Tuy khó khăn, gian nan vất vả chồng chất nhưng do yêu nghề, thương những em nhỏ trên miền quê mới nên thầy giáo Nguyễn Như Ngọc vẫn không hề nản chí, cứ miệt mài với sự nghiệp “trồng người” của mình và lặng lẽ “đưa đò” cho bao thế hệ học sinh “qua sông”.
Thầy giáo Nguyễn Như Ngọc miệt mài gieo chữ trên miền quê mới |
Sau những người đi tiền trạm, mở đất tại vùng Bãi Cháy - Lán Tranh (khu vực Tân Hà – Lâm Hà hiện nay), thì thầy giáo Nguyễn Như Ngọc là một trong những người đầu tiên đi gieo chữ trên vùng đất mới này.
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Hà Nội, thầy giáo trẻ Nguyễn Như Ngọc đã theo bước chân những người tiền trạm vào gieo chữ cho con em những gia đình kinh tế mới nơi vùng đất hoang vu khó khăn Bãi Cháy – Lán Tranh, Lâm Hà. Trên mảnh đất mới đầy cỏ gai bụi rậm, ruồi vàng, muỗi, vắt với bao khó khăn gian khổ, thầy giáo Nguyễn Như Ngọc đã vận động mọi người cùng chung tay dựng trường, lớp để “trồng người” nơi đây.
Gần 30 năm gieo chữ trên vùng đất mới, bây giờ nhiều học trò của thầy cũng đã trưởng thành, quê hương cũng đã đổi mới, những khó khăn xưa đã được đẩy lùi, nhưng ký ức về những năm tháng khai phá rừng hoang mở trường dạy chữ vẫn còn hiện rõ trong tâm trí của nhà giáo Nguyễn Như Ngọc.
Quê ở Thạch Thất, Hà Nội (Hà Tây cũ), lúc mới vào, nơi đây còn bộn bề dang dở, mọi người đang tập trung khai hoang, vỡ đất để xây dựng cuộc sống mới. Trường lớp chỉ là những ngôi nhà tranh tre, nứa lá, tạm bợ do thầy và những người dân dựng lên để dạy học cho các em nhỏ. Đường sá đi lại khó khăn, phải đi bộ hàng chục kilomet đường rừng, vượt qua suối lũ để đến các điểm trường dạy chữ cho học sinh. Trên đường đi dạy, không chỉ đối mặt với khó khăn đường sá mà phải đề phòng thú dữ và bọn phản động Fulro đang ẩn nấp, rình rập trong rừng sâu. Là một sinh viên vừa rời Thủ đô Hà Nội hoa lệ vào dạy học trên vùng đất đỏ cao nguyên, do không quen với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc nên thầy giáo Nguyễn Như Ngọc đã bị những cơn sốt rét rừng hành hạ đến rụng cả tóc. Do cuộc sống khó khăn, vừa dạy học vừa phải tranh thủ tăng gia sản xuất để đảm bảo cuộc sống.
Tuy khó khăn, gian nan vất vả chồng chất nhưng do yêu nghề, thương những em nhỏ trên miền quê mới nên thầy giáo Nguyễn Như Ngọc vẫn không hề nản chí, cứ miệt mài với sự nghiệp “trồng người” của mình và lặng lẽ “đưa đò” cho bao thế hệ học sinh “qua sông”. Thầy Ngọc tâm sự: “Tôi đã làm nghề dạy học trên miền quê mới này đã 28 năm và đã trải qua bao khó khăn vất vả. Nhiều thế hệ học trò của tôi đã trưởng thành và có người đã đem kiến thức của mình trở về phục vụ quê hương. Hạnh phúc của người thầy là khi chứng kiến học trò mình trưởng thành, có cơ hội phát triển. Có nhiều giáo viên cùng thế hệ với tôi do cuộc sống khó khăn thời đó nên đã bỏ nghề và mưu sinh bằng nhiều nghề khác. Tôi xác định nghề dạy học là một nghề cao cả nên tôi luôn yêu nghề, gắn bó với nghề và luôn gương mẫu để học trò noi theo. Tôi cũng rất vui mừng vì đất nước không ngừng phát triển, ngành giáo dục được quan tâm đầu tư, bây giờ trường lớp khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh”.
Thật không quá khi ví nghề dạy học như kiếp con tằm, luôn lặng lẽ nhả tơ cho đời. Thầy giáo Nguyễn Như Ngọc cũng vậy, dù bao khó khăn vất vả những ngày đầu theo bước chân tiền trạm đi gieo chữ trên miền đất mới nhưng thầy vẫn miệt mài, âm thầm đi về sớm trưa để ươm những mầm xanh tương lai cho quê hương, đất nước. Thầy giáo Nguyễn Như Ngọc đã đóng góp một phần không nhỏ cho ngành giáo dục tại địa phương. Sau hơn 5 năm công tác nơi đất mới với nhiều thành tích đạt được, năm 1990 thầy Ngọc được điều động vào làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng, đến năm 1998 thầy lại được chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Tân Hà II với chức vụ hiệu trưởng và năm 2008 thầy Nguyễn Như Ngọc chuyển về làm hiệu trưởng Trường Tân Hà I đến nay. Thầy Nguyễn Như Ngọc cũng rất vinh dự, tự hào khi cả hai trường thầy đã và đang làm hiệu trưởng là Trường Tiểu học Tân Hà II và Trường Tiểu học Tân Hà I đều đạt danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia và nhiều thành tích đáng ghi nhận khác.
Nói về thầy giáo Nguyễn Như Ngọc, ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết: “Thầy là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục nơi đây, đã gắn bó với nghề dạy học nơi đây gần 30 năm nay. Những trường thầy từng làm công tác quản lý đều đạt nhiều thành tích cao trong sự nghiệp dạy và học. Chúng tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến của thầy giáo Nguyễn Như Ngọc cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương”.
DUY NGUYỄN