Cây dược liệu trước nguy cơ tận diệt

09:11, 30/11/2012

(LĐ online) - Ở rừng, có một thứ, không là gỗ quý hay động vật hiếm nhưng là “vàng ròng” thứ thiệt. Đó là nguồn dược liệu đa dạng, dồi dào...

(LĐ online) - Ở rừng, có một thứ, không là gỗ quý hay động vật hiếm nhưng là “vàng ròng” thứ thiệt. Đó là nguồn dược liệu đa dạng, dồi dào. Vậy mà sự thực thi của nhà chức năng, ý thức của người dân còn xem nhẹ. Bởi nó chỉ là “lâm sản ngoài gỗ”, “lâm sản phụ” (thôi). Hệ luỵ nghiệt ngã là nguồn tài nguyên “vàng” này mỗi ngày thêm bị tận diệt.  

Rễ cây Đòng dân tộc Chu Ru ở Tà Hin (1) và lá cây Gàng dân tộc Châu Mạ ở Lộc Bắc (2) làm ra men rượu (3)
Rễ cây Đòng dân tộc Chu Ru ở Tà Hin (1) và lá cây Gàng dân tộc Châu Mạ ở Lộc Bắc (2) làm ra men rượu (3)


Thiên nhiên ban tặng kho báu

Là người nghiệm thu, BS Đặng Đình Hoà - Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng, đưa tôi báo cáo đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên nguồn dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loài đặc hữu có giá trị kinh tế cao” do Trung tâm Sâm và dược liệu thành phố Hồ Chí Minh chủ trì. Số liệu công bố: cây thuốc của Lâm Đồng có 1.247 loài, trong đó 40 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 3 loài phát hiện vùng phân bố mới, 198 loài được trồng, 1.050 loài hoang dại. Đặc biệt có 40 loài thuộc tri thức người bản địa làm thuốc chữa các bệnh về da, gãy xương, đau nhức, ho, bệnh phụ nữ và một số bệnh cụ thể như “rong kinh bổ huyết”, “viêm gan siêu vi B”, “viêm đại tràng”. Đặc biệt nữa, 50 loài có tính ưu thế, đặc hữu và mang lại giá trị kinh tế cao.

Trò chuyện với TS chuyên ngành sinh học phân tử Kim Soo Yoong đến từ Viện nghiên cứu sinh vật Hàn Quốc, ông cho biết: Nguồn dược liệu của Lâm Đồng rất quan trọng, có thể chế ra được nhiều loại thuốc. Thực vật làm thuốc ở Hàn Quốc nghèo, nhưng Hàn Quốc rất quan tâm đến nguồn thuốc được bào chế từ thực vật, hiện khoảng 100 loại khác nhau. Do đó, Hàn Quốc muốn sưu tập các nguồn thực vật thuốc ở Việt Nam, Thái Lan, Philippin, Indonexia, Malaixia, Pakistan, Costarica, Ấn Độ, Trung Quốc… Ông Kim cho rằng, Lâm Đồng là địa phương có sự đa dạng về loài lớn trên thế giới. Ví dụ, họ nhân sâm trên thế giới có 400 loài, riêng Việt Nam có 80 loài, ở Lâm Đồng có đến 50 loài. Hàn Quốc đã tiếp cận hình ảnh 200 loài dược liệu của Việt Nam. Hàn Quốc có tới 50% thuốc được bào chế từ thực vật.

