Nhiều dự án lâm nghiệp ở xã B’Lá có biểu hiện sang nhượng trái phép

03:10, 20/10/2012

Trên địa bàn xã B'Lá có các dự án phát triển rừng kết hợp với du lịch sinh thái như của các doanh nghiệp: Kim Hưng, Phát Lâm, La Ba và một số cán bộ của Ban QLRPH Đạmbri nhận khoán QLBV rừng theo Quyết định 178/QĐ-CP của Chính phủ, nhưng từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và nhận khoán đến nay hầu như không tác động tích cực gì đến rừng...

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Lâm Đồng trong buổi làm việc giữa Đoàn với UBND tỉnh đã báo cáo phản ánh của cử tri xã B'Lá, huyện Bảo Lâm rằng: Trên địa bàn xã này có nhiều dự án du lịch sinh thái, nông - lâm kết hợp, trồng rừng nguyên liệu giấy, giao khoán QLBV rừng theo Quyết định 178/QĐ-CP của Chính phủ, nhưng đến nay không những không tác động tích cực gì, mà còn có biểu hiện sang nhượng trái phép để chuyển rừng trồng thành đất vườn trồng cà phê. Mục kích sở tại, chúng tôi thấy những phản ánh của cử tri xã B'Lá hoàn toàn đúng sự thật.

Làm việc với chúng tôi, một lãnh đạo của UBND xã B'Lá cho biết, trên địa bàn xã B'Lá có các dự án phát triển rừng kết hợp với du lịch sinh thái như của các doanh nghiệp: Kim Hưng, Phát Lâm, La Ba và một số cán bộ của Ban QLRPH Đạmbri nhận khoán QLBV rừng theo Quyết định 178/QĐ-CP của Chính phủ, nhưng từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và nhận khoán đến nay hầu như không tác động tích cực gì đến rừng. Vì vậy, hiện nay hai dự án Kim Hưng và La Ba đã bị UBND tỉnh thu hồi giấy phép, Dự án Phát Lâm và một số cán bộ Ban QLRPH Đạmbri vẫn còn được phép tiếp tục đầu tư và nhận tiền chi trả QLBV rừng. Tuy nhiên, do công tác QLBV quá lỏng lẻo, yếu kém đã dẫn đến tình trạng người dân địa phương và các nơi khác đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng khá nghiêm trọng. Trước tình hình đó, một mặt UBND xã đã chỉ đạo Ban Lâm nghiệp xã và các ngành hữu quan của xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, mặt khác xã đã báo cáo với Ban QLRPH Đạmbri và phản ánh nhiều lần trong các cuộc họp HĐND các cấp, thậm chí Đảng uỷ xã cũng đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Nhưng nhìn chung tình hình hiện nay vẫn chưa chuyển biến tích cực như mong muốn.

Đặc biệt nguy hại hơn, năm 2003, Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai được UBND tỉnh cho phép triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn hai xã B'Lá và Lộc Quảng, với diện tích trên 30 ha, trong đó tại thôn 3 xã B'Lá 9 ha. Thực hiện dự án, Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai đã trồng mới, kết hợp với bảo vệ nhiều cánh rừng thông có từ trước buổi đầu rất bài bản, đạt kết quả tốt, rừng thông phát triển rất đẹp, rất phù hợp với nguyện vọng của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao từ đầu năm 2012 đến nay, không chỉ ở địa bàn xã B'Lá, mà cả ở địa bàn xã Lộc Quảng, Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai đã sang nhượng những cánh rừng thông đang phát triển rất tốt cho một số cá nhân, doanh nghiệp tư nhân chặt phá vô tội vạ để lấy đất “rao bán” cho ai có nhu cầu trồng cà phê. Cụ thể, tại xã B'Lá ông Hùng và ông Quang (cán bộ kiểm lâm huyện Bảo Lâm) rao bán với giá 160 triệu đồng/ha, đặt cọc trước 30 triệu đồng, sau khi hoàn thành thủ tục sang nhượng sẽ chồng đủ tiền. Nhiều người dân tại địa phương và một số nơi khác đến muốn đặt cọc tiền mua đất lâm nghiệp trái phép đó, nhưng cán bộ xã kịp thời tuyên truyền, vận động không nên mua, vì như vậy là vi phạm Luật BV - PT rừng. Sau khi cung cấp những thông tin “nóng” nói trên, lãnh đạo UBND xã B'Lá đã đưa chúng tôi đi “thực địa” để chứng kiến cảnh “tàn phá” rừng lấy đất “rao bán” làm vườn trồng cà phê. Tại các tiểu khu thuộc xã B'Lá và vùng giáp ranh giữa hai xã B'Lá và Lộc Quảng, những cánh rừng thông đã bị chặt phá trắng, hoặc đã bị “ken” hàng trăm cây thông chết đứng còn sót như một bằng chứng tố cáo sự phá rừng của những tổ chức, cá nhân thiếu ý thức chấp hành luật pháp. Trước cảnh những cánh rừng thông tốt tươi trước đây được thay thế bằng những “cụm” rừng thông bị khô cháy, những khoảnh đất rộng lớn đã dọn sạch thực bì, chuẩn bị đào hố xuống giống cà phê trên địa bàn xã B'Lá, lẫn địa bàn xã Lộc Quảng, cán bộ xã B'Lá chua xót nhận xét: Thế là công sức của Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai và chính quyền địa phương lẫn người dân có ý thức phát triển, bảo vệ rừng gần 10 năm nay đã “trôi sông, trôi suối” không mang lại lợi ích chung gì cho xã hội. Có chăng, chỉ một vài cá nhân, hoặc một bộ phận nhỏ được thu lợi bất chính, nếu tình trạng phá rừng để lấy đất “rao bán” trồng cà phê này không được kịp thời, quyết liệt ngăn chặn.

Cũng chung với “nỗi niềm” của cán bộ xã B'Lá, chúng tôi có suy nghĩ : Sự việc diễn ra từ đầu năm 2012 đến nay và đã được chính quyền địa phương sở tại báo cáo, phản ánh nhiều lần tại sao các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm không vào cuộc ngăn chặn, xử lý để đến nỗi rừng đã bắt đầu chính thức bị “xoá sổ”, cử tri không còn cách nào khác phải phản ánh với Đoàn Đại biểu Quốc hội. Thôi thì, thà muộn còn hơn không, chúng tôi thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền và các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm cần phải khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Yên - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với Sở NN-PTNT tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Lâm Đồng đầu tháng 10/2012 vừa qua.

Hoàng Vương Mỹ