trường hợp cô giáo Lê Thị Hồng ở Trường THCS Liêng S'Rônh được phân công giúp đỡ 2 học sinh yếu kém của lớp 7A2, Trường THCS Liêng S'Rônh là Rơ Nang Tin và Păng Ting Nhật.  Sau khi tìm hiểu biết được hoàn cảnh gia đình của hai em thật sự khó khăn vì bố mất sớm, ít ruộng vườn, thiếu vốn làm ăn.... cô giáo Hồng đã chủ động phối hợp với cán bộ thôn, đồng thời vận động các em trong lớp cùng đến nhà động viên, thăm hỏi, dùng tiền lương của bản thân mua sách vở, áo quần, gạo, mì tôm, mắm muối... hỗ trợ cho 2 em và gia đình. Sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của cô giáo Hồng, cùng các bạn học sinh và cộng đồng thật sự là một động lực đối với bố mẹ và bản thân các em Rơ Nang Tin, Păng Ting Nhật, nên hai em không còn nghĩ đến chuyện bỏ học, mà nỗ lực “học thầy, học bạn” vươn lên học khá.

Cô giáo Lê Thị Hồng tâm sự: Khi nhận giúp đỡ, mình làm sao để học sinh cảm thấy yêu mến mình như người thân ruột thịt, thì lúc đó mọi lời khuyên, mọi sự động viên, thuyết phục của mình mới được học sinh tiếp thu một cách tự nguyện, chân thành, hăng hái mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Còn với em Păng Ting Nhật, ngoài niềm vui được học khá, lên lớp, em còn niềm vui có được tình cảm ấm áp, chân tình từ cô giáo Hồng, em xúc động phát biểu: “Em nghĩ tình cảm của cô giáo và các bạn sẽ theo em đi hết những năm tháng học phổ thông và là động lực thúc đẩy em vươn lên trong học tập”.

Còn nhiều tấm gương giúp đỡ học sinh như cô giáo Hồng ở ngành Giáo dục Đam Rông, cũng như còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, cá biệt như các em học sinh Rơ Ông K'Thắm, Rơ Nang Tin, Păng Ting Nhật... đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các giáo viên, cùng các bạn cùng học trong trường, trong lớp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm học 2011 - 2012, đã có trên 1.600 học sinh đặc biệt khó khăn, học sinh cá biệt, chậm tiến của huyện đã nhận được sự giúp đỡ của trên 900 cán bộ, giáo viên, cùng hàng trăm bạn học sinh của 30 trường học, để từng bước hòa nhập, vươn lên trong học tập, trong cuộc sống. Nhờ vậy, theo ông Trần Phú Vinh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đam Rông, kết thúc năm học 2011-2012, dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Giáo dục huyện Đam Rông đã đạt được những kết quả rất khả quan, đó là: Các bậc học duy trì sĩ số đạt từ  95,60% đến 99,11%, trong đó duy trì sĩ số đối với học sinh DTTS đạt trên 98,46%; lên lớp thẳng bậc tiểu học đạt  trên 93,26%, bậc THCS đạt 88,36%, bậc THPT đạt 85,48%; tốt nghiệp THPT đạt 91,1%... Đây là cơ sở để trong năm học mới 2012-2013 và những năm học tiếp theo, ngành Giáo dục huyện Đam Rông phát huy cách làm hay, sáng tạo nói trên, nhằm nâng cao hơn tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng học tập.

Hoàng Vương Mỹ