Diện rộng hơn, các cán bộ giảng dạy khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt bước đầu sưu tập loài thực vật và nấm làm dược liệu, thực phẩm và màu nhuộm ở Lâm Đồng. Cây thuốc có hơn 200 loài dùng ngăn ngừa bệnh ung thư, chữa các bệnh như tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, kháng khuẩn, rối loạn tiêu hoá và bao tử, khớp…; thuốc bổ 14 loài, nhóm cho tanin 4 loài. Nhóm cho màu 44 loài, cho tinh dầu 20 loài, cho nguyên liệu giấy sợi 10 loài và làm rượu cần 9 loài. Tham dự bảo vệ đề tài rau rừng Lâm Đồng của ThS, Phó chủ nhiệm khoa Sinh Lương Văn Dũng, anh cho biết đã khảo sát được 116 loài. Trong đó 28 loài rau mới về giá trị sử dụng, 10 loài thuộc quý, ít gặp; một số đã là sản phẩm hàng hoá như “càng cua”, “chuối rừng”, “dền cơm”, “lá bép”, “lá giang”, “lu lu đực”… Các loài thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae) và lạc tiên (Passifloraceae) có triển vọng cao trong việc xây dựng mô hình trồng rau ở Lâm Đồng.



Sưu tập từ tri thức dân gian, các nhà khoa học khoa Sinh đã tiến hành chế men rượu. ThS Lương Văn Dũng và ThS Nguyễn KhoaTưởng đều khẳng định: So với rượu cần ủ từ men ngoài chợ, nhất là men Trung Quốc, men truyền thống của đồng bào cho vị đặc trưng, đậm đà, hương thơm và dịu hơn, đặc biệt là không gắt, không gây nhức đầu sau khi uống. Vị của rượu cần men rừng là quyện hoà của đắng, chát, ngọt và chua từ rễ, lá, gạo… Còn màu từ cây rừng so với màu công nghiệp có nhiều ưu việt hơn hẳn như độ màu đa dạng, sợi nhuộm mềm, khử mùi, thấm mồ hôi tốt, thân thiện với con người, đó là nhận xét của ThS Hoàng Thị Bình. Từ màu nhuộm, cô tiếp tục nghiên cứu màu thực phẩm như “cẩm tím” (màu tím), “hoàng liên ô rô” (màu vàng), “vấn vương Đà Lạt” (màu cam), “tô mộc” (màu vàng cam)... Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), hầu hết các loại rau rừng đều có hàm lượng các chất dinh dưỡng như Vitamin B1, B2, C, Protein, Canxi, Gluxit… rất cao. Thời buổi rau, củ, quả dư thừa vi lượng thuốc bảo vệ thực vật, rau rừng càng quý.

YaBa hái rau rừng Tohapnam
YaBa hái rau rừng Tohapnam

 

Nguy cơ tàn phá rừng

Dược sĩ Dương Thọ Biên - Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng, BS Trần Danh Tài (Hội Đông y Lâm Đồng) và BS Đặng Đình Hoà - Giám đốc BV Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch đều chung tâm trạng tiếc nuối, xót xa và bức xúc trước sự mất mát nguồn tài nguyên thuốc. Ông Tài cho biết: “Nguy hiểm là từ năm 1982 đến giờ việc quản lý dược liệu gần như buông lỏng”, “vừa thu mua vừa phá dược liệu”.

Xã Lộc Lâm, Bảo Lâm, có gần 450 hộ dân, 4/5 là người Châu Mạ. Phó công an xã Đinh Văn Hồng thừa nhận gần như cả xã lên rừng kiếm thảo dược. Anh K’Lem, chị Ka Làng, anh K’Lanh kể cho tôi nhiều chuyện lên rừng. Phải đi 2 ngày, 3 đêm ngủ, có khi cả tuần, thường theo tốp 3-4 người, vào tận rừng sâu mới có. Lá “diu bông” (n’ha) chỉ kiếm được mấy lạng, nhiều nhất là 1 ký. Năm nay giá tăng lên năm chục, 300 ngàn đồng/kg. Còn “lan gấm = hoa đá” (nấm chân dài, “sệt yong dâng”) mọc gần suối K’Lem, kiếm được nhiều hơn, có người kiếm được 20 ký. Không hiểu công dụng, chỉ biết người ta mua làm thuốc thì đi lấy. Họ về bán cho ông Đô (người từ ngoài Lộc An vào “cắm bản”) hơn 20 chục năm nay. Có bao nhiêu ông Đô mua hết. Một ký “lan gấm” mua 380 ngàn đồng thời điểm cao, thấp nhất 260 ngàn. “Mấy năm trước, ông Đô mua 1-2 tấn “lan nấm”/mùa. Ở đây những sản phẩm phụ như lan, nấm, mây… “quản lý bảo vệ rừng” không cấm, chỉ cấm gỗ và thú, 2 thứ đó thôi”, công an Hồng nói. Được biết, ngoài ông Đô, ông Dũng ở Lộc Thắng, Bảo Lâm cũng thu mua nhiều loại ở các xã và nhập cho chủ Hạnh ở Đạ Tẻh.

Anh Lê Văn Hạnh ở thôn 3, Quốc Oai, Đạ Tẻh, là chủ vựa lớn mua và bán thảo dược. Đang phơi “mướp gai” trên đường nhựa, anh giới thiệu ngay: “Em là chuyên nghiệp buôn hàng thuốc”. Anh cho biết, “linh chi” còn vài tạ, chính vụ có mấy tấn. Vào nhà, anh Hạnh xách từng túi mẫu ném chất đống lên bàn: “mướp gai”, “hoàng đằng”, “nhân trần”, “thiên niên kiện”, “thảo quả”, “sa nhân”, “kim tiền thảo”, “hoài sơn”, “linh chi” các loại…Hàng của anh cung cấp cho Sài Gòn, Nha Trang, miền Tây, Hà Nội, và Trung Quốc. Chỗ nào cần thì mang đến. Trung Quốc đặt cái gì là anh đi lấy cái đó, sang tận Đắk Lắc, Đắk Nông lấy nấm, “thảo quả”, “sa nhân”… Hàng của Vườn quốc gia Cát Tiên nhiều nhất là “hoàng đằng”. Đi Hà Nội có “thảo quả”, “sa nhân”, “hoàng đằng”…gửi máy bay Liên Khương. Chợ Hải Thượng Sài Gòn thường xuyên “a lô” cho anh. “Tháng 3 tháng 4 anh đến chật cái nhà này, hàng mấy chục tấn thảo dược. Chúng em bán quen rồi, xuống Sài Gòn đổ xuống là người ta lấy hết người mấy bao. Người Trung Quốc đi khắp các tỉnh Tây Nguyên. Họ “làm” “linh chi”, “thảo quả”, đến tận nhà xem hàng, kiểm kỹ lắm”, anh Hạnh nói. “Linh chi” bao nhiêu cũng thu hết, tháng 6, tháng 7 có bao nhiêu Trung Quốc đóng hết. Họ cho lên kho Sài Gòn rồi chuyển bằng tàu thuỷ. “Thời điểm đắt, nó lấy tất, chưa khô nó đã lấy. Làm ăn với nó là đúng ngày, đúng số lượng, không được thiếu mà cũng chẳng lấy dư. “Củ ráy” thái phơi khô đóng bao chả cần rửa ráy gì, đóng bao kệ mày làm thế nào thì làm. Trung Quốc mua về xay ra sơ chế, chả biết nó làm cái gì, đóng gói lại chuyển về Việt Nam mình mua đắt. Linh chi nó bán mấy triệu, nó bảo là của Hàn Quốc, thực ra là của mình”, chủ Hạnh kể một thôi một hồi.

Ngoài sân nhà anh Hạnh, “nhân trần” chất hàng đống. Bà Oanh, người dân tộc Tày đang chặt thuê “mướp gai”, anh Hạnh mua vào 700 đồng, tính ra 2.200 đồng/ký tươi. Cứ 3 ngày người dân từ rừng lại mang ra, phải chặt phơi lấy nắng ngay không thì mốc và cũng không thể có chỗ tập kết. Tôi khen rẻ, anh Hạnh nối lời: “Đây là rừng chả rẻ”…

