Gia tăng bệnh tay chân miệng tại Bảo Lộc

04:11, 24/11/2012

Từ đầu năm đến nay, tại TP Bảo Lộc, bệnh tay chân miệng (TCM) có nhiều biến động và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 và tháng 10, bệnh gia tăng đột biến. Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để phòng và ngăn chặn bệnh lây lan.

Từ đầu năm đến nay, tại TP Bảo Lộc, bệnh tay chân miệng (TCM) có nhiều biến động và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 và tháng 10, bệnh gia tăng đột biến. Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để phòng và ngăn chặn bệnh lây lan.

Kiểm tra bệnh cho trẻ
Kiểm tra bệnh cho trẻ


Đến cuối tháng 10, tổng số ca bệnh TCM trên địa bàn TP Bảo Lộc là 335 ca. Trong đó, số ca điều trị nội trú là 82 ca và điều trị ngoại trú là 253 ca. So với cùng kỳ năm 2011, số ca bệnh TCM tăng 222 ca. Riêng trong tháng 10 tăng 119 ca. Hầu hết các xã, phường đều có số ca bệnh tăng; trong đó, tăng cao nhất là xã Đam Bri, phường Lộc Phát, phường II. Theo nhận định của Trung tâm Y tế Bảo Lộc, trẻ mắc bệnh TCM tăng cao trong thời gian qua, là do khí hậu mát mẻ tạo điều kiện cho bệnh dễ phát triển; các trường mầm non vào năm học mới nên rất dễ lây lan bệnh; vấn đề nhận thức trong cộng đồng về bệnh TCM còn nhiều hạn chế; các cháu bệnh và không bệnh cùng sinh hoạt chung với nhau, không được cách ly đúng cách…

Trước tình hình bệnh TCM gia tăng và diễn biến phước tạp, Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt. Đội Y tế dự phòng và các đơn vị y tế cơ sở thường xuyên phân công cán bộ chủ động giám sát, phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời; đồng thời, tuyên truyền bà con ý thức về phòng chống bệnh TCM. Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo triển khai tập huấn lồng ghép cho toàn thể giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên chủ nhiệm khối trung học cơ sở về cách phát hiện và phòng ngừa bệnh TCM. Khi phát hiện ca bệnh, Trạm Y tế xã, phường cần nhanh chóng xác minh và điều tra ca bệnh; sau đó, tiến hành cấp phát Chloramin B cho gia đình có trẻ bị bệnh và những hộ xung quanh để xử lý môi trường, nhà cửa và đồ chơi của các cháu. Ngoài xác minh và xử lý của Trạm, Đội Y tế dự phòng cần chủ động giám sát để phát hiện và xử lý sớm ca bệnh, ngăn ngừa, khống chế không để dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, đến hiện tại, tổng số trường có trẻ mắc bệnh TCM là 28. Đội Y tế dự phòng đã đến các trường giám sát và xử lý triệt để bằng các biện pháp, như xử lý Chloramin B 2% hằng ngày (trong vòng 10 ngày liên tục); giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh mới; cấp tờ rơi tuyên truyền về bệnh TCM cho mỗi phụ huynh; hướng dẫn vệ sinh cá nhân hằng ngày cho các cháu bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Đối với những trường mầm non chưa có trẻ mắc bệnh, hàng tuần, các đơn vị y tế cơ sở xuống các trường cấp phát Chloramin B và giám sát việc khử khuẩn của trường học. Đến nay, tổng số trường được giám sát hàng tuần là 141 trường (kể cả các nhà trẻ tư nhân).

Từ nay đến cuối năm, tình hình bệnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Y tế Bảo Lộc, việc giám sát, xử lý vẫn phải được tiến hành chặt chẽ, không lơ là để tránh bệnh bùng phát thành dịch.

ĐÔNG ANH