Tính khả thi của dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng

03:10, 30/10/2012

Việc chủ đầu tư chưa tác động gì đến quy hoạch dự án đã gây nhiều tâm lý hoài nghi trong dư luận tại địa phương về tính khả thi của dự án.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000506 của UBND tỉnh ngày 30/7/2009, Dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư tại khu vực tiếp giáp giữa phường Lộc Tiến và xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, có tổng diện tích 520.000m2 (52 ha), gồm nhiều hạng mục công trình như: Nhà điều hành trung tâm, văn phòng khoa, khối giảng đường, hội trường, thư viện, quảng trường trung tâm, sân khấu ngoài trời, ký túc xá sinh viên, nhà công vụ, khối phục vụ, sân vận động, xưởng thực tập, phòng thực nghiệm, các công trình phụ... có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, với quy mô đào tạo 12.000 sinh viên/năm. Thời hạn đầu tư 50 năm, phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn: 2009-2012 hoàn thiện thủ tục đầu tư và hoàn thành khối nhà trung tâm, khối lớp học đầu tiên để phục vụ việc tuyển sinh khóa đầu tiên của các ngành học. Từ năm 2012-2014, hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa dự án đi vào hoạt động ổn định, phát huy tác dụng cao trong đời sống xã hội tại địa phương.

Dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng sau 4 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện vẫn là một vùng đất đầy cây cỏ và chè
Dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng sau 4 năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện vẫn là một vùng đất đầy cây cỏ và chè


Để có toàn bộ quỹ đất 520.000m2 phục vụ dự án, cần phải tiến hành đền bù, giải tỏa, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho 169 hộ dân, gồm: 58 hộ dân của phường Lộc Tiến, với tổng diện tích 8,8 ha, 63 hộ dân của xã Lộc Châu, với diện tích 12,5 ha và 48 hộ nhận khoán chè của Công ty TNHH Ngọc Bảo. Đến nay, tại phường Lộc Tiến đã có 54/58 hộ dân nhận đền bù và cam kết sẽ giao mặt bằng cho dự án, 48/48 hộ nhận khoán của Công ty TNHH chè Ngọc Bảo đã chấp nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng, nhưng tại xã Lộc Châu chỉ mới có 11/63 hộ đồng ý nhận tiền đền bù đợt I và cam kết giao mặt bằng cho dự án. Tổng số tiền đền bù, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho 169 hộ dân dự kiến lên đến 54 tỷ đồng và hiện đã chi trả được 45 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa chi trả được phần do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa chuyển tiền, phần do một số hộ dân (chủ yếu tại xã Lộc Châu) chưa đồng ý mức đền bù của dự án. Do vậy, tiến độ dự án hết sức chậm chạp, bởi lẽ đến thời điểm này, ngoài việc tiến hành đền bù giải tỏa, và phân định đất đai bằng hàng rào dây kẽm, trên tổng diện tích 520.000m2 của dự án, chủ đầu tư chưa có bất kỳ một tác động nào, toàn bộ khu vực dự án hiện chỉ là vùng đất hoang đầy cỏ cây và một số vườn chè còn sót lại của các hộ nhận khoán trước đây.

Việc chủ đầu tư chưa tác động gì đến quy hoạch dự án đã gây nhiều tâm lý hoài nghi trong dư luận tại địa phương về tính khả thi của dự án.

HOÀNG KIẾN GIANG