Niềm vui của những người đi mở đất

04:10, 24/10/2012

Từ những bãi cỏ tranh hoang vu, từ những vũng sình lầy, đầy cỏ gai bụi rậm năm xưa để có một vùng quê Lâm Hà trù phú phát triển hôm nay, chúng ta không thể không nhắc tới công lao và sự hy sinh vất vả của những người đi mở đất thuở trước.

Từ những bãi cỏ tranh hoang vu, từ những vũng sình lầy, đầy cỏ gai bụi rậm năm xưa để có một vùng quê Lâm Hà trù phú phát triển hôm nay, chúng ta không thể không nhắc tới công lao và sự hy sinh vất vả của những người đi mở đất thuở trước. Chứng kiến cảnh đổi thay và phát triển không ngừng của quê mới hôm nay, lòng tự hào và niềm vui sướng đã hiện rõ trên khuôn mặt của những người đi mở đất năm xưa.

Nguyễn Đăng Chấn (bên trái) đang hồi tưởng về nhưng năm tháng đi mở đất
Nguyễn Đăng Chấn (bên trái) đang hồi tưởng về nhưng năm tháng đi mở đất


Đi tiền trạm từ tuổi 16

Sau khi nước nhà được độc lập, non sông liền một dải, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một đoàn viên còn rất trẻ đã xung phong lên đường tiền trạm vào vùng đất mới trên cao nguyên Lâm Đồng. Đó chính là anh Chu Lê Hoa hiện sống tại tổ dân phố Đông Anh 4, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà. Tháng 10 năm 1976, lúc đó mới 16 tuổi nhưng anh Chu Lê Hoa đã có mặt trong đoàn quân tiền trạm của huyện Đông Anh, Hà Nội đến vùng đất mới Nam Ban.

Được sự giới thiệu của cán bộ thị trấn Nam Ban, chúng tôi tìm đến nhà của cựu thanh niên tiền trạm Chu Lê Hoa. Do không hẹn trước nên khi chúng tôi đến anh đang bận rộn trên vườn cà phê trĩu quả chín đỏ, bắt đầu mùa thu hoạch. Chàng trai 16 tuổi đất Hà thành ngày ấy nay tóc đã điểm sương và trên miền quê mới anh đã có một cơ ngơi khang trang, con cái học hành thành đạt. Chia sẻ với chúng tôi anh vui vẻ cho biết: Gia đình anh hiện giờ có gần 0,8 ha cà phê, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Với thu nhập ấy đã đảm bảo cho gia đình anh có của ăn của để, trang trải chi phí cho con cái học hành. Hiện nay 3 người con của gia đình anh đều đang học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Nói về sự đổi thay trên quê hương mới, anh tâm sự: “Trong mơ tôi cũng không thể nghĩ tới một Nam Ban, một Lâm Hà phát triển như ngày hôm nay. Khi mới vào, nơi đây chỉ là một vùng hoang vu, đầy ruồi vàng, muỗi, vắt. Mọi người phải khai phá đất hoang trồng lúa trồng bắp đảm bảo lương thực cuộc sống. Lúc đó đường sá lầy lội đi lại khó khăn và bọn phản động fulro luôn rình rập để phá hoại cuộc sống nơi đây của người dân. Mọi người phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, trồng trọt thì phụ thuộc vào thiên nhiên nên cuộc sống rất cơ cực. Ngày nay, tôi vui mừng không thể tả nổi khi chứng kiến sự đổi thay phát triển của quê hương mới. Bây giờ người dân không chỉ có ăn no mặc ấm mà đã có ăn ngon mặc đẹp. Nhà cửa khang trang không ngừng mọc lên, nhiều gia đình đã sắm được xe hơi và cho con cái học hành thành đạt; những công trình cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân như điện, đường, trường trạm cũng đã được đầu tư xây dựng. Nhìn diện mạo mới của thị trấn Nam Ban ngày nay không ai có thể nghĩ rằng cách đây 36 năm về trước nơi đây là một vùng sình lầy đầy cỏ hoang và bụi rậm. 36 năm mà đã phát triển được như thế này thì chắc chắn trong thời gian tới Nam Ban nói riêng và Lâm Hà nói chung sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là cực kỳ sáng suốt và đúng đắn. Chúng tôi không hối tiếc vì đã gắn bó với miền quê mới từ đó cho tới bây giờ”.

Vui mừng trước sự phát triển của vùng quê mới

Ông Nguyễn Đăng Chấn hiện sống tại thôn Thạch Thất, xã Tân Hà là một trong 5 cán bộ tiền trạm dẫn đầu đoàn tiền trạm của huyện Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ) vào xây dựng cơ sở hạ tầng để đón bà con vào khai phá vùng đất mới tại khu vực Bãi Cháy  - Lán Tranh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông đã tình nguyện xin ở lại và đưa gia đình vào gắn bó với vùng đất này đến bây giờ. Hiện nay, con cái đã trưởng thành và phát triển, cháu chắt đề huề nhưng ký ức những ngày đi mở đất vẫn còn hiện rõ trong ông. Ông kể, tháng 11 năm 1979, ông là Phó Chủ nhiệm hợp tác xã dẫn đầu đưa 50 chủ hộ gia đình của huyện Thạch Thất vào Bãi Cháy - Lán Tranh xây dựng quê mới. Lúc mới vào nơi đây chỉ là một vùng cỏ tranh cháy nham nhở, xung quanh cây cỏ um tùm, đồi núi hoang vu. Cái tên Bãi Cháy cũng xuất phát từ đó. Còn tên gọi Lán Tranh là do khi đoàn quân tiền trạm vào vùng đất này thì đồi núi hoang vu không một bóng người và chỉ thấy vài cái lán lợp bằng cỏ tranh của cơ sở cách mạng ta để lại. Thế nhưng, “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông đã động viên bà con khai hoang vỡ đất, tăng gia sản xuất dần ổn định đời sống. Cảm nhận về cuộc sống trên miền quê mới ông Nguyễn Đăng Chấn cho biết: “Tôi rất vui mừng và phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của vùng quê mới Tân Hà. Hiện nay, trên vùng đất Lán Tranh – Bãi Cháy năm xưa là vùng quê Tân Hà với nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường sạch, đẹp chạy qua các thôn làng, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Con em các gia đình được học tập trong những ngôi trường khang trang, người dân ốm đau đã có Trung tâm Y tế chăm sóc sức khỏe.  Bây giờ nhân dân Tân Hà chúng tôi đang ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới để cho bộ mặt nông thôn Tân Hà không ngừng phát triển”.

Như vậy, từ những vùng sình lầy, đồi núi hoang vu, những người con Hà Nội năm xưa đã hy sinh gian khổ, khai hoang mở đất để cho Lâm Hà bây giờ phát triển phồn thịnh. Hy vọng thế hệ trẻ sau này mãi không quên ơn những người đi mở đất năm xưa để viết tiếp “Hào khí ba sẵn sàng” xây dựng quê hương Lâm Hà ngày càng tươi đẹp hơn.

DUY NGUYỄN