Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trước hết là đổi mới tư duy

05:11, 14/11/2012

Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khoá XI vừa qua, thông qua tập trung thảo luận đã có Kết luận về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khoá XI vừa qua, thông qua tập trung thảo luận đã có Kết luận về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Theo kết luận: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII về định hướng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, trong điều kiện đất nước có nhiều khó khăn, nguồn nhân lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà đã đạt những thành tựu rất có ý nghĩa. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhanh; hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học, sau đại học. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ. Công tác quản lý giáo dục chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc tế mở rộng. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục ngày càng tốt hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng. Lực lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh, góp phần quan trọng đưa nước ta thoát nước nghèo.

Tuy đạt những thành tựu to lớn và cơ bản, song Hội nghị Trung ương 6 khoá XI cũng khẳng định: sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém đã nêu từ Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Có nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém, song một trong những vấn đề nổi cộm gây bức xúc cho xã hội, đó là: Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, giữa dạy chữ, dạy người, dạy nghề; nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết, có mặt xa rời thực tế chạy theo thành tích, chưa chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức và trách nhiệm dân. Chương trình giáo dục phổ thông còn quá tải đối với học sinh. Giáo dục đại học và giáo dục nghề chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa gắn với yêu cầu sử dụng nhân lực; chưa chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Phương pháp dạy và học chậm đổi mới, chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả còn lạc hậu, phương tiện giảng dạy thiếu…

Những yếu kém, bất cập kéo dài trong thời gian qua đã làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ về nhân lực của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới…

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan, cấp bách của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được Hội nghị Trung ương 6 khoá XI xác định bao gồm các nội dung: đổi mới tư duy; đổi mới mục tiêu đào tạo; hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo; nội dung, phương pháp dạy và học; cơ chế quản lý; xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện đảm bảo…, trong toàn hệ thống. Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết vào thời gian tới. Do vậy, trước mắt, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, Kết luận Trung ương 6 khoá XI và Thông báo Kết luận 242 – TB/TW của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.

BÌNH NGUYÊN