Tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số

03:10, 10/10/2012

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21% dân số Lâm Đồng, trong đó dân tộc gốc bản địa chiếm 17%. Hiện nay, tổng số cán bộ nữ dân tộc thiểu số là 865 người (chiếm 3,4% số cán bộ nữ toàn tỉnh) đang công tác ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp và ở tuyến xã.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21% dân số Lâm Đồng, trong đó dân tộc gốc bản địa chiếm 17%. Hiện nay, tổng số cán bộ nữ dân tộc thiểu số là 865 người (chiếm 3,4% số cán bộ nữ toàn tỉnh) đang công tác ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp và ở tuyến xã.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương III (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, xuất phát từ yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã thành lập tiểu ban công tác cán bộ nữ, xây dựng chương trình hành động triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực ở các cấp các ngành về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số.

Cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia HĐND các cấp đạt 2,2% (so với năm 2000 tăng 1,5%); tham gia cấp uỷ đạt 1,3% (so với năm 2000 tăng 0,7%). Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng tại các địa phương, đơn vị như: Hội LHPN tỉnh, UBND huyện Đức Trọng, HĐND huyện Di Linh; có 7 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia cấp uỷ huyện và tương đương ở Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đam Rông, Đảng uỷ khối Doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Long - Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết: Trong công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ, thực hiện các quy định của Trung ương về xây dựng quy hoạch cán bộ các cấp, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ và cán bộ nữ dân tộc thiểu số, chú ý rà soát, tạo nguồn cán bộ này để đưa vào quy hoạch, đảm bảo tỉ lệ hợp lý trong cơ cấu, bộ máy tổ chức. Chú trọng xây dựng đội ngũ nữ cán bộ khoa học, lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đảm bảo tăng tỉ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số trong các cơ quan lãnh đạo các cấp. Phấn đấu đến năm 2020, trong hệ thống các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể đều có sự tham gia của cán bộ nữ dân tộc thiểu số.

Kết quả quy hoạch cán bộ nữ dân tộc thiểu số vào các chức danh lãnh đạo thời gian qua như sau: cấp tỉnh đạt 2,1%, cấp huyện 3% và cấp xã 4,6%. Mặc dù các địa phương đều quan tâm đến việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số nhưng kết quả đạt thấp do 3 nguyên nhân: Thiếu nguồn cán bộ để đưa vào quy hoạch; nhận thức về công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở một số cấp uỷ và ban ngành đoàn thể chưa đồng đều; một bộ phận cán bộ nữ dân tộc thiểu số còn tâm lý tự ti, trông chờ ỉ lại, thiếu sự nỗ lực phấn đấu.

Công tác đào tạo cán bộ nữ dân tộc thiểu số từ năm 2000 đến nay có 155 người được đào tạo về chuyên môn (đại học, cao đẳng 45 người; trung cấp 110 người), về lý luận chính trị (cao cấp, cử nhân: 55 người, trung cấp 125 người). Có 1.425 người tham gia các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc Cơ ho, chuyên viên, chuyên viên chính, các lớp bồi dưỡng chuyên ngành…

Nói về vai trò của cán bộ nữ dân tộc thiểu số, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, việc quy hoạch đào tạo cán bộ nữ dân tộc thiểu số phải ở độ tuổi sớm hơn so với quy hoạch cán bộ nữ nói chung. Mặc dù không phải tạo vườn ươm riêng, nhưng vấn đề cần quan tâm là cán bộ nữ dân tộc thiểu số khi được đào tạo tốt nên quay về làm “chiếc rễ cái” (nhân tố tích cực) trong cộng đồng. Bà Ninh nói: “Tôi không quan tâm lắm cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Nội, Tp.HCM, quan trọng họ ở cộng đồng có giỏi, có đông, có kéo đồng bào phát triển. Đảng, Nhà nước phải tiếp sức nâng đỡ chị em cán bộ nữ dân tộc thiểu số cố gắng hướng về cộng đồng để làm hạt giống gieo mầm trong cộng đồng, lúc đó chị em mới làm hết trách nhiệm của người nữ lãnh đạo, quản lý.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, để làm tốt công tác cán bộ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian tới, trước hết phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đúng vị trí, vai trò của cán bộ nữ dân tộc thiểu số ở các cấp, các ngành. Cần quy định một tỉ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số bắt buộc tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương… Đẩy mạnh hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo, quản lý và bố trí phù hợp. Hàng năm, tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, trong đó quy định tỉ lệ, cơ cấu cán bộ nữ. Tích cực chủ động và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ dân tộc thiểu số từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở. Thu hút nữ sinh viên dân tộc thiểu số về công tác lâu dài tại địa phương.

AN NHIÊN