Chuyện dân vận ở xóm

03:11, 27/11/2012

Về xã Đại Lào, gặp lại ông bí thư Nhiên, người từng làm công tác Đảng gần 20 năm của thôn, ông vui vẻ mời tôi đến thăm một cựu binh làm tốt công tác dân vận...

Về xã Đại Lào, gặp lại ông bí thư Nhiên, người từng làm công tác Đảng gần 20 năm của thôn, ông vui vẻ mời tôi đến thăm một cựu binh làm tốt công tác dân vận. Đường vào nhà “Ông dân vận” phải trèo qua những triền núi nằm tận trên đỉnh đồi. Cũng thật kỳ lạ, chốn hoang vu trên đồi cao này được ông cựu binh tạo thành một vườn cây ăn trái như ở dưới đất bằng. Đứng trên đỉnh nông trang “mi ni” của ông, tôi nhìn được toàn cảnh thành phố Bảo Lộc, nhất là ban đêm phố xá lên đèn như một không gian huyền ảo. Người chủ nông trang này là một ông xóm trưởng tận tuỵ, góp công góp sức cho xóm làng. Đó là ông Lê Đình Chiến.

Chiếc cầu qua suối mới hoàn thành
Chiếc cầu qua suối mới hoàn thành


Ông Chiến sinh năm 1950 tại Thanh Hoá. Vào Nam năm 1987 và định cư tại Đại Lào từ năm ấy. Trải qua thời gian sống lăn lộn với nhiều nghề, tham gia công tác ở cấp thôn và đã hai lần “bị” làm thôn phó; sau đó, đảm nhiệm hai chức xóm trưởng xóm 4 và 6. Cả hai khu dân cư này đều ở xa cách ánh đèn đô thị. Những công việc xã hội mà ông Chiến tham gia đều được dân đề cử. Tuy nhiên, khi được bà con tín nhiệm, bất kỳ công việc gì ông cũng đều làm tròn trách nhiệm. Chính vì vậy, ông được bà con thôn xóm trân trọng, tin yêu.

Vượt qua vườn đồi của ông, men theo con đường đá nằm vắt vẻo trên sườn núi hơn 2 km rồi thả dốc xuống núi. Đó là xóm 6, nằm trên dải đất bằng, rộng cả ngàn hecta, đất đai màu mỡ, hiện có 56 hộ trồng chè và cà phê. Cách đây chừng 4 năm, từ quốc lộ 20 vượt qua quãng đường và dốc dài khoảng 4 km này phải đi bộ cả hai tiếng đồng hồ, nay chỉ cần 15 phút đi xe máy là có thể đến nơi. Sau khi hoàn thành được con đường mới, toàn bộ khu dân cư này đều có điện lưới quốc gia kéo đến tận nhà. Năm 2010, ánh điện sáng rực lên trong từng ngôi nhà hẻm hóc, mọi người cứ nghĩ mình đang ở trong mơ. Anh Trình, một hộ dân sở hữu 2 hecta chè và cà phê tại đây, luôn cám ơn “ông Nhà nước” đã hỗ trợ kinh phí kéo điện lưới về với dân. Được con đường dài 3 km đầu tư 1,2 tỉ đồng và điện lưới vào tận xóm, đó là công sức của nhiều người, từ chính quyền địa phương đến bà con đồng lòng vào cuộc. Tuy nhiên, khi nhắc tới đường hình ảnh ba ông Đinh Đình Nhiên, Cao Văn Nam, Lê Đình Chiến đã in sâu trong tâm thức người dân xóm 6. Bởi họ là những người đã đi vận động từng nhà để bà con đồng lòng hiến đất, góp tiền mới có thành quả hôm nay.

Nằm giữa xã Đại Lào là 3 ngôi trường bề thế cấp 1, 2, 3 được xây dựng khang trang. Tuy trường chỉ cách vài trăm mét (đường chim bay), nhưng học sinh phải đi rất xa, vì ngăn cách bởi con suối. Trước thực trạng ấy, Chi bộ 2 thôn đã có chủ trương làm cầu tạm, nhưng gần đến cả năm, nghị quyết vẫn nằm trên giấy. Sau các vụ tai nạn do lội suối đi học mới đây, một số hộ ở xóm 4 và xóm 6 đề nghị ông Chiến vào cuộc làm cầu mới. Để làm được chiếc cầu này phải cần ít nhất 20 triệu đồng, thì không thể chỉ vài hộ đóng góp, nên lần nữa, ông Chiến đi vận động bà con theo tiêu chí ai có con đi học đóng góp 2 trăm ngàn; những hộ có đất, vườn ủng hộ 1 trăm ngàn đồng. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 2 tuần, ông Chiến đã vận động làm xong chiếc cầu cho các cháu và bà con đi lại.

Tâm sự với chúng tôi, ông Chiến chia sẻ: “Bà con ở xóm 4 và 6 đa số là dân tứ xứ, tha phương lập nghiệp, ổn định được nơi ở mới là mừng lắm rồi. Vì vậy, khi mở đường, đụng đến đất đai hay quyên góp tiền bạc, bà con thường nghĩ đến lợi ích gia đình, nên làm thế nào để bà con vui vẻ đóng góp là điều không phải dễ. Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chúng tôi phải kiên trì và cùng nhau vận động. Khi bà con đã nhận thấy được lợi ích chung; trong đó, có mình thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, anh ạ!”.

Trần Đại