Phận nữ phụ hồ

03:10, 09/10/2012

Có thể nói, phụ hồ là một trong những nghề cực nhọc nhất. Đàn ông có khi còn không chịu nổi, vậy mà nhiều chị em phải chọn công việc nặng nhọc này làm kế sinh nhai.

Bóng dáng của chị em đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các công trường xây dựng. Có rất nhiều lý do để những người phụ nữ chân yếu tay mềm chọn công việc này, dẫu họ ý thức rất rõ công việc nặng nhọc này trước nay vốn chỉ dành cho nam giới.

Vì miếng cơm manh áo, nhiều chị em đã phải chọn nghề phụ hồ làm kế sinh nhai
Vì miếng cơm manh áo, nhiều chị em đã phải chọn nghề phụ hồ làm kế sinh nhai


Có thể nói, phụ hồ là một trong những nghề cực nhọc nhất. Đàn ông có khi còn không chịu nổi, vậy mà nhiều chị em phải chọn công việc nặng nhọc này làm kế sinh nhai. Đến với nghề này, họ cũng phải làm đủ các việc như trộn hồ, sàng cát, xúc bê tông…

Giữa cơn mưa chiều rả rích, chúng tôi đến một ngôi nhà đang xây tại một con hẻm của đường Lê Hồng Phong, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Vì ngoài trời đang mưa nên gần chục người thợ tại đây đang tất bật với công việc tô trát ở phía trong nhà. Trong số đó, có 2 người là phụ nữ đang khom lưng xúc từng xẻng cát trộn hồ. Trộn xong, các chị lại tất bật xách từng xô hồ nặng đến cho thợ xây. Chị Nguyễn Thị Thìn, quê Hương Sơn, Nghệ An cho biết, tại công trình này, chồng chị là thợ chính, còn chị phụ hồ. Hai vợ chồng chị vào thị trấn này đã được hơn 1 năm nay, thu nhập chính cũng từ công việc làm thuê cho các công trình như thế này. Chị nói thêm, ở quê ruộng không có nên để duy trì cuộc sống hàng ngày của gia đình  4 miệng ăn, chị đã theo chồng đi làm nghề này gần chục năm nay.

“Hai vợ chồng làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Tết vừa rồi có người làng cũng đi lập nghiệp ở đây về bảo trong này công thợ phụ cũng gấp đôi công thợ chính ngoài quê nên ăn tết xong, vợ chồng tui quyết định khăn gói vào đây lập nghiệp, 2 con gửi lại cho ông bà nội. Vợ chồng tui tính, mình còn trẻ, chịu khổ cực dăm năm nữa, kiếm ít vốn lận lưng rồi về quê mở quán tạp hoá nhỏ mà buôn bán, chứ cái nghề này cực lắm, không có sức khoẻ thì không thể nào kham nổi. Mà có khoẻ mấy đi nữa thì làm nghề phụ hồ như tụi tui không ai mà không bị đau lưng do cúi nhiều, hay viêm xoang do suốt ngày phải hít phải bụi bặm. Đó là chưa kể tai nạn hay xảy ra khi phải leo cao để chuyển hồ cho thợ xây” - chị Thìn bộc bạch.

Đến nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy có nhiều chị em phụ nữ làm nghề phụ hồ. Chị Lê Thị Bé, 42 tuổi, nhà ở xã Tân Văn, huyện Lâm Hà cho biết, sau nhiều năm làm công nhân tại một công ty chế biến cà phê trên địa bàn, đồng lương ít ỏi nhận được sau cả tháng tăng ca không đủ chi phí cho những sinh hoạt tối thiểu của gia đình, chị đành bỏ nghề và xin làm phụ hồ cho công trình xây dựng từ nhiều năm nay. Hết công trình này, chị lại tìm đến những ngôi nhà đang xây khác để xin vào làm. Tuy nhiên, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng mức lương phụ hồ mà chủ thầu trả cho chị bao giờ cũng kém hơn so với phụ hồ là nam giới từ 15 đến 20 ngàn đồng mỗi ngày. Chị nói: “Làm nghề này cực lắm, phải có sức khoẻ mới có thể dãi nắng dầm mưa ngày này qua ngày khác. Dù thu nhập lúc nào cũng thấp hơn so với nam giới nhưng dù sao vẫn hơn so với trước đây khi đi làm ở công ty cà phê, đi sớm về khuya, chẳng có thời gian mà lo cho con”.

Chị Nguyễn Thị Lan, quê Thanh Hoá, đang làm phụ hồ tại một công trường tại xã N’thol Hạ, huyện Đức Trọng cũng cho hay, lấy nhau đã hơn chục năm nay nhưng nhà chỉ có 2 sào ruộng, vợ chồng chị có cố đến mấy, quanh năm vẫn thiếu trước hụt sau. Cách đây 5 năm, vợ chồng chị bán tất cả ruộng đất khăn gói lên đường vào miền Nam lập nghiệp. Chồng phụ hồ, còn chị, ban đầu mua ve chai, cuộc sống cũng tạm ổn. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người thu mua ve chai ngày một nhiều nên cả ngày rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm, chị cũng chẳng mua được bao nhiêu. Vậy nên, chị quyết định đi theo anh làm phụ hồ. Vốn chịu khó, lại có sức khoẻ nên công việc chị làm rất hiệu quả, được chủ thầu quí mến và thường xuyên gọi đi làm khi có công trình. Thấm thoắt, đến nay chị đã làm nghề phụ hồ được gần 4 năm. Nhờ biết chắt bóp, anh chị đã thoát được cảnh ở trọ và xây được căn nhà cấp 4 rộng 40 m2.

Vì công việc tiếp xúc thường xuyên trong môi trường bụi bặm, nên nhiều chị phụ hồ đã mắc phải những căn bệnh như viêm xoang mãn tính, viêm họng, đau lưng, vữa ăn tay… Không những thế, vì đây là nghề tự do, không được trang bị đồ bảo hộ lao động, không có hợp đồng lao động, nên khi xảy ra tai nạn thì họ phải tự bỏ tiền mua thuốc men, có khi còn bị mất việc do nghỉ lâu ngày nên chủ thầu phải tìm người khác thay thế. Mối lo về sức khoẻ thực sự đã làm nặng lòng thêm đối với các chị trên đường mưu sinh. Nhưng vượt lên tất cả những nhọc nhằn đó, là niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình, cho các con và cho chính bản thân mình.

Thy Vũ