Đơn Dương: Đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động

03:11, 29/11/2012

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Đơn Dương đã tập trung đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của người lao động tại địa phương...

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Đơn Dương đã tập trung đào tạo nghề trên cơ sở nhu cầu của người lao động tại địa phương. Qua đó, đẩy nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trước khi thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua điều tra khảo sát, toàn huyện Đơn Dương có hơn 36.000 lao động có việc làm, trong đó, lao động chưa qua đào tạo khoảng 32.000 người, chiếm trên 87%. Nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án có hiệu quả cao, UBND huyện Đơn Dương đã xác định: hoạt động điều tra, khảo sát về nhu cầu học nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người lao động khi được học nghề và làm nghề theo đúng nhu cầu. Theo kết quả điều tra nhu cầu học nghề, có 51% số hộ dân nông thôn có nhu cầu học nghề, với 52 nghề được lao động nông thôn đăng ký học, trong đó, các nghề phục vụ nông nghiệp chiếm 58% nhu cầu, các nghề công nghiệp - xây dựng 25% và dịch vụ 17%. Vì vậy, huyện Đơn Dương đã tập trung mở các ngành nghề đào tạo thu hút được nhiều lao động tham gia chủ yếu vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, đan móc, sửa chữa xe máy, điện dân dụng…

Toàn huyện đến nay có 1 trung tâm dạy nghề công lập, 1 trung tâm hướng nghiệp, 1 trung tâm dạy nghề tư thục Vinh Sơn… có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí nhà nước và hỗ trợ từ các tổ chức, nhân dân tự đóng góp để đào tạo nghề. Huyện Đơn Dương được tỉnh chọn để triển khai 1 mô hình dạy nghề nông nghiệp, 1 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp và 1 mô hình dạy nghề cho bà con dân tộc. Trong 2 năm 2010-2011, Trung tâm Dạy nghề Đơn Dương đã triển khai 30 lớp dạy nghề và đã có trên 800 học viên tốt nghiệp, trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 70% người học. Trong số các học viên tốt nghiệp năm 2011 với các nghề trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, móc len... đã có khoảng 100 người học trồng trọt được Công ty Apollo và Công ty Hasfarm tuyển dụng, số còn lại học nghề trồng trọt đều áp dụng được kỹ năng, kiến thức vào sản xuất tại gia đình, trong đó, nhiều người đã tăng thu nhập từ 2-4 lần trên cùng diện tích rau màu, nhiều hộ gia đình đã trở thành những hộ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi giỏi tại địa phương. Nghề kỹ thuật sửa máy nông nghiệp có 100% học viên sau đào tạo biết sửa chữa tự phục vụ cho lao động tại hộ gia đình và góp phần vào việc cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trong đó, có 4 học viên đi làm tại tiệm sửa chữa và có thu nhập khá ổn định. Nghề sửa chữa xe máy có 21 học viên đã mở tiệm, hoặc đi làm cho các tiệm sửa xe máy với thu nhập ổn định. Còn nghề móc len thì các học viên đều có việc làm giúp tăng thu nhập cho gia đình.

Như vậy, trong 3 năm (2010-2012), thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên địa bàn huyện Đơn Dương đã đào tạo nghề cho 1.050 lao động nông thôn, có 840 lao động có việc làm sau đào tạo, chiếm 80%. Đồng thời, giới thiệu cho học viên sau đào tạo làm tại các công ty, nhà máy được 150 học viên, chiếm tỷ lệ khoảng 13%. “Thông qua đào tạo, người lao động được trang bị kỹ thuật tay nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động. Với chỉ tiêu mỗi năm đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho khoảng 800-1.200 lao động tại địa phương, huyện Đơn Dương đã gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ông Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Đơn Dương cho biết.

Tuấn Hương