Qua 2 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Lâm Đồng

02:10, 16/10/2012

Kể từ ngày 4/1/2010, việc tiếp nhận đăng ký và giải quyết các thủ tục về hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ BHTN đã được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện theo đúng quy định...

Kể từ ngày 4/1/2010, việc tiếp nhận đăng ký và giải quyết các thủ tục về hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ BHTN đã được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện theo đúng quy định. Qua hơn 2 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia BHTN cho người lao động, qua đó, góp phần hỗ trợ cho người lao động khi mất việc làm được trợ cấp để duy trì được cuộc sống và tìm kiếm công việc mới.

Người lao động thất nghiệp đến để được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm
Người lao động thất nghiệp đến để được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm


Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến hết quý II năm 2012, tổng số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng tham gia BHTN là 2.346 đơn vị; trong đó, số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã tham gia BHTN là 1.474 đơn vị, đạt 63%. Số người ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và không xác định thời hạn là hơn 85.000 người; trong đó, đã tham gia BHTN là hơn 55.000 người, đạt 65%. Tính đến 11/9/2012, tổng số người đăng ký thất nghiệp là 5.824 người, tỷ lệ người đăng ký thất nghiệp năm 2011 tăng 95% so với năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp tính đến thời điểm trên tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, lao động thất nghiệp theo giới tính, thì lao động nữ chiếm tỷ lệ cao hơn lao động nam (58%/41%). Nguyên nhân là do phần lớn lao động nữ nghỉ việc vì những lý do như thai sản, con nhỏ hoặc tự kinh doanh và buôn bán nhỏ… Lao động thất nghiệp theo lứa tuổi, trình độ thì lao động phổ thông vẫn chiếm nhiều nhất (78%), và độ tuổi từ 25 – 40 tuổi. Trong 2 năm qua, lao động thất nghiệp nhiều nhất tập trung ở hai thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc (Đà Lạt 38% và Bảo Lộc 27%), ít nhất là tại huyện Đam Rông với 0,05%. Thất nghiệp theo dân tộc nhiều nhất là dân tộc Kinh, chiếm 95%; dân tộc thiểu số 4,2%, chủ yếu là K’Ho, Hoa, Tày, Nùng… tập trung ở các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Thất nghiệp chủ yếu theo ngành công nghiệp (thú nhồi bông, dệt len, lụa tơ tằm, chế biến trà, cà phê…) và ngành nông nghiệp (trồng chè, rau, hoa...).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình hình thất nghiệp trên là do thời gian gần đây, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, thay đổi trụ sở làm việc, ngừng hoạt động hoặc giải thể… Các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, năng lực sản xuất yếu, đấu tư vốn ít…, nên người lao động nghỉ việc ngày càng tăng. Tính đến nay, đã có 393 đơn vị, doanh nghiệp có lao động thất nghiệp (trong đó, công ty TNHH chiếm 40%, công ty cổ phần chiếm 28%, đơn vị Nhà nước chiếm 17%, DNTN chiếm 12%). Trong đó, thất nghiệp tự nguyện chiếm 82%, thất nghiệp hết thời hạn hợp đồng lao động 2%, thất nghiệp do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất 13%, thất nghiệp bị sa thải kỷ luật 1%. Năm 2011, tổng số người có quyết định hưởng BHTN là 2.375 người, tổng số người có quyết định hưởng BHTN lũy kế từ đầu năm 2012 là 2.020 người. Mức trợ cấp thất nghiệp bình quân hàng tháng của người đang hưởng TCTN năm 2012 là 1.196.000 đồng, trong đó, số lượng người có mức TCTN từ mức 4 triệu – 10 triệu đồng/tháng là 45 người. Trong tổng số lao động thất nghiệp trên, trong năm 2012, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.660 người, trong đó, có 91 người được giới thiệu việc làm mới.

Tuy nhiên, một số đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nắm chưa kỹ chính sách BHTN, dẫn đến việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và chốt sổ BHXH cho người lao động chưa kịp thời. Bên cạnh đó, vẫn còn lao động chưa hiểu rõ về điều kiện để hưởng BHTN, quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình hưởng TCTN nên vẫn làm hồ sơ để hưởng TCTN trong khi đã có việc làm và không thông báo việc làm hàng tháng  theo quy định với Trung tâm Giới thiệu việc làm. Mặt khác, chính sách BHTN về hỗ trợ học nghề không đảm bảo được cho người lao động vì thời gian học nghề ngắn hạn, việc làm mới không có sức hấp dẫn so với công việc trước đây. Do đó, việc thực hiện chính sách BHTN chỉ mới thực hiện được vấn đề chi trả trợ cấp, chưa thực sự hiệu quả trong việc hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm mới cho người lao động. Vì vậy, để chính sách BHTN thực sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi bị mất việc làm thì cần có sự thay đổi phù hợp như tăng thời hạn đăng ký và nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp, mở rộng tới nhiều đối tượng… Nhưng cần thiết nhất là phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện Luật BHXH, trong đó, có quy định về BHTN ở các đơn vị sử dụng lao động.

HÀ LINH