Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp

04:11, 02/11/2012

(LĐ online) - Hiện nay chỉ có 50% HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp, 30% trong số đó làm đúng ngành nghề được đào tạo.

(LĐ online) - Đó chính là nội dung cuộc hội thảo được tổ chức tại Đà Lạt sáng 2/11/2012, do Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Lâm Đồng tổ chức, thu hút đông đảo các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trong toàn tỉnh tham gia.

Sản xuất rượu vang tại Công ty Cổ phần thực phẩm Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu
Sản xuất rượu vang tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng. Ảnh: Văn Báu

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp và mỗi huyện, thành phố đều có Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm dạy nghề. Số lượng học sinh- sinh viên hàng năm ra trường bước vào thị trường lao động khoảng 7.000-8.000 người, trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 3.700, số lao động trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 7% so với lao động việc làm toàn tỉnh.

Vấn đề được hội thảo phân tích sâu chính là sự phối hợp của nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tại hội thảo, Ông Tạ Quang Vũ- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã phân tích việc phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước (Sở GD&ĐT), nhà trường (cơ sở đào tạo) và doanh nghiệp (nơi sử dụng lao động) để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội mỗi địa phương; Đảm bảo xây dựng và phát huy mối quan hệ giữa ba nhà, đầu vào và đầu ra của nguồn nhân lực thực sự là cần thiết và cần quan tâm thực hiện.

Hội thảo cũng chỉ ra thực tế hiện nay chỉ có 50% HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp, 30% trong số đó làm đúng ngành nghề được đào tạo. Đại diện các Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt, Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Phú Lâm… cũng lần lượt trình bày các tham luận, nêu lên tình hình thực tế của từng đơn vị trong việc đào tạo và tìm đầu ra cho nguồn nhân lực, đồng thời đề xuất những định hướng về lâu dài cho việc đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế cua doanh nghiệp.

Để phát huy có hiệu quả mối quan hệ giữa ngành giáo dục và doanh nghiệp, theo ông Tạ Quang Vũ- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đề xuất: “Cần đổi mới hơn nữa phương thức quản lý, điều hành, quan tâm triển khai, nắm bắt thông tin và xây dựng nhiều hơn nữa những chính sách ưu đãi cho cả nhà trường và doanh nghiệp để cùng hướng đến mục đích chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương”.

Trên cơ sở phân tích thực trạng, cơ hội và những thách thức, hội thảo cũng nêu lên những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như khảo sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để định hướng tuyển sinh và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đào tạo, đồng thời phương pháp dạy học, trang thiết bị dạy học… cũng cần đầu tư và đổi mới để đào tạo được nguồn nhân lực thật sự chất lượng. Chú trọng củng cố hơn nữa mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vì thực hiện tốt mối liên kết này sẽ cân bằng được quan hệ cung cầu nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường.

Diễm Thương