“Biến đổi khí hậu” sẽ được giảng dạy ở Trường ĐH Đà Lạt

04:11, 14/11/2012

“Học phần “Biến đổi khí hậu” sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở hai mức độ: Ngay năm học tới cho 3 khoa Môi trường, Nông Lâm và Sinh học; khi có kết quả tốt sẽ trở thành học phần chung cho toàn trường.

“Học phần “Biến đổi khí hậu” sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở hai mức độ: Ngay năm học tới cho 3 khoa Môi trường, Nông Lâm và Sinh học; khi có kết quả tốt sẽ trở thành học phần chung cho toàn trường.

“Biến đổi khí hậu” - giờ đây không còn là vấn đề của khoa nào, trường nào, tổ chức nào; mà là của mỗi người, mỗi quốc gia và toàn thế giới nhằm làm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường và cuộc sống của chúng ta”.

Đó là lời khẳng định của lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt - Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoà trong buổi làm việc với Ban điều phối của dự án LEAF vào ngày 19/10. Mục tiêu của LEAF là: tăng cường năng lực của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính bền vững ở Đông Nam Á trong lĩnh vực sử dụng đất lâm nghiệp, đồng thời hỗ trợ các nước được hưởng lợi từ khuôn khổ chương trình REDD+ quốc tế. Bằng cách thí điểm các sáng kiến giảm phát thải thông qua quản lý đất đai bền vững; xây dựng chính sách và khuyến khích thị trường cho việc giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực và thể chế về lượng giá kinh tế các dịch vụ hệ sinh thái và giám sát sự thay đổi trữ lượng cacbon rừng ở cấp dự án và cấp quốc gia; nhân rộng và phát huy các sáng kiến làm giảm phát thải thông qua các diễn đàn khu vực và quan hệ đối tác.

Dự án “Giảm phát thải từ rừng ở khu vực châu Á” gọi tắt là LEAF (The Lower Emissions in Asia’s Forests), do Phái đoàn Phát triển vùng châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tổ chức Winrock International, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Tổ chức Climate Focus tài trợ. Có 6 nước tham gia dự án là Campuchia, Lào, Malaysia, Papua New Guinea, Thái Lan và Việt Nam. Chủ dự án (Hợp phần tại Việt Nam) là Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với vốn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 3.582.991 USD/20 triệu USD tổng vốn của dự án, thực hiện trong 5 năm (2011-2015) ở Hà Nội, Nghệ An và Lâm Đồng.

LEAF còn có một hợp phần quan trọng là phối hợp với các trường đại học tại Việt Nam, như: Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai, Đại học Đà Lạt, Đại học Tây Nguyên, để xây dựng chương trình đào tạo về các chủ đề đang được quan tâm như lượng giá môi trường, chi trả dịch vụ môi trường  (PES), giảm phát thải khí nhà kính (REDD, REDD+) và cải thiện công tác quản lý rừng ở Việt Nam phục vụ cho nhu cầu nguồn nhân lực cho tương lai. LEAF sẽ phối hợp xây dựng chương trình đào tạo không cấp chứng chỉ, phục vụ nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án và các cơ quan chính phủ nhằm thể chế hoá năng lực dài hạn. Việc xây dựng các mô-đul, chương trình đào tạo sẽ được hỗ trợ bởi nhóm chuyên gia lâm nghiệp của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn - Trưởng Khoa Môi trường - Đại học Đà Lạt, người phụ trách môn học “Biến đổi khí hậu” cho biết thêm: “Trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), Chính phủ yêu cầu phải đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao nhận thức chung cho mọi người và đào tạo nguồn nhân lực đối phó với BĐKH. Việt Nam chưa có chương trình cụ thể nào, nhưng có cơ hội do nước ngoài tiếp cận. Những dự án BĐKH từ nước ngoài vào Việt Nam ngày một nhiều, đòi hỏi sự hiểu biết của các ứng viên tham gia. Vì vậy, nhân lực từ các trường đại học có đào tạo môn học này là một lợi thế. Tiến trình mới ở mức việc cung cấp kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật mang tính ứng dụng nhưng có ý nghĩa thực tiễn, như: hợp phần tác động của BĐKH đến môi trường và xã hội, về quy hoạch sử dụng đất đai, đo đạc quan trắc các bon rừng...

Theo ông Michael Kent - thành viên Ban điều phối của dự án LEAF: Chương trình giảng dạy về “Biến đổi khí hậu” có 4 chủ đề là: 1. Những vấn đề của môn học BĐKH, tác động của BĐKH đến môi trường và xã hội, quy hoạch sử dụng đất đai trong BĐKH và đo lường cacbon. Các tài liệu sẽ được cung cấp cho các trường đại học ở khu vực sông Mêkông giảng dạy phù hợp với đặc thù của từng trường, từng khoa. Ngoài việc hỗ trợ các trường đại học ở khu vực Mê Kông phát triển chương trình giảng dạy, LEAF sẽ tập huấn các chủ đề giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, nỗ lực giữ gìn sự tồn tại của rừng và quản lý nguồn lực tự nhiên (NRM)...

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoà đưa ra các mục tiêu cho dự án hợp tác với LEAF: Mong muốn được sự giúp đỡ của LEAF để hợp phần giảng dạy “Biến đổi khí hậu” trở thành hợp phần chuẩn, hợp phần mẫu của Trường Đại học Đà Lạt, được gắn kết giữa lý thuyết và thực hành; hợp phần giảng dạy này và tài liệu nên sử dụng tiếng Anh, vì nội dung về biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Từ việc mở ra một chương trình đào tạo với chủ đề “Biến đổi khí hậu”, khẳng định Đại học Đà Lạt có những điều kiện tốt để giảng dạy các chương trình liên kết quốc tế khác.

LÊ HOA