Tận tâm với học sinh vùng sâu

04:10, 10/10/2012

Không ngừng tìm tòi cách dạy phù hợp với trình độ học sinh vùng nông thôn nên nhiều năm gần đây, một giáo viên tại Cát Tiên đã liên tục đào tạo ra các lứa học sinh giỏi cấp tỉnh cho huyện.

Không ngừng tìm tòi cách dạy phù hợp với trình độ học sinh vùng nông thôn nên nhiều năm gần đây, một giáo viên tại Cát Tiên đã liên tục đào tạo ra các lứa học sinh giỏi cấp tỉnh cho huyện.

Thầy giáo Nguyễn Thành Phước
Thầy giáo Nguyễn Thành Phước

Đó là thầy giáo Nguyễn Thành Phước, giáo viên dạy Toán - Tin học Trường Trung học cơ sở Đồng Nai, Cát Tiên. Sinh năm 1980, người quê Bình Định, từ nhỏ đã cùng cha mẹ vào lập nghiệp trên vùng quê mới Cát Tiên. Năm 2001, Nguyễn Thành Phước tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt về công tác tại Trường THCS Đồng Nai đến nay và hiện là tổ trưởng chuyên môn Toán Tin - Lý, Công nghệ của trường.

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi trong trường bắt đầu từ năm 2006 với thầy giáo trẻ. Đó là năm trong lớp dạy Toán của mình có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Chỉ là giải ba và giải khuyến khích, nhưng đây là những giải cấp tỉnh về Toán đầu tiên của trường và rất lâu ngành GD Cát Tiên mới lại có được. Với nhiều trường ở vùng đô thị việc học sinh đoạt được giải tỉnh có thể là một chuyện bình thường, nhưng ở vùng sâu như Cát Tiên đây lại là một sự kiện, một điều đáng khích lệ với học sinh nơi đây.

THCS Đồng Nai, nơi thầy Phước dạy học, dù nằm ngay phố huyện Cát Tiên, nhưng bao quanh vẫn là ruộng đồng. Hầu hết học sinh của trường là con em của nông dân. Học sinh nông thôn, như thầy Phước nhận xét, ngoan, chịu khó, nhưng đâu có được điều kiện như học sinh thành phố. Đi học thì thôi, về nhà phải phụ giúp gia đình. Hầu như ít có chuyện học thêm. Tại trường, lâu nay vẫn tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh, nhưng chủ yếu là dành cho học sinh yếu. Việc chọn lọc bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường cũng làm, nhưng cho có lệ vì xác xuất đậu không cao.

Để cải thiện việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của trường, thầy Phước tìm cách nâng dần trình độ các em thông qua việc chọn lựa bài tập phù hợp với sức học. Hằng ngày, trong những lúc rảnh, thầy giáo trẻ bỏ thời gian để tìm kiếm, chọn lọc bài tập trên mạng, hỏi các đồng nghiệp trong tỉnh, trong nước. Học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, với mục tiêu là tìm ra một cách dạy phù hợp cho học sinh ở vùng nông thôn. “Nhiều em học ở trường về nhà bận quá bỏ cả sách vở, không có thời gian ôn bài, làm bài tập, bài tập trong sách làm không xong nói gì đến bài tập làm thêm, bài tập nâng cao” -Thầy Phước cho biết. Vấn đề chính theo thầy, là khuyến khích, tạo động lực để các em chịu học và tự học, tự làm bài tập, tạo ra sự yêu thích môn Toán vốn khô khan với con số. Và dần dần thầy đã làm được.  

Không chỉ bồi dưỡng tại lớp, với những học sinh khá trong trường muốn học thêm, thầy Phước còn kèm miễn phí cho các em tại nhà mình. Để động viên các em đến lớp bồi dưỡng, thầy Phước đến nhà vận động phụ huynh, nhờ phụ huynh tạo điều kiện giảm bớt việc nhà để các em có thời gian học tập. Bài tập ở nhà của từng học sinh được thầy kiểm tra kỹ, hướng dẫn gợi ý chi tiết.

Không phụ công sức người thầy giáo trẻ tận tâm bỏ ra, từ năm 2006 đến nay, hầu như năm nào Trường THCS Đồng Nai cũng có thành viên trong lớp bồi dưỡng Toán của thầy Phước đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Trong năm học vừa qua, học sinh của thầy Phước cũng đoạt Huy chương Bạc trong kỳ thi V. Olympic giải Toán qua mạng.

“Đây là những nỗ lực rất quí trong việc đào tạo học sinh giỏi cho trường, cho huyện” - bà Nguyễn Kim Chi, Phó Phòng Giáo dục (GD) Cát Tiên cho biết.

Với thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Phước, đây chỉ là một công việc bình thường của một người chọn nghề giáo. “Học sinh nơi đây vẫn có rất nhiều em giỏi, vấn đề là làm sao chúng ta động viên, phát huy được năng khiếu đó của các em, tạo điều kiện cho các em phát triển”. Với thầy Phước, “đã làm là phải cố gắng làm cho tốt công việc của mình”. Chính sự tận tâm của thầy, đã dần thu phục được các em và dần tạo ra những lớp học trò giỏi. Phải chăng, để nâng chất lượng giáo dục vùng sâu, để xoá dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa nông thôn và đô thị, mọi việc bắt đầu từ những người thầy tận tâm như thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Phước.

Gia Khánh