Việc phối hợp giữa ba nhà: nhà nước (Sở Giáo dục và Đào tạo GD ĐT), nhà trường (cơ sở đào tạo) và nhà doanh nghiệp (nơi sử dụng lao động qua đào tạo) rất quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ nhu yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Việc phối hợp giữa ba nhà: nhà nước (Sở Giáo dục và Đào tạo GD ĐT), nhà trường (cơ sở đào tạo) và nhà doanh nghiệp (nơi sử dụng lao động qua đào tạo) rất quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ nhu yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh thăm cơ sở vật chất Trường THCS Phan Chu Trinh |
Quan điểm đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động từ lâu đã được Đảng và Nhà nước đề cập đến để hệ thống giáo dục nghề nghiệp (bao hàm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề) và giáo dục đại học triển khai thực hiện, nhất là từ khi chuyển đổi cơ chế từ tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - 1986 đề ra). Đổi mới giáo dục cũng phải tuân theo một số quy luật của cơ chế thị trường, trong đó có quy luật cung - cầu nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu xã hội.
Nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước đã nêu, ở đây xin đề cập đến vấn đề được nêu trong "Những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020": "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức". (Tài liệu Nghiên cứu các Văn kiện Đại hội XI của Đảng, trang 9).
Mục tiêu của mối quan hệ phối hợp này là nhằm đào tạo nguồn lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các cấp độ khác nhau, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp, đáp ứng thị trường lao động đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Tuy nhiên, không phải đơn phương cơ sở đào tạo cũng như doanh nghiệp muốn là có được nguồn lao động đó mà phải có phối hợp, dưới sự hướng dẫn, định hướng của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Trước hết phải xác định việc xác lập và phát huy mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và các cơ sở sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chất lượng nguồn lao động là thực hiện nguyên lý giáo dục đã được luật hóa tại điểm 2, Điều 3 Luật Giáo dục năm 2009: "Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn,…". Theo quan điểm đó, cần phải có sự kết hợp như đã nêu trên, nhất là đối với giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học.
- Mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất là mối quan hệ biện chứng giữa người sản xuất ra sản phẩm (con người) và người sử dụng sản phẩm. Tuy cùng một đối tượng, nhưng không đồng nhất, thuần tuý, vì vậy trong chừng mực nhất định chỉ cần phân tích những khía cạnh nổi bật, đặc trưng sau:
+ Cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo và sử dụng qua việc hoạch định chiến lược phát triển của nhà trường cũng như của công ty, xí nghiệp,… để xác định nhu cầu nguồn nhân lực trước mắt cũng như lâu dài, về số lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu nguồn lao động, các hình thức đào tạo phù hợp.
+ Sự phối hợp giữa nhà trường và đơn vị sản xuất trong việc triển khai xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo theo quy chế chung của các Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoặc các Bộ chủ quản, quản lý chuyên ngành. Đây là một yêu cầu xuất phát một cách tự nhiên, bởi vì thực tế đào tạo trong quá khứ là nhà trường đào tạo những gì mình có, đơn vị sử dụng lao động khi tiếp nhận lao động phải "đào tạo lại". Những năm gần đây, từ sự phối hợp này đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, đem lại lợi ích cho các bên, trong đó điều quan trọng nhất là người lao động có việc làm ổn định, tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội và bản thân họ có nhiều cơ hội để thăng tiến.
Để đảm bảo cho việc xây dựng và phát huy mối quan hệ giữa ba nhà như đã nêu trên đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, điều kiện để thực hiện, nhưng tựu trung có thể cần 2 điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, các cơ sở đào tạo phải đổi mới phương thức quản lý, điều hành; lãnh đạo cơ sở phải thực sự quan tâm đến hoạt động này, vừa trực tiếp tạo ra cơ chế, tạo mối quan hệ, ở cấp lãnh đạo, vừa cần tạo ra bộ máy giúp việc như thành lập ban, tổ công tác,…; từ tham mưu hoạch định chiến lược đến triển khai, tổ chức, thực hiện những tác nghiệp cụ thể của kế hoạch phối hợp từ các bên.
Thứ hai, Sở GD-ĐT cần xây dựng ngay quy chế phối hợp, thường xuyên tổ chức giao ban, tập huấn, nắm bắt thông tin, có tổ chức điều phối, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể cho cả nhà trường và doanh nghiệp nhằm mục đích chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của địa phương.
Tạ Quang Vũ
(Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng)