Nỗ lực thu hút độc giả, xây dựng xã hội đọc

03:10, 03/10/2012

Được thành lập từ năm 1976, suốt một chặng đường dài là những bước đi thăng trầm, dù văn hoá đọc có lúc tưởng chừng bị mai một, nhưng Thư viện Đức Trọng đã khẳng định vị trí là một trường học thứ 2 thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục ngoài nhà trường của nhiều thế hệ bạn đọc trong huyện.

Được thành lập từ năm 1976, suốt một chặng đường dài là những bước đi thăng trầm, dù văn hoá đọc có lúc tưởng chừng bị mai một, nhưng Thư viện Đức Trọng đã khẳng định vị trí là một trường học thứ 2 thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục ngoài nhà trường của nhiều thế hệ bạn đọc trong huyện.

Cơ sở vật chất mới có không gian phù hợp với văn hoá đọc
Cơ sở vật chất mới có không gian phù hợp với văn hoá đọc


Với nguồn đầu tư 2 tỷ đồng, Thư viện Đức Trọng được xây mới khang trang với thiết bị, kệ sách hoàn toàn mới tại trung tâm văn hoá huyện, gần các trường học thay cho ngôi nhà cũ ở phía cuối thị trấn Liên Nghĩa, từ 2 năn nay đã thuận lợi cho bạn đọc đến với thư viện. Hệ thống kho mở được bài trí với những kệ sách gần gũi với bạn đọc. Tường kính tạo không gian thoáng đãng, đầy đủ ánh sáng phù hợp với một không gian đọc sách, đồng thời tốt cho việc bảo quản kho sách tránh ẩm mốc.  

Xác định vốn tài liệu là yếu tố quan trọng nhất thu hút bạn đọc đến với thư viện, nên nguồn sách, báo luôn được quan tâm bổ sung. Mỗi năm, ngân sách được cấp chỉ từ 50-60 triệu đồng (ngân sách huyện cấp 25 triệu đồng, còn lại là sách được hỗ trợ từ các nguồn khác từ Bộ Văn hoá, Thư viện tỉnh); với số tiền ít ỏi, giá sách, báo ngày càng cao, đầu sách phát hành trên thị trường ngày càng nhiều, các thủ thư đã thận trọng trong việc lựa chọn sách báo bổ sung. Từ ý kiến đóng góp của hội nghị bạn đọc, hiểu được nhu cầu, sở thích của độc giả và dựa trên đặc điểm KT – XH của địa phương, phù hợp với xu thế phát triển, thư viện đã chọn tài liệu bổ sung phù hợp, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, thư viện đã bổ sung 764 bản sách, trị giá 32 triệu đồng; trong đó, các nhà xuất bản tặng 31 bản, Thư viện tỉnh hỗ trợ 76 bản, Bộ VH-TT-DL hỗ trợ chương trình mục tiêu 237 bản, hội văn học dân gian 270 bản… Tính đến hết tháng 9/2012, tổng kho sách Thư viện Đức Trọng có 32.210 bản, 13 đĩa CD-Rom,  30 loại báo và tạp chí.

Ngoài đọc sách tại chỗ, thư viện còn phục vụ cho bạn đọc mượn sách về nhà. Những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim nhất của Thư viện Đức Trọng. Có năm số thẻ cấp cho bạn đọc lên tới vài ngàn. Sự phát triển của công nghệ thông tin, số bạn đọc cũng giảm, hiện tại hàng năm thư viện đã cấp được gần 1.000 thẻ cho bạn đọc. Trong 9 tháng đầu năm, thư viện đã cấp 880 thẻ, trong đó người lớn 391 thẻ, thiếu nhi 489 thẻ để phục vụ cho nhu cầu mượn sách về nhà. Vào mùa hè, thư viện thu hút rất đông bạn đọc là thiếu nhi, trung bình mỗi ngày trên 100 lượt, trong đó nhiều bạn đọc có niềm đam mê với sách, tích cực đọc, tích cực tìm hiểu đã thực sự là hạt nhân làm cho văn hoá đọc tiếp tục được duy trì, lan toả. Từ đầu năm đến nay, thư viện đã phục vụ 27.370 lượt bạn đọc, mượn sách báo, tạp chí với 88.660 lượt sách báo tạp chí được luân chuyển; trong đó, người lớn 10.298 lượt người với 23.705 lượt sách, thiếu nhi 7.494 lượt em với 39.101 lượt sách luân chuyển và 25.806 lượt báo chí phục vụ.  Để phục vụ lượng bạn đọc lớn như vậy, 3 cô thủ thư có tâm huyết đã làm việc tận tuỵ với tinh thần trách nhiệm cao, phục vụ bạn đọc chu đáo. Để bạn đọc có nhiều thời gian đến với sách, thư viện phục vụ cả ngày thứ 7.

Không ngừng đưa sách đến gần bạn đọc, Thư viện Đức Trọng đã tăng cường xây dựng mạng lưới 22 thư viện cơ sở, trong đó có 13 thư viện  tại các điểm bưu điện văn hoá xã, 1 thư viện xã, 1 thư viện cụm xã, 1 trường Quân sự địa phương; 5 thư viện trường học  và 1 thư viện nhà thờ. Mỗi thư viện cơ sở có trung bình từ  2.500 – 3.000 bản sách và 3 loại báo, tạp chí. Đều đặn hàng tháng, hàng quý thư viện phối hợp với ngành bưu điện huyện thực hiện luân chuyển sách tới từng địa bàn, mỗi đợt luân chuyển từ 150 - 200 bản/cơ sở.

Cùng với công tác phục vụ bạn đọc, thư viện còn tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: thường xuyên trưng bày, triển lãm sách báo theo chuyên đề những ngày lễ lớn trong năm và những sự kiện trọng đại của địa phương. Tổ chức thi “Tìm hiểu về sách”, Ngày hội đọc sách, “Thi kể chuyện theo sách” với quy mô và chất lượng cao được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi hưởng ứng. Giới thiệu các bộ luật mới, giới thiệu những cuốn sách hay bổ ích, sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi…

Để nguồn sách cho bạn đọc ngày càng phong phú, thư viên đã phát động phong trào quyên góp “Góp một cuốn sách để đọc nhiều cuốn”. Các độc giả đều nhiệt liệt hưởng ứng đóng góp theo sức mình, nhiều độc giả tặng hơn 1.000 bản sách thiếu nhi, có độc giả còn tặng cả tủ sách gia đình, với nhiều sách chọn lọc quý cho thư viện. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Thư viện ĐứcTrọng đã xây dựng nên một xã hội đọc, biết trân trọng giữ gìn sách. Từ những năm 90/XX đến nay, Thư viện Đức Trọng luôn khẳng định vị trí là đơn vị dẫn đầu hệ thống thư viện huyện ở Lâm Đồng, đồng thời là thư viện cấp huyện kiểu mẫu của cả nước được tham luận báo cáo điển hình, nhiều đoàn khách đã đến tham quan học hỏi kinh nghiệm hoạt động. Thư viện được nhận nhiều bằng khen của Bộ Văn hoá thông tin và nay là Bộ VH-TT-DL.

THÁI AN