Ngày 22/11, trong vai người mua thuốc, chúng tôi “ắt giá”, dò lượng với chủ Hạnh. Anh Hạnh hồ hởi: Nếu lấy ngay có khoảng 5-6 loại, còn đặt trước thì nhiều. Một kg khô, “thiên niên kiện” giá 30 ngàn đồng, “hoàng đằng” 22-23 ngàn, “mướp gai” 27 ngàn, “quế rừng” chẻ nhỏ 15 ngàn, “nhân trần” băm khúc đóng bao 27-28 ngàn. Còn nấm có nhiều loại, “nấm chân cò”, “nấm hến”, “nấm ba tầng”; “chân cò” nhỏ hơn 300 ngàn, “hến” 500, “thảo quả nam” hơn 100, “hoàng liên” 12 ngàn, “kim tiền thảo” 18 ngàn, “sa nhân” (nhục đầu khấu) nhiều, loại gai tím 200 ngàn, loại trắng chỉ 6, 7 chục… “Nhân trần” đóng bao, 10 ngàn/ký bao xe lên Đà Lạt, ai cần là có, bán quanh năm, còn khoảng 10 tấn. Còn “chè dây” người Đài Loan chỉ mua tươi, họ chế biến tại Bảo Lộc, đóng gói rồi mang về, giá 12-13 ngàn/kg. “Hoàng đằng” có chục tấn nhưng 1 tháng vì còn phải thái bằng máy, “mật nhân” cũng 1 tháng có chục tấn, 35 ngàn/kg khô… “Hiện trong nhà các mặt hàng em đủ hết, chỉ có vài tấn thôi nhưng làm nhanh lắm”, anh Hạnh hứa. Cứ đủ hàng là đi. Khách cần hàng gì thì đóng hàng đấy. Tuần đi ít thì 2 tấn, nhiều đến 6 tấn.

Người dân hái lá Biap sê ở Bà Kẻ, Madaguoi, Đạ Huoai về bán và dùng
Người dân hái lá Biap sê ở Bà Kẻ, Madaguoi, Đạ Huoai về bán và dùng

 

 Chuyển thuốc lên xe khách tại ngã ba Finnom, Đức Trọng đi Di Linh
Chuyển thuốc lên xe khách tại ngã ba Finnom, Đức Trọng đi Di Linh


Còn ở Đà Lạt, ông Linh thuộc Phòng Chẩn trị đông y Dư Khánh Đường có nghề thu mua và bốc thuốc từ năm 1975. Thuốc để khắp mọi nơi có thể, trong nhà, ngoài sân, trên mái nhà, giữa lối đi… Ông có rất nhiều loại, “thiên niên kiện”, “lan gấm”, “khúc khắc”, “cu li”, “đương quy”, “xuyên khung”, “đẳng sâm”…Ông Linh cho hay: “linh chi” có 2 loại, “linh chi” đen rất tốt, giá 350-400 ngàn đồng/ký; “lan gấm” cũng 2 loại, giá vô chừng, 6,7 trăm. Hàng của ông cung cấp các đại lý thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu.
   
Xuôi Đà Lạt - Nha Trang dọc 723 (con đường xuyên qua vùng lõi Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà), mùa chính vụ, “đẳng sâm” phơi đầy 2 bên đường. Mục sở thị giá 4-10 ngàn/kg khô, vị TS đến từ xứ Hàn Kim Soo Yong hết sức ngỡ ngàng tại sao lại rẻ đến vậy. Chị Ka Thu, xã Đạ Chais cho biết: Mùa tháng 6, tháng 7 bà con đều vào tuốt rừng già (Vườn quốc gia) nó (đẳng sâm) lên bà con lại đào sạch, năm sau lại “nhờ trời” mọc lên lại đào. “Trước đây nhiều, 1 ngày được gùi to 2-3 chục ký, trong Long Lanh người ta cũng làm. 10 ký tươi được 2 ký khô, nhà nào cũng đào nên giờ ít lắm, được 5-6 ký. Người ta vào mua hết, rẻ thì 2 - 3 ngàn, đắt thì 5- 6 ngàn. “Lan gấm” hơn 1 triệu. Nhưng hiếm, người ta kiếm hết, tìm khó lắm, ngày 2-3 lạng”, chị Ha Thu rỉ rả.

Phát triển ngành công nghiệp dược – một hướng mở

Cuối tháng 10 vừa rồi, Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học. Phó giám đốc Vườn Đỗ Văn Ngọc cho biết, mức độ ảnh hưởng suy giảm và mất tiểu sinh cảnh của Vườn từ việc khai thác lâm sản ngoài gỗ lên đến 41-60%.     

“Muốn giác (chữa bệnh) phải sắm bầu, muốn câu phải sắm giỏ, cho nên phải đầu tư bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, chứ ăn xổi ở thì làm cái gì được”, ông Chủ tịch Hội Đông y Lâm Đồng Trần Danh Tài kết luận. Ông so sánh, “một cân “quy” (đương quy) giá bằng một cân cà rốt, cà rốt 3 vụ 1 năm còn “đương quy” 1 năm 1 vụ thì ai người ta trồng. Tôi đi Trung Quốc, Hàn Quốc người ta trồng dược liệu bạt ngàn và quy củ nhờ có nhà nước bảo trợ”.    

TS Nguyễn Quang Kết và cộng sự đang nhân hàng chục ngàn cây giống lan kim tuyến
TS Nguyễn Quang Kết và cộng sự đang nhân hàng chục ngàn cây giống lan kim tuyến


Những mô hình giúp người dân vừa tham gia bảo vệ rừng vừa nâng mức sống cần nhân rộng. Ví dụ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Đồng Tháp (DOMESCO) đứng ra nhận đầu tư sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Hoặc Công ty cổ phần thực phẩm San Nam (San Nam food) giúp nông dân trồng các loại rau rừng cao cấp, giá trị kinh tế gấp hàng chục lần so với rau thường. Tỉnh An Giang thì phối hợp với Trường Đại học An Giang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng bằng việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho dân, ký kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… “Nam dược trị nhân Nam” (thuốc nam chữa bệnh người Việt Nam). Lời răn ấy của ông tổ ngành dược Việt Nam, vị thánh thuốc Nam - đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh ở thế kỷ 14 nay càng quý báu. Ngày 23/11, trao đổi với ông Vương Chí Hùng-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thuốc Đà Lạt thuộc Công ty Công ty cổ phần XNK Vimedemix thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen một số cây dược liệu đặc trưng của Tây Nguyên để tạo vùng dược liệu cho sản xuất công nghiệp dược” triển khai từ 2007 – 2012 đã chuyển sang pha 2. Ông Hùng cho biết nhà nước đã hỗ trợ 11 tỷ đồng, bao gồm đề tài cấp bộ, cấp nhà nước và 1 dự án chương trình quốc gia. Công ty Vimedemix thành phố Hồ Chí Minh đã bào chế được khoảng 20 sản phẩm thuốc từ thảo dược Tây Nguyên, trong đó có giá trị kinh tế cao như “hà thủ ô”, “đẳng sâm”, “ngũ gia bì”, một vài loài nấm…Hiện đã trồng 10 ha “thông đỏ” tại Lâm Đồng và tiếp tục hoàn thiện công nghệ tách chiết taxol, bào chế thuốc chữa bệnh ung thư.

Nhưng, để phát triển ngành công nghiệp dược cần sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của nhà nước như cho vay lãi suất thấp và dài hạn. Cùng đó, nhà nước phải đầu tư trồng nguyên liệu, thực thi những chế tài quản lý chất lượng chặt chẽ, thắt chặt hàng rào kỹ thuật để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhất là sản phẩm của Trung Quốc… Thực tiễn cho thấy rất cần sự ráp nối giữa các “nhà” từ cung cấp nguyên liệu đến bào chế chiết xuất và doanh nghiệp cung ứng phân phối sản phẩm.

Phóng sự: TĨNH XUYÊN