Người có “H” là cách mà các đồng đẳng viên gọi những người nhiễm bệnh HIV/AIDS. Chỉ với cách nói nhẹ, nói tránh này cũng phần nào giải toả tâm lý e ngại đối với những người mắc bệnh, khiến họ an tâm, tin tưởng và tích cực hơn trong việc điều trị.
Người có “H” là cách mà các đồng đẳng viên gọi những người nhiễm bệnh HIV/AIDS. Chỉ với cách nói nhẹ, nói tránh này cũng phần nào giải toả tâm lý e ngại đối với những người mắc bệnh, khiến họ an tâm, tin tưởng và tích cực hơn trong việc điều trị.
Chị Trần Thị Hoa tư vấn phòng, chống lây truyền HIV/AIDS tại Phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS |
Từ năm 2011, Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc thành lập Phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS. Phòng có chức năng tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện cho những người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao. Khi phát hiện người có “H”, Phòng cùng với các địa phương quản lý và tư vấn, hướng dẫn họ đến Phòng khám ngoại trú Bệnh viện II Lâm Đồng để được điều trị. Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần chị Trần Thị Hoa, cán bộ phụ trách Phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS, phân trần: “Tôi quản lý người có nguy cơ cao hay đã nhiễm HIV/AIDS không như quản lý nhân khẩu, mà là quan tâm, theo dõi tình trạng sức khoẻ để hướng dẫn họ cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất”.
Từ đầu năm 2012 đến nay, Phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS đã tư vấn, xét nghiệm cho hơn 390 người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao; trong đó, đã có 5 người dương tính với HIV/AIDS. Những người này đã được hướng dẫn cách thức phòng ngừa lây truyền bệnh cho người khác và đến bệnh viện để được điều trị. Năm 2012, Phòng được giao chỉ tiêu về số người đến tư vấn, xét nghiệm là 420 người. Theo chị Hoa, con số này có thể hoàn thành được, nhưng trên thực tế thì số người cần được tư vấn, xét nghiệm cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại nên họ thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để xét nghiệm. Điều này rất nguy hiểm, vì các cơ sở y tế tư nhân chỉ làm công việc xét nghiệm, thông báo kết quả, chứ không tư vấn, không đưa ra lời khuyên nào, khiến người bệnh rất dễ suy sụp và không biết điều trị ở đâu. Trong khi đó, nếu tới tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại Phòng, họ không phải mất tiền. Đồng thời, họ sẽ tiếp tục được tư vấn sau xét nghiệm. Nếu chưa mắc bệnh thì được hướng dẫn sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn, như sử dụng bao cao su, thực hiện tình dục an toàn, không sử dụng chung kim tiêm… Còn đối với những trường hợp mắc bệnh, họ sẽ được cảm thông, chia sẻ và hướng dẫn các bước chăm sóc, điều trị tiếp theo. “Có những người khi biết mình bị dương tính với HIV/AIDS, họ suy sụp về tinh thần và bi quan, sợ xấu hổ, né tránh điều trị. Nhưng sau khi được cán bộ y tế và các đồng đẳng viên động viên, chia sẻ thì họ mới an tâm việc điều trị” - chị Hoa tâm sự.
Thực hiện Dự án Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Bảo Lộc còn tăng cường giám sát trọng điểm đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao và Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là việc giám sát các đối tượng trọng điểm, nhất là việc tiếp cận các “đối tượng 06 – 05”, như tiêm chích ma tuý, mại dâm, phục vụ quán bar, karaoke, nhà hàng… Trước những khó khăn này, đội ngũ đồng đẳng viên ở Bảo Lộc (có 3 người) cùng với cán bộ Phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS đã có cách làm khá hay. Họ đã chủ động mời những cô gái phục vụ tại các tụ điểm “nóng” cùng đi uống cà phê. Tại đây, các đồng đẳng viên trò chuyện, tâm sự; sau đó, khuyến khích các cô gái cho lấy mẫu máu để xét nghiệm. Với cách làm này, trong năm nay, các đồng đẳng viên đã có các buổi tiếp xúc và lấy được 25 mẫu máu xét nghiệm. Tuy nhiên, chị Trần Thị Hoa cho biết: Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, để công tác giám sát trọng điểm này đạt kết quả tốt, rất cần sự phối hợp của các chủ quán bar, karaoke, nhà hàng, chủ động đưa nhân viên đi xét nghiệm. Điều quan trọng nhất là sự tự nguyện của các cô gái phục vụ, bởi đây không chỉ là quyền lợi thiết thực đối với họ, mà còn để đảm bảo sự an toàn của cộng đồng, xã hội.
HỮU SANG