Đánh giá kết quả bố trí ổn định dân di cư tự do các tỉnh Tây Nguyên

05:11, 01/11/2012

(LĐ online) - Ngày 1/11 tại Đà Lạt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo đánh giá tình hình và kết quả bố trí ổn định dân di cư tự do ở các tỉnh Tây Nguyên.

(LĐ online) - Ngày 1/11 tại Đà Lạt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo đánh giá tình hình và kết quả bố trí ổn định dân di cư tự do ở các tỉnh Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thì trong những năm qua, di cư tự do nói chung và dân di cư tự do đến các tỉnh và vùng Tây Nguyên nói riêng đã giảm cả về quy mô và cường độ. Báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Thuận cho biết, tổng số dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh này từ năm 2005 đến tháng 8/2012 là hơn 17 ngàn hộ với hơn 200 ngàn khẩu. Các tỉnh có dân đi di cư tự do nhiều nhất đó là Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Tỉnh có số dân di cư đến nhiều nhất là Đăk Nông với hơn 4.500 hộ, trên 21 ngàn khẩu. Qua đó, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Thuận đã thực hiện được 57 dự án ổn định dân di cư tự do với tổng kinh phí đầu tư là hơn 750 tỷ đồng thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định, cùng các hạng mục công trình phục vụ đời sống và sản xuất cho hơn 23 ngàn hộ. Tại hội nghị các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp để ổn định dân di cư tự do phải gắn chặt với chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hỗ trợ dân cư về sản xuất đời sống, đặc biệt là bố trí lại dân cư ở các vùng quá khó khăn về đời sống, vùng thường xuyên có nguy cơ cao về thiên tai, vùng dân cư phân tán trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng và biên giới. Bên cạnh đó, giải quyết hài hoà các yêu cầu kinh tế - xã hội để ổn định đời sống, sản xuất của các đồng bào vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để làm giảm thiểu nhu cầu di cư tự do của người dân; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nhận thức được tác động tiêu cực của hành vi di cư tự do đến bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội…

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2005 đến nay có hơn 3 ngàn hộ và 12 ngàn nhân khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến sinh sống trên địa bàn.

 

DUY DANH