Phát triển gắn liền với bảo đảm an toàn hoạt động bưu chính - viễn thông

03:10, 07/10/2012

Với những tiện ích trong hoạt động bưu chính - viễn thông, các thế lực thù địch và các loại tội phạm đã triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, đi đôi với việc phát triển, công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính - viễn thông là một nhiệm vụ hết sức quan trọng…

Với những tiện ích trong hoạt động bưu chính - viễn thông, các thế lực thù địch và các loại tội phạm đã triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, đi đôi với việc phát triển, công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính - viễn thông là một nhiệm vụ hết sức quan trọng…

Tính đến tháng 7/2012, toàn tỉnh Lâm Đồng có 42 bưu cục; 110 điểm bưu điện văn hoá xã, 241 đại lý bưu điện. Hệ thống thông tin liên lạc trải rộng khắp địa bàn tỉnh với phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại: mạng truyền dẫn đã được số hoá 100% bằng viba và cáp quang, có dung lượng lớn, chất lượng tốc độ cao. Đặc biệt là đã xây dựng phương án kỹ thuật tổng thể bố trí lại các thiết bị kỹ thuật truyền dẫn, các kênh luồng, các tuyến thông tin theo hướng vu hồi và dự phòng bằng hai phương án viba - cáp quang. Mạng chuyển mạch gồm 185 điểm, bán kính phục vụ 4,1 km/điểm; mạng truyền dẫn 7 tuyến cáp quang liên tỉnh, 181 tuyến nội tỉnh; mạng ngoại vi với tổng chiều dài 7.785 km, trong đó có 3,717 km cáp ngầm; mạng di động gồm 1.706 trạm phát sóng di động, trong đó có 637 trạm 3G. Toàn tỉnh có 211.844 thuê bao điện thoại cố định, 1.644.496 thuê bao di động và 63.147 thuê bao internet. Thực hiện chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, từ năm 1995, tỉnh Lâm Đồng bước đầu trang bị máy vi tính để xử lý văn bản, ứng dụng phần mềm trong quản lý nội bộ, kế toán. Đến năm 1998, toàn tỉnh có 32 cơ quan, đơn vị, cá nhân có kết nối internet.

Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an toàn hoạt động bưu chính - viễn thông.
Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp bảo đảm an toàn hoạt động bưu chính - viễn thông.

Từ năm 2000 trở lại đây, công nghệ thông tin phát triển mạnh, đến nay 100% các huyện, thành phố trong tỉnh đã kết nối internet băng thông rộng; 100% các cơ quan Đảng, UBND tỉnh, các sở, ngành, Huyện uỷ, UBND huyện đã kết nối mạng cục bộ (LAN) và mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được những kết quả tích cực như: hệ thống văn phòng điện tử được triển khai và đưa vào sử dụng tại 40 cơ quan, đơn vị Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cơ chế một cửa tại UBND thành phố Đà Lạt, UBND huyện Đức Trọng, UBND huyện Đạ Tẻh; đã mở 3.500 địa chỉ thư điện tử công vụ; xây dựng, nâng cấp, mở rộng cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của các sở, ngành; xây dựng 15 điểm cầu truyền hình trực tuyến trên địa bàn tỉnh phục vụ hội nghị… góp phần phục vụ kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với địa phương và của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đối với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Với những tiện ích của bưu chính - viễn thông, những năm gần đây, các thế lực thù địch đã triệt để khai thác và sử dụng mạng bưu chính để tán phát tài liệu có nội dung chính trị xấu; lợi dụng viễn thông, công nghệ thông tin, nhất là điện thoại di động và mạng internet để tuyên truyền kích động chống đối Nhà nước. Các loại tội phạm hình sự lợi dụng dịch vụ bưu chính - viễn thông để vận chuyển buôn bán hàng quốc cấm với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi hơn; tội phạm công nghệ cao sử dụng mạng internet, điện thoại di động để hoạt động phạm tội như: cá độ bóng đá qua mạng, nhắn tin khủng bố, chiếm đoạt quyền điều khiển, thay đổi nội dung trang web, tán phát virus gây hại…

Trước diễn biến phức tạp đe doạ sự an toàn hoạt động hệ thống bưu chính - viễn thông, lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông, Bưu điện tỉnh và Công ty Viễn thông Lâm Đồng luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và xác định công tác bảo đảm an toàn hoạt động bưu chính - viễn thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Trong hoạt động bưu chính, việc tiếp nhận, vận chuyển và giao công văn, tài liệu cho các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, trang bị phương tiện đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy. Trong hoạt động viễn thông luôn đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin an toàn, thông suốt; các mục tiêu như: tổng đài điện thoại, tổng đài truyền số liệu, các trạm viba, trạm thu phát sóng điện thoại di động, các máy chủ, các mạng cục bộ, cổng thông tin điện tử, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thư điện tử công vụ… được bảo vệ chặt chẽ. Đồng thời, Sở Thông tin - Truyền thông, Bưu điện tỉnh và Công ty Viễn thông Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng bưu chính - viễn thông gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Từ năm 2006 đến nay, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và công an các huyện, thành phố đã điều tra làm rõ 208 vụ cắt phá đường dây thông tin liên lạc và trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tiền tại các bưu cục; xử lý 132 vụ xe tông đổ trụ cáp điện thoại; 5 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền cước điện thoại của các mạng dịch vụ; 1 vụ đánh cắp mạch khẩu để tống tiền doanh nghiệp; hàng chục vụ nhắn tin khủng bố qua điện thoại di động, tán phát tài liệu có nội dung xấu trên mạng internet…

Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã giúp Bưu điện tỉnh và Công ty Viễn thông Lâm Đồng củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ cơ quan và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trên 30 lượt bảo vệ chuyên trách, 70 lượt đội viên phòng cháy chữa cháy; xây dựng các phương án bảo vệ mục tiêu trọng điểm, phương án phòng chống cháy nổ và nội quy bảo vệ cơ quan.

LÊ HỮU TÚC