Biết xoa dịu nỗi đau người bị nhiễm HIV

03:11, 29/11/2012

Tính từ năm 1994 đến nay, số người bị nhiễm HIV dương tính trên địa bàn huyện Di Linh là 82. Phần lớn trong số họ là nạn nhân của tệ nạn xã hội. Do buông lỏng quản lý nên không nắm bắt được địa chỉ người bị nhiễm, phần thì do tử vong, phần thì chuyển đi nơi khác...

Tính từ năm 1994 đến nay, số người bị nhiễm HIV dương tính trên địa bàn huyện Di Linh là 82. Phần lớn trong số họ là nạn nhân của tệ nạn xã hội. Do buông lỏng quản lý nên không nắm bắt được địa chỉ người bị nhiễm, phần thì do tử vong, phần thì chuyển đi nơi khác. Chỉ trong vòng 1 năm củng cố, triển khai Chương trình phòng chống HIV/AIDS, nhờ biết cách chia sẻ nội tâm của những người bị nhiễm, Di Linh bắt đầu tạo được “chiếc cầu nối” giữa họ và cộng đồng.

Tuyên truyền, cổ động phòng chống HIV/AIDS tại Di Linh được lồng ghép với các chương trình khác
Tuyên truyền, cổ động phòng chống HIV/AIDS tại Di Linh được lồng ghép với các chương trình khác


Cũng như các địa phương khác, tại huyện Di Linh, Chương trình phòng chống HIV/AIDS do Đội Y tế Dự phòng (thuộc Trung tâm Y tế huyện) đảm trách. Do chưa quan tâm, thiếu cách làm sáng tạo và lòng nhiệt tình, những người bị nhiễm HIV trên địa bàn huyện gần như bị “bỏ ngỏ”. Hỏi đến thì không ai biết họ đang ở đâu, làm việc gì và diễn biến sức khoẻ ra sao!... Đầu năm 2012, Trung tâm Y tế huyện Di Linh củng cố, sắp xếp và phân công lại cán bộ chuyên trách Chương trình phòng chống HIV/AIDS. Người cán bộ mà chúng tôi ghi nhận, đó là chị Lê Thị Hợp, y sĩ đa khoa, nguyên Trưởng Trạm Y tế thị trấn Di Linh, là cán bộ duy nhất phụ trách chương trình này.

Để triển khai tốt Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, huyện Di Linh còn củng cố và triển khai Chương trình tại 19 trạm y tế xã, thị trấn; chọn 10 trạm y tế (thị trấn Di Linh, Tam Bố, Đinh Lạc, Gung Ré, Hoà Trung, Hoà Bắc, Hoà Ninh, Sơn Điền, Tân Lâm và Tân Châu) để xây dựng mô hình điểm; triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Được biết, lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động, huyện Di Linh sẽ tổ chức vào ngày mai (1/12/2012) tại 8/19 xã, thị trấn trong huyện.

Tiệm cận với công việc mới là cực kỳ khó khăn. Lần theo danh sách thống kê được, chị Lê Thị Hợp phải mất hàng tháng để lặn lội đến từng nhà. Chị Hợp kể với chúng tôi: “Tìm đúng được địa chỉ thật đã khó, còn việc tiếp cận được với những người bị nhiễm HIV lại càng khó hơn nhiều lần. Bởi, trong nội tâm họ, ai ai cũng bị hội chứng mặc cảm, tự ti. Và, họ cứ nghĩ rằng, mình đang bị xã hội nguyền rủa, ruồng bỏ, xa lánh, kỳ thị…”. Nhưng không, qua thực tế công việc, chị Hợp khẳng định: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước hết là do mình và tự trách mình. Tôi đã đến từng nhà, chịu khó và kiên trì dùng mọi kỹ năng để tiếp chuyện, thuyết phục và tư vấn họ nội dung chăm sóc theo Chương trình phòng chống HIV/AIDS. Khi đã làm được như thế rồi, thì việc tiếp cận, hoà đồng với họ trở nên dễ dàng và giúp họ xoa dịu bớt nỗi đau và sự tự ti mặc cảm”.

Với cách làm này, Di Linh đã tìm và tư vấn được 17 người bị nhiễm HIV dương tính từ 2001 - 2011 và 15 người bị nhiễm HIV mới phát hiện trong năm nay (trong đó, tại chỗ là 5 người và nơi khác chuyển đến là 10 người) để có kế hoạch chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm. Tại địa bàn huyện Di Linh, trong tổng số 82 người bị nhiễm HIV/AIDS, đã có 17 người tử vong. Chỉ trừ 2 xã Đinh Trang Thượng và Gia Bắc, các xã và thị trấn ở huyện Di Linh đều có người bị nhiễm HIV. Trong đó, nhiều nhất là thị trấn Di Linh: 17 người, chiếm trên 21%; Hoà Ninh: 16 người, chiếm 20%; Đinh Lạc: 7 người, chiếm 8,7%; Tam Bố, Hoà Trung: mỗi xã có 5 người, chiếm 6,2%).

Đặc biệt, tại Di Linh, trong số những người bị nhiễm HIV dương tính đã được tư vấn, có 2 người đã trở thành đồng đẳng viên của Chương trình phòng chống HIV/AIDS. Đó là chị Nguyễn Thị Xuân H (thôn 16, xã Hoà Ninh) và chị Trần Thị T (thôn 9, xã Hoà Trung). H và T là hai trong số những người bị nhiễm HIV dương tính, là nạn nhân của tệ nạn xã hội. Nhờ chương trình, mà H và T đã xoa dịu, bớt đi nội tâm mặc cảm và đang hoà nhập với cộng đồng.

BÙI TRƯỞNG