Gần 20 năm bám bản Mông dạy chữ

03:11, 22/11/2012

Đó là cô giáo Lý Thị Mỵ ở Trường THCS cấp I - II Tà Ngào, Phân hiệu làng Mông, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Đó là cô giáo Lý Thị Mỵ ở Trường THCS cấp I - II Tà Ngào, Phân hiệu làng Mông, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cô giáo Mỵ đang hướng dẫn học sinh làm bài tập toán
Cô giáo Mỵ đang hướng dẫn học sinh làm bài tập toán


Tốt nghiệp Trung học Sư phạm 12+2 vào năm 1991, cũng là lúc gia đình, làng bản di dân vào Lâm Đồng, Lý Thị Mỵ (sinh năm 1968, quê Nguyên Bình, Cao Bằng) được bà con vận động đi theo để dạy cái chữ cho con em người Mông trên quê hương mới. Sau nhiều đêm trăn trở, Mỵ quyết định gói sách vở đi cùng bà con vào định cư tại bản Mông dưới chân Núi Chúa (nay là thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm).

Nhắc lại những ngày đầu ở vùng đất mới, cô giáo Lý Thị Mỵ, tâm sự: “Lúc mới vào đây, khó khăn chồng chất, nên ai cũng phải lo cho cái bụng được no chứ chưa nghĩ đến việc học hành của con cái… Thế là ngót 3 năm trời, mình đành phải gác lại việc dạy chữ để lên nương và đi làm thuê kiếm sống”. Theo cô giáo Mỵ, mặc dù đi làm thuê nhưng trong khoảng thời gian đó, tình yêu nghề giáo và khát vọng truyền dạy kiến thức cho con em trong bản vẫn luôn nung nấu trong đầu. Đến năm 1995, ước mong của Mỵ đã được tiếp sức nhờ Trưởng thôn Thào Hùng Khải - người đi tiên phong trong việc vận động người dân góp công, góp sức cùng nhau dựng trường để dạy cái chữ cho con em. Kể từ đó, Phân hiệu làng Mông (trước đây thuộc Trường Tiểu học Lộc Thành A, nay thuộc Trường THCS cấp I-II Tà Ngào) mới được hình thành.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS cấp I-II Tà Ngào Trương Văn Liền, đến nay Phân hiệu làng Mông đã được đầu tư xây dựng 8 phòng học và 4 phòng công vụ. Phân trường có 6 giáo viên, với tổng số 127 học sinh ở 2 cấp TH và THCS, trong đó 50% là con em đồng bào Kinh, số còn lại là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng, K’Ho…

Anh Đinh Văn Thành - cán bộ văn hoá xã Lộc Thành, người có thời gian vào công tác ở làng Mông từ những ngày đầu thành lập, nay có vợ đang là giáo viên công tác tại Phân hiệu làng Mông, tiếp nối câu chuyện: “Nói là trường học, nhưng thực ra chỉ là một căn nhà tranh vách nứa, bàn ghế đều làm bằng các thanh tre ghép lại (về sau mới có gỗ thay thế), nên mọi người mới gọi là ngôi trường lá. Trường chỉ có lớp học và một cô giáo - cô Mỵ dạy chữ cho con em người Mông trong bản, trong đó có cả con gái của Trưởng thôn Thào Hùng Khải”.

Như được gợi mở, cô giáo Mỵ, nhớ lại: Ban đầu, lớp có 10 em học sinh với đủ độ tuổi, có em lên 6 tuổi, có em chỉ mới 5 tuổi, nhưng khai 6 tuổi để được đến lớp, cũng có em 8, 9 tuổi mới được đi học. Được vài tháng thì lại “rơi rớt” dần chỉ còn vài ba em theo hết lớp 1. Năm sau, cả thôn lại vận động được hơn 20 em ra lớp, nhưng học hết lớp 1 lại nghỉ, không em nào chịu ra trung tâm xã Lộc Thành học tiếp, bởi đường xa, và đi lại khó khăn, vì ngày đó chưa có đường lớn như bây giờ. Vì vậy, cô giáo Mỵ lại xin mở lớp ghép, gom các em đã học xong lớp 1 trước đây vào học lớp 2 và năm tiếp theo thì ghép thêm lớp 3. Sau đó, khi học sinh đông dần thì được Phòng Giáo dục tăng cường thêm 2 cô giáo và có thêm lớp nhô.

Chỉ nghe kể về cảnh dạy một lớp ghép tới 3 lớp cũng biết được nghị lực của cô giáo trẻ Lý Thị Mỵ lúc bấy giờ như thế nào. Trong phòng học tạm, học sinh được chia ngồi theo 3 dãy, lớp 1 quay lên hướng cửa, còn lớp 2 và lớp 3 quay ngược lại, riêng tấm bảng thì được chia ba… Cô giáo vừa tập cho học sinh lớp 1 đánh vần ê a, vừa quay sang tập cho học sinh lớp 2, lớp 3 làm toán. “Để đảm bảo chương trình, tôi dặn các em ăn sáng cho thật no để học đến trưa, khi nào học xong bài thì tan lớp, chứ không nghĩ đến giờ giấc” – cô giáo Mỵ kể.

Không chỉ kiên cường bám bản xa, cô giáo Mỵ còn khắc phục khó khăn, thiếu thốn trăm bề để vừa dạy, vừa tiếp tục học nâng cao trình độ và nhận bằng tốt nghiệp Đại học Tiểu học từ xa vào năm 2006. Nhận xét về cô giáo Lý Thị Mỵ, thầy Hiệu trưởng Trường THCS cấp I-II Tà Ngào Trương Văn Liền, bộc bạch: “Cô Mỵ là người giảng dạy tại Phân hiệu làng Mông ngay từ ngày mới thành lập, hiện nay vẫn gắn bó với trường lớp. Có phẩm chất đạo đức nhà giáo, lối sống rất giản dị, lành mạnh, được đồng nghiệp và mọi người tin yêu. Cô cũng là giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liền, và 2 năm (2010 và 2011) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

Hiện nay, dù đã lập gia đình và sống ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) nhưng hàng ngày cô giáo Mỵ vẫn vượt hơn 10km đường đồi núi để vào dạy học ở làng Mông. Cô tâm sự: “Từ ngày lập gia đình, có con nhỏ và chuyển về ở Đại Lào, nhiều người khuyên tôi nên xin chuyển về dạy gần nhà, nhưng tôi vẫn lưu luyến làng Mông. Chừng nào còn sức để đi thì tôi cứ đi, cứ gắn bó với trẻ em làng Mông này”.

THUỴ TRANG