Đội ngũ quyết định chất lượng giáo dục dân tộc

03:11, 11/11/2012

Huyện Bảo Lâm là địa bàn có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (HS DTTS) đông, nhưng đã có nhiều giải pháp và thành quả đáng khích lệ, trong đó mấu chốt là vai trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) ngành giáo dục.

Trăn trở nhiều và cũng là bài toán khó giải của người làm giáo dục lâu nay ở miền núi là chất lượng và hiệu quả trong giáo dục dân tộc (GDDT). Huyện Bảo Lâm là địa bàn có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (HS DTTS) đông, nhưng đã có nhiều giải pháp và thành quả đáng khích lệ, trong đó mấu chốt là vai trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) ngành giáo dục.  

Học sinh dân tộc cần được rèn luyện tiếng Việt thường xuyên để có đủ phương tiện trong tư duy
Học sinh dân tộc cần được rèn luyện tiếng Việt thường xuyên để có đủ phương tiện trong tư duy


Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm Lê Đức vốn là hiệu trưởng một trường vùng sâu, chủ yếu là HS DTTS, đó là xã Lộc Lâm. Điều kiện khó khăn một thời ấy đã giúp anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quản lý toàn ngành giáo dục của huyện. Anh nói: “Theo tôi, muốn GDDT đạt kết quả tốt trước hết phải có đội ngũ vững, bám trường, bám lớp, có tâm và có trách nhiệm. Mặt khác, nhà trường cần tổ chức nhiều phong trào văn hóa-thể thao để thu hút HS. Trong đánh giá xếp loại, rất cần mềm hóa để động viên, khích lệ được các em. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đầu năm đối với HS một cách kịp thời”.

Năm học 2012-2013, toàn huyện Bảo Lâm có 68 trường, tăng thêm 1 trường THCS Nguyễn Du so với năm học trước. Trong đó, 19 trường mầm non (MN), 24 trường tiểu học (TH), 12 trường THCS, 7 trường cấp 1 và 2, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 4 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Quy mô giáo dục Bảo Lâm tiếp tục phát triển: năm học 2011-2012, có 973 lớp, hơn 26,7 ngàn HS; năm học này có 981 lớp, gần 27,2 ngàn HS. Có được hệ thống mạng lưới trường, lớp vừa phủ kín các địa bàn vùng sâu vừa đảm bảo cự ly theo quy định của Bộ như vậy là nhờ sự tham mưu tích cực của phòng Giáo dục cho chính quyền các cấp. Mặc dù, một vài điểm trường còn khó khăn đi lại hay cơ sở vật chất còn tạm bợ như Nao Quang, Hàng Lang nhưng GV luôn ý thức được vai trò “cắm bản”, cán bộ quản lý thường xuyên theo sát.  

Để nâng chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ, huyện Bảo Lâm thường xuyên duy trì các phong trào trường giúp trường; tổ chức hội nghị chuyên đề theo cụm và trong toàn huyện; tổ chức các hội thi trong HS và trong GV,…Đây là những hoạt động thiết thực, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tạo khoảng cách thân thiện, gần gũi, đoàn kết trong tập thể đội ngũ GV cũng như trong cộng đồng HS các dân tộc. Từ những phong trào ý nghĩa ấy, nhiều GV là người bản địa trở thành tấm gương nhà giáo khá giỏi của huyện và của tỉnh như Ka Rốp (Mầm non Ánh Dương, Lộc Thắng), K’Bố, K’Nhim (Tiểu học Lộc Tân),…Các trường tiêu biểu như THCS Lộc Thành B, THCS cấp 1-2 Lộc Phú, THCS cấp 1-2 Lộc Lâm, TH Lộc Nam C và MN B’Lá…

Chia sẻ về kinh nghiệm nâng chất lượng học tập của HS DTTS, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Nguyễn Ri cho rằng: GV phải tâm huyết, phải trăn trở đổi mới phương pháp làm việc. Phải thực sự thương yêu HS như con mới làm được những việc khó. Cần bám sát nhu cầu phát triển của địa phương để hình thành được ở các em tính chủ động hội nhập trong nhiều lĩnh vực mà xã hội đòi hỏi. Thông qua nguyên lý giáo dục song phương, HS tự nhận thức được về bản thân và GV cũng tự nhận thấy HS đang cần gì để chia sẻ. Mặt khác, không ra lệnh cho HS, tạo áp lực mà giải thích tận tình những việc nên và không nên làm. Để tạo dần ý thức thích học, ham học và tư duy ở HS, GV thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ vui học (hiện trường có 14 câu lạc bộ bộ môn). Việc sinh hoạt chuyên môn-nghiệp vụ trong đội ngũ phải thực sự nhẹ nhàng để hoạt động này dần dần trở thành nề nếp và nhu cầu tự đào tạo. “Mấu chốt của GDDT là kích thích được sự hứng thú của HS trong học tập. Muốn vậy, phải thay đổi cách dạy, rất cần có kỹ năng tổ chức trò chơi ở GV, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố “học mà vui”, hiệu trưởng Nguyễn Ri nhấn mạnh.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV trong toàn ngành giáo dục huyện Bảo Lâm từng bước nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn hàng năm tăng: MN chuẩn 85%, trên chuẩn 52%; TH chuẩn 98,88%, trên chuẩn 72,9%; THCS chuẩn 99,8% và trên chuẩn 52,3%. Còn theo các tiêu chí đánh giá về “chuẩn” của Bộ GD-ĐT, hiện Bảo Lâm có những kết quả đáng biểu dương như sau: Bậc MN, hiệu trưởng 38% xuất sắc, 55% khá, 1 trung bình; phó hiệu trưởng 71% xuất sắc, 29% khá; nghề nghiệp GV có 19,5% xuất sắc, 29%  khá và 51 trung bình. Bậc TH, hiệu trưởng 22,6% xuất sắc, 61,3% khá, 16% trung bình; phó hiệu trưởng 32,4% xuất sắc, 47% khá và 20,6% trung bình; nghề nghiệp GV 41,2% xuất sắc, 52,7% khá, 5,3% trung bình và gần 1% kém. Ở THCS, hiệu trưởng 44,4% xuất sắc, 44,4% khá, 11% trung bình; phó hiệu trưởng 20% xuất sắc, 80% khá; nghề nghiệp GV 15% xuất sắc, 65% khá, 20% trung bình và 0,18% kém.

Nhờ nhiều yếu tố, từ sự quan tâm của các chính sách Nhà nước, chính quyền các cấp và đặc biệt là đội ngũ cán bộ, GV, kết quả về GDDT của huyện Bảo Lâm là một trong những tiêu chí được ngành GD-ĐT tỉnh ghi nhận biểu dương. Cũng như năm học 2011-2012, năm học này, tỷ lệ huy động đạt trên 99% trẻ trong độ tuổi ra lớp ở bậc TH và trên 97% trẻ ở bậc THCS. Duy trì sĩ số ở TH trên 99%, THCS trên 97%. Năm học 2011-2012, lên lớp thẳng ở TH trên 95% và THCS trên 87%; tỷ lệ hoàn thành chương trình TH đạt trên 99%; ở HS THCS: xếp loại hạnh kiểm hơn 54% loại tốt, gần 39% khá, gần 6,7% trung bình và 0,17% yếu; về học lực, gần 3,5% loại giỏi, 25,6% khá, 58% trung bình, gần 12,5% yếu và 0,44% loại kém; tốt nghiệp đạt trên 98%. Năm 2011, huyện Bảo Lâm 14/14 xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi mức độ 1 và 13/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập THCS.

MINH ĐẠO