Cô Nhiên ở Trường Hoa Phong Lan

03:11, 18/11/2012

Chỉ vài tiếng đồng hồ ngồi trong lớp Vành Khuyên của cô giáo Nguyễn Thị Thu Nhiên tôi cảm thấy thật sự bị áp lực căng thẳng từ những cô cậu học trò ở đây….

Chỉ vài tiếng đồng hồ ngồi trong lớp Vành Khuyên của cô giáo Nguyễn Thị Thu Nhiên (sinh năm 1973) tôi cảm thấy thật sự bị áp lực căng thẳng từ những cô cậu học trò ở đây. Lớp học chỉ có 10 học sinh, gồm 1 em bị bệnh down và 9 em bị tật học khó – một dạng tật khó dạy nhất trong số học sinh bị thiểu năng trí tuệ. Các em ở độ tuổi từ 9-15 tuổi, có 4 em ở Đà Lạt và 6 em ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh. Các em ở Đà Lạt thì chiều được bố mẹ đến đón về, còn các em ở huyện được nội trú, có bảo mẫu chăm sóc.

Cô giáo Nhiên đang dạy toán cho học sinh thiểu năng bị tật khó học
Cô giáo Nhiên đang dạy toán cho học sinh thiểu năng bị tật khó học


Phòng học cho trẻ thiểu năng được bài trí như một lớp học mẫu giáo. Đang giờ dạy toán, cô Nhiên hướng dẫn các em đếm từ 1 đến 3 và ghép tương ứng các hình với số. Chỉ thế thôi mà các em phải đánh vật rất vất vả. Đang học có em lại chạy ra ngoài, có em khóc lóc dữ dội chỉ để gây sự chú ý, có em rời chỗ ngồi để đùa nghịch với bạn, có em khóc vì tè ra quần… Cô Nhiên luôn luôn phải lập lại trật tự để giờ học tiếp diễn.

PV: Dạy trẻ em thiểu năng trí tuệ thì giáo viên phải rất đặc biệt?

- Trước hết giáo viên phải có lòng thương, những đứa trẻ ở đây cần tình thương rất nhiều vì chúng xa gia đình cho nên cô phải chăm các cháu hơn cả con của mình. Có lớp học sinh nhỏ nhất mới 6 tuổi dạy rất cực. Giáo viên mới về trường thời gian đầu dạy lớp nhỏ để thử thách có trụ lại được với các cháu bao lâu. Giáo viên phải tìm hiểu phương pháp làm việc với trẻ em thiểu năng. Hàng ngày dạy: Toán, tiếng Việt, tự nhiên xã hội, vẽ, âm nhạc và giáo dục kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ, phát triển kỹ năng giao tiếp. Giáo viên phải biết cách xử trí tại chỗ khi học sinh bị động kinh để trẻ lên cơn không cắn lưỡi, biết sơ cứu tại chỗ phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ ngay tại lớp học.  
 

“Cô Nhiên không nặng vật chất và có tâm với người khuyết tật”

Thầy Nguyễn Hữu Hoa –Hiệu trưởng Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan cho biết: Cô Nhiên là giáo viên đại học tiếng Anh, được các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm ngoại ngữ mời cô về giảng dạy nhưng cô từ chối. Cô chọn ở trường này xuất phát từ tình thương, lòng nhân ái đối với học sinh khó khăn, mặc dù công việc vất vả, thu nhập không cao. Cô Nhiên chăm sóc học sinh thiểu năng rất tốt, dạy các em có tiến bộ. Nhà trường tiếp xúc với khách nước ngoài nhờ cô phiên dịch, bất kể thứ bảy, chủ nhật, đêm hôm cô đều có mặt rất vui vẻ.

Đặc biệt, cô Nhiên đã tạo ấn tượng tốt cho khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại trường. Từ chỗ có thiện cảm với cô, họ có thiện cảm với trường và trường nhận được sự tài trợ do cô ứng xử giao tiếp tốt. Cô Nhiên tham gia phiên dịch cho các đoàn khách đến thăm các cơ sở khác cũng tạo được cảm tình như vậy. Cô không nhận thù lao, không nề hà, không nặng về vật chất và có tâm với người khuyết tật.

PV: Cô có chuyên môn ngoại ngữ tiếng Anh sao lại chọn làm việc với trẻ em khuyết tật trí tuệ?

- Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tp.HCM, tôi dạy tiếng Anh tại trường chuyên ở Gò Vấp. Ban đêm tôi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo và trẻ em đường phố. Rồi theo chồng về Đà Lạt (anh ở Học viện Lục quân đang làm tiến sĩ khoa học quân sự) và cái duyên tôi đến với Trường Hoa Phong Lan. Hàng ngày làm việc với trẻ thiểu năng tôi cảm thấy mình thật may mắn được sinh ra lành lặn vì bố tôi từng chiến đấu qua nhiều chiến trường ác liệt, những vùng bị nhiễm chất độc da cam. Cho nên, tôi không quan trọng dạy ở đâu mà cái chính là làm được gì cho học sinh, hạnh phúc khi thấy các em tiến bộ.

Nhiều người nhìn nhận việc dạy ở trường khuyết tật là do tay nghề chưa tốt, nhưng tôi không nghĩ vậy vì sự phát triển của học sinh khuyết tật. Bạn bè nhiều người can ngăn, xì xào, tôi chỉ nghĩ rằng ở nước ngoài các giáo sư, tiến sĩ vẫn làm việc với học sinh khuyết tật, tại sao mình không nhỉ? Và tôi quyết định thử sức. Kết quả tự hào là nhiều năm tôi đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.

PV: Tôi thật ấn tượng khi chứng kiến cô phiên dịch cho chuyến thăm của ông Chủ tịch Làng Hòa Bình quốc tế đến Đà Lạt rất thành công. Vậy cô đã trau dồi chuyên môn tiếng Anh của mình bằng cách nào?

- Tôi làm phiên dịch cho các đoàn quốc tế đến thăm trường tài trợ và hợp tác, cũng như phiên dịch cho một số cơ sở bảo trợ trẻ em khuyết tật. Từ năm 2000 -2007 tôi phiên dịch và trợ giảng cho chuyên gia Hội đồng Anh tại các hội thảo ở Hà Nội và Tp.HCM. Niềm vui của tôi khi làm phiên dịch là có cơ hội để nói tiếng Anh.

Ngoài thời gian ở Trường Hoa Phong Lan, ở  nhà tôi dạy kèm tiếng Anh cho học sinh phổ thông, sinh viên. Học sinh nghèo tôi không thu học phí, nhà có 2 anh em cùng học được miễn giảm, riêng học sinh cấp 3 kèm không lấy tiền. Chủ yếu tôi dạy vì muốn truyền đạt hết khả năng chuyên môn của mình cho các em, nếu làm giàu tôi sẽ ra ngoài dạy. Cho nên tôi dạy cả trăm học sinh nhưng nguồn thu nhập từ dạy thêm hàng tháng khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. May mắn là tôi có nhiều học sinh có kết quả cao môn tiếng Anh, có học sinh thi hùng biện tiếng Anh đoạt giải học sinh giỏi Anh văn cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

PV: Còn thời gian nào cô dành cho gia đình?

- Tôi cảm thấy mình đi đúng nghề, thương học sinh, có gia đình hài lòng. Gia đình tôi đạt danh hiệu gia đình hiếu học xuất sắc của Tp.Đà Lạt. Chồng làm bộ đội, giảng viên nên phải học nhiều, đi xa nhiều (2 năm ở Pháp, 1 năm ở Hà Nội), anh rất đồng cảm với việc làm của tôi và hay thương người. Con gái đang học lớp 12 chuyên Toán của Trường chuyên Thăng Long. Tôi dành hết thời gian cho công việc và gia đình, không có thú vui nào khác ngoài lúc rảnh thích đọc truyện trinh thám.
 

DIỆU HIỀN