Luật Bảo hiểm Y tế - do Quốc hội khoá XII nước ta thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 14/11/2008 - đã được đưa ra thi hành gần 4 năm nay và hiện nay cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu hoàn thành việc bảo hiểm y tế cho toàn dân...
Luật Bảo hiểm Y tế - do Quốc hội khoá XII nước ta thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 14/11/2008 - đã được đưa ra thi hành gần 4 năm nay và hiện nay cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được mục tiêu hoàn thành việc bảo hiểm y tế cho toàn dân. Bên cạnh đó, ngày 7/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38 về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới nhấn mạnh việc tham gia bảo hiểm y tế là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người đang khoẻ mạnh... Còn ở tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã ban hành Kế hoạch số 62 ngày 18/11/2009 triển khai thực hiện Chỉ thị 38 nói trên với một trong những nhiệm vụ và giải pháp chính là phát động cuộc vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế bắt buộc đối với toàn dân và cần định hướng tuyên truyền một cách cụ thể, rõ ràng, mang tính thường xuyên và liên tục...
Thế nhưng, cho đến nay, số lượng tham gia bảo hiểm y tế ở tỉnh ta mới là 689.719 người trên tổng số dân 1.218.619 người nên chỉ chiếm tỷ lệ 56,6% là thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước là 64%... Trong số 21 đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì có 12 đối tượng tham gia đạt được tỷ lệ là 100% như cán bộ không chuyên trách cấp xã, thân nhân người có công... cũng như người nghèo, dân tộc thiểu số đã được Nhà nước đài thọ... Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng chưa đảm bảo tham gia bảo hiểm đầy đủ, như trong các doanh nghiệp tỷ lệ tham gia mới đạt từ 86% trở lên, ở các hợp tác xã thì mới đạt 79% và đặc biệt là một số đối tượng đáng lẽ ra phải tham gia toàn bộ như học sinh, sinh viên nhưng chỉ mới đạt 59%, thậm chí còn có một số đối tượng tham gia rất ít như bảo hiểm y tế tự nguyện mới đạt có 9,2% và đặc biệt là người cận nghèo tham gia mới đạt tỷ lệ 2,9% mặc dù từ ngày 1/6/2012 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định hỗ trợ 70% mức đóng cho đối tượng này mua bảo hiểm y tế...
Những kết quả nêu trên cho thấy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, từng loại đối tượng nói riêng tham gia bảo hiểm y tế thời gian qua còn hạn chế, chưa sâu rộng và nhất là chưa tác động thật sự đến một số đối tượng cần thiết như các hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên và nhất là làm sao cho người dân nhận thức được là cần mua bảo hiểm y tế tự nguyện để được chăm sóc sức khoẻ, được chữa trị bệnh khi đau ốm, nhất là hiện nay khi các dự phí về y tế đã tăng lên... Về nguyên nhân thì cũng có nhiều, khách quan có, chủ quan có, nhưng điều đáng nói là hiện nay về mặt tâm lý người dân cũng còn những vấn đề đáng quan tâm như nhiều người chưa thật sự yên tâm về chất lượng khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế; nhiều người còn cho rằng đi khám bảo hiểm y tế là mất thời gian nên có khi tìm cách chữa trị khác cho sớm để còn đi làm ăn, còn lo công chuyện... nên có khi ráng cạo gió, chích lẻ hoặc kiếm nồi lá để xông hoặc cách nhanh nhất là ra tiệm thuốc mua vài viên thuốc uống cho rồi, thậm chí ở một số vùng sâu, vùng xa còn có người tìm đến thầy mo, thầy cúng để xin được chữa bệnh theo kiểu mê tín, dị đoan... mà không đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mặc dù mạng lưới khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay rất đa dạng với 18 cơ sở y tế nhà nước, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 trung tâm tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế các huyện và thành phố; 1 phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp của Học viện Lục quân; 4 y tế cơ quan doanh nghiệp và Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ Đà Lạt, và thực tế cho thấy tỷ lệ bệnh nhân khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng dần từng năm ở cả khu vực ngoại trú và nội trú từ 51,6% năm 2009 lên 54,1% năm 2010 và 60,3% năm 2011...
Điều đó cho thấy trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm y tế làm sao cho tất cả mọi người hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế - một chính sách xã hội nhân đạo có vị trí, vai trò và ý nghĩa nhân văn sâu sắc với tinh thần "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp uỷ Đảng và các cấp chính quyền đối với công tác này. Và quan trọng hơn hết là phải quan tâm thật sự đến vấn đề y đức, chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp với quyết tâm đẩy mạnh việc thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để có thể chấm dứt không còn thái độ phân biệt đối xử với người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cùng với việc chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế đi đôi với tạo nguồn kinh phí nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh cũng như đảm bảo hoạt động của ngành... Và thực hiện tốt bảo hiểm y tế cũng chính là góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI mà các địa phương đang tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện.
Bùi Thanh